Chủ động các phương án ứng phó bão số 8

Admin

24/10/2020 12:29

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, theo dự báo, vùng ảnh hưởng của bão rộng, nếu vào đất liền sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đặc biệt là khu vực miền Trung.

Hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa, lũ các tỉnh miền trung, diễn ra sáng 21-10. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì Hội nghị.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, theo dự báo, vùng ảnh hưởng của bão rộng, nếu vào đất liền sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đặc biệt là khu vực miền Trung. Do vậy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các địa phương thực hiện tốt việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Bên cạnh đó, đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên biển trong đó chú ý tới hoạt động nuôi trồng thủy hải sản.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, lúc 8 giờ sáng nay, bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa 680 km, cường độ cấp 8-9, giật cấp 11. Các dự báo của quốc tế đối với cơn bão hiện nay tương đối rộng, về cả diễn biến và cường độ.

Dự báo của Cục Khí tượng Nhật Bản vùng ảnh hưởng của bão số 8 có thể kéo dài từ Đông Bắc Bộ xuống tận Nam Trung Bộ, các cơ quan khí tượng của Mỹ và Hồng Công (Trung Quốc) cũng nhận định tương tự.

Về cường độ, dự báo quốc tế nhận định cơn bão có cường độ mạnh nhất ở khoảng cấp 11, 12, có thể giật cấp 13, 14 khi bão dịch chuyển đến gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Dự báo khi đi sâu vào đất liền cường độ bão ở khoảng cấp 8, cấp 9, một số dự báo quốc tế cho rằng còn cấp 7. Đây là dự báo xa trước 3-4 ngày, theo dự báo quốc tế”, ông Mai Văn Khiêm nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cho rằng, mặc dù bão còn cách xa nhưng gió mạnh đã bắt đầu trực tiếp tác động, cùng lúc này là tác động của gió mùa đông bắc, chỉ cần bão cấp 6, cấp 7 ngoài biển nếu không bảo đảm có phương án là nguy cơ mất an toàn. Do đó, cần quán triệt ngay từ bây giờ, phạm vi vùng biển nguy hiểm phải được thông báo cho toàn bộ tàu thuyền để tránh rủi ro xảy ra, nhất là các phương tiện vãng lai.

Tất cả các hoạt động kinh tế biển phải bảo đảm an toàn. Hiện đang có 44 điểm sạt lở và vùng trũng, nếu đến ngày 24, 25 bão chỉ cần cấp 7, cấp 8 là nguy cơ.

Trên đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 8 phải xây dựng các phương án phù hợp, thiết thực trong ứng phó với bão, trong đó tập trung vào việc sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm (vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...). Công tác chỉ đạo ứng phó với bão cần quan tâm đến vấn đề an toàn hồ đập, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự giao thông. Các địa phương bố trí lực lượng, có các biện pháp cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm để người dân tránh và không đi vào những vùng đã có cảnh báo. Đồng thời, các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch bảo vệ sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh doanh du lịch, vệ sinh môi trường, dịch bệnh.

Để bảo đảm an toàn trên đất liền, tất cả các địa phương liên quan theo dự báo trong diện ảnh hưởng phải xây dựng các phương án ứng phó với cơn bão số 8. Trước hết lên phương án sơ án dân, bảo đảm an toàn cho người dân khi bão vào bờ, sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, nơi ngập sâu, nước sâu, nước chảy xiết, nơi ở, công trình không an toàn.

Bạn đang đọc bài viết "Chủ động các phương án ứng phó bão số 8" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.