Chủ tịch Hoàng Quân: Chưa khi nào giá nhà ở xã hội rẻ như hiện nay

Admin

25/11/2024 08:11

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân cho rằng giá nhà ở xã hội hiện chỉ bằng 50% giá nhà thương mại cùng vị trí, độ cao và chất lượng.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân. Ảnh: HQC.

Ngày 17/11, CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HoSE: HQC) đã tổ chức buổi Talkshow với chủ đề "Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực".

Tại sự kiện, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT HQC nhận định chưa bao giờ giá nhà ở xã hội rẻ như lúc này.

"Khi so sánh giá, cần so sánh giá nhà ở xã hội với nhà ở thương mại cùng vị trí, độ cao và chất lượng. Hiện tại, giá nhà ở xã hội chỉ bằng dưới 50% giá nhà thương mại, nhờ các cơ chế ưu đãi về thuế và quy định lợi nhuận của chủ đầu tư không vượt quá 10%", ông giải thích.

Cần phối hợp chặt chẽ nhiều bên

Theo ông Tuấn, để sở hữu nhà ở xã hội, cần phụ thuộc vào ba yếu tố quan trọng, gồm: Cơ chế chính sách, nguồn vốn và sự tiết kiệm của khách hàng.

Về chính sách, ông nhấn mạnh rằng chưa bao giờ các cơ chế hỗ trợ tốt như hiện nay. Mặc dù lãi suất hiện ở mức 6,6%/năm, cao hơn so với mức 4,8%/năm trước đây, nhưng so với lạm phát và giá nhà thương mại, mức lãi suất này vẫn rất hợp lý.

"Tuy nhiên, quan trọng và quyết định nhất vẫn đến từ khách hàng, có giấc mơ phải hành động, phải tiết kiệm nhiều hơn", ông nói.

Bổ sung thêm quan điểm này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế và thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng để người dân sở hữu nhà ở xã hội, cần sự phối hợp chặt chẽ từ 4 bên: Nhà nước, ngân hàng, nhà đầu tư và người dân.

Theo ông, trước hết, các địa phương cần đánh giá chính xác nhu cầu thực tế để tránh tình trạng thừa hoặc thiếu nhà ở xã hội, xác định quỹ đất và phát triển hạ tầng đảm bảo hiệu quả trong triển khai.

Đồng thời, ngân hàng cũng cần phải bổ sung thêm các nguồn vốn khác từ quỹ tại địa phương.

Đối với chủ đầu tư, ông cho rằng cần chuẩn bị vốn, chú trọng xây dựng hệ sinh thái đồng bộ, đảm bảo chất lượng công trình. Bên cạnh đó, phối hợp với địa phương để đánh giá xác định nhu cầu ngay từ đầu nhà ở xã hội nên cho thuê hay để bán.

Cuối cùng, người mua cũng cần chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ, xác nhận thu nhập và tiết kiệm để có khả năng tài chính phù hợp.

Về lãi suất, ông Lực cho biết mức vay 6,6%/năm hiện nay tương đương với lãi suất cho vay hộ nghèo. Nếu giảm thấp hơn, sẽ sai quy định. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét điều chỉnh lãi suất vay phù hợp với đối tượng thu nhập thấp.

Chính sách phát triển nhà ở xã hội dần được cởi trói

Là doanh nghiệp trực tiếp phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân cho biết thời gian qua, các cơ quan quản lý đã nỗ lực để chung tay hiện thực hóa Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp.

Theo ông, các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội như Hoàng Quân luôn cố gắng hoàn thành các dự án đã và đang triển khai dù gặp nhiều thách thức.

"Làm nhà ở xã hội lợi nhuận rất thấp, thậm chí nhiều dự án triển khai xong còn bị lỗ. Tuy nhiên, mục tiêu của việc làm nhà ở xã hội không phải là lợi nhuận mà là sự chung tay của doanh nghiệp cùng Chính phủ, địa phương", ông bổ sung.

dia oc hoang quan,  nha o xa hoi anh 1

Các chuyên gia chia sẻ tại Talkshow "Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực" ngày 17/11. Ảnh: HQC.

Phát biểu tại sự kiện, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông nhận định bản chất nhà ở xã hội là chia sẻ lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, các quy định pháp luật chồng chéo trước đây đã khiến doanh nghiệp ngại tham gia.

Theo quy định, các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% diện tích cho nhà ở xã hội, nhưng nhiều chủ đầu tư chưa chú trọng thực hiện phần này, thay vào đó tập trung vào nhà ở thương mại. Ngoài ra, nguồn lực cho nhà ở xã hội còn hạn chế, làm tiến độ triển khai chậm hơn nhiều so với nhà ở thương mại.

Ông Tuấn thừa nhận trước đây, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách khi phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản mới có hiệu lực đã dần cởi bỏ những nút thắt cho các đơn vị phát triển nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng nhận định việc phát triển nhà ở xã hội trước đây gặp nhiều vướng mắc liên quan đến quỹ đất, thủ tục, cơ chế, vốn và đầu ra.

Tuy nhiên, gần đây, các quy định pháp luật đã dần được cởi trói. "Đơn cử như việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế lợi nhuận cho nhà đầu tư", ông nói.

Bên cạnh đó, NHNN cũng vào cuộc bằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề lãi suất vẫn còn là trở ngại với người mua nhà thu nhập thấp.

Riêng về quỹ đất, dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, việc tiếp cận đất đai vẫn là thách thức do cách làm việc chưa đồng bộ của một số địa phương. Do đó, ông Đính nhấn mạnh cần có quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của địa phương, coi phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ bắt buộc.

Ông cũng đề xuất trong dài hạn, Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là bố trí đất và vốn. Việc đơn giản hóa thủ tục dưới sự chỉ đạo của Nhà nước sẽ giúp các nhà thầu tập trung thực hiện dự án một cách hiệu quả. Đồng thời, ông mong muốn đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê, thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm để bán, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.