Chủ tịch FPT Trương Gia Bình 'mất' 800 tỷ đồng phiên đầu năm

Admin

03/02/2025 20:11

Cổ phiếu FPT giảm hơn 5% xuống 145.500 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu năm Ất Tỵ, qua đó "thổi bay" hơn 800 tỷ đồng giá trị tài sản của ông Trương Gia Bình.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đang nắm hơn 102 triệu cổ phiếu FPT. Ảnh: Hoàng Hà.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đầu năm mới Ất Tỵ không mấy suôn sẻ khi chứng kiến hàng loạt cổ phiếu đầu ngành sụt giảm. Việc thiếu vắng dòng tiền nâng đỡ trước áp lực nguồn cung khiến VN-Index lao dốc từ sớm.

Tình trạng này duy trì xuyên suốt phiên giao dịch. Điểm tích cực là đà bán tháo chỉ tập trung vào một số nhóm ngành cụ thể như tài chính, công nghệ, viễn thông và bất động sản thay vì bao trùm toàn thị trường.

Kết phiên, VN-Index giảm 12,02 điểm (-0,95%) xuống mốc 1.253,03 điểm, mức giảm mạnh nhất trong 2 tuần qua. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,48 điểm (+0,21%) lên mốc 223,49 điểm; còn UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,22%) lên 94,51 điểm.

Thanh khoản trên cả 3 sàn được đẩy lên ngưỡng 15.300 tỷ đồng, chủ yếu do áp lực bán ra tăng cao.

Sắc đỏ thấm đẫm bảng điện tử nhưng chủ yếu ở nhóm công nghệ và viễn thông còn các nhóm khác giữ trạng thái phân hóa. Toàn thị trường ghi nhận 410 mã tăng (gồm 27 mã tăng trần), 837 mã giữ tham chiếu và 361 mã giảm (gồm 16 mã giảm sàn).

Trái lại, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 chứng kiến lượng mã giảm áp đảo với 25 mã trong khi chỉ có 4 mã tăng và duy nhất MSN của Masan giữ tham chiếu. Chỉ số đại diện rổ vì thế giảm hơn 22 điểm về mốc 1.315 điểm.

tai san truong gia binh,  co phieu fpt giam anh 1

VN-Index "đánh mất" thành quả của 2 phiên tăng gần nhất. Ảnh: TradingView.

Với biên độ giảm trên 5%, cổ phiếu FPT là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm mạnh hôm nay. “Đồng hành” cùng mã chứng khoán này là những cái tên quen thuộc như BID (-1,5%), TCB (-2%), VNM (-2,7%), VPB (-2,1%), LPB (-2,1%), MBB (-1,6%), VHM (-1,3%) và GAS (-1,2%).

Đà giảm kể trên khiến vốn hóa Tập đoàn FPT “bốc hơi” hơn 10.000 tỷ đồng hôm nay. Kéo theo là giá trị lô cổ phiếu FPT trong tay Chủ tịch Trương Gia Bình cũng giảm hơn 800 tỷ đồng xuống còn 14.800 tỷ đồng.

Các cổ phiếu cùng ngành với FPT cũng có ngày giao dịch đáng quên, điển hình như CMG (-4,8%), ELC (-1,2%), ITD (-5,2%), CTR (-5%), FOX (-8,6%), VGI (-2,6%), TTN (-9,6%), MFS (-10,4%).

Chiều ngược lại, nhịp đi lên của GVR (+1,6%), HVN (+2,8%), BSR (+2%), GEE (tăng trần), BCM (+1%), GEX (+4%), SHB (+1,5%), VGC (tăng trần), KBC (+1,4%) và PGV (+1,3%) không đủ để cản đà rơi của chỉ số.

Các cổ phiếu đầu tư công, vận tải như HAH (+3,4%), HHV (+2%), BOT (tăng trần), CII (+0,7%), VOS (+2,6%) cũng giao dịch tích cực.

Nhóm nguyên vật liệu cũng xuất hiện một số cái tên khởi sắc như VGS (tăng trần), NKG (+2,2%), DPM (+1%), CSV (+1,9%).

Khối ngoại có phiên bán ròng mạnh nhất kể từ giữa tháng 1 với quy mô 1.500 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu FPT dẫn đầu danh mục bán ra với 508 tỷ đồng, VNM (-315 tỷ đồng), MWG (-87 tỷ đồng).

Tiền ngoại chỉ được phân phối nhỏ giọt qua các mã SHS (+37 tỷ đồng), MSN (+30 tỷ đồng), VGC (+28 tỷ đồng).

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.