![]() |
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB phát biểu tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ngân hàng. Ảnh: OCB. |
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 ngày 22/4, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) - đánh giá các chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ đang tạo ra tác động mạnh mẽ tới thương mại toàn cầu.
Thận trọng trước biến động thuế quan
Trước những biến động khó lường của môi trường bên ngoài, ông Tuấn cho biết OCB vẫn giữ tinh thần chủ động, thận trọng nhưng không bi quan. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 33% trong năm nay, một kế hoạch tích cực trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều thách thức.
Ban điều hành OCB xác định 2025 là năm cuối cùng của chiến lược giai đoạn 2021-2025, vì vậy toàn hệ thống cần hành động quyết liệt, chuyển mình mạnh mẽ để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Chủ tịch OCB nhìn nhận nền kinh tế theo chu kỳ và cho rằng sau 3 năm điều chỉnh giảm (2022-2024), có thể kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm 2025.
Từ kinh nghiệm kinh doanh vài chục năm tại Việt Nam, ông Tuấn cho biết thị trường tài chính từng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Dù vậy, OCB đã vươn lên từ một ngân hàng nhỏ với lợi nhuận vài chục tỷ đồng mỗi năm thành ngân hàng quy mô trung bình với mức tăng trưởng 60-70%, thậm chí có năm tăng gấp đôi.
Giai đoạn 2022-2024, OCB không đạt được kế hoạch kinh doanh như kỳ vọng, một phần do quá trình xử lý tài sản bảo đảm của nhóm khách hàng cá nhân kéo dài, dẫn đến việc phải trích lập dự phòng lớn.
Ông Tuấn bày tỏ niềm tin vào sự chuyển mình của đất nước, kỳ vọng nền kinh tế sẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng sẽ là nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên từ sự ổn định vĩ mô và tăng trưởng.
Về tác động của thương chiến Mỹ - Trung Quốc, Chủ tịch OCB cho rằng dù có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động ngân hàng và kinh tế vĩ mô, mức độ tác động sẽ ở mức vừa phải.
Ông Tuấn cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ đàm phán được một mức thuế phù hợp với Mỹ, mức thuế “đồng hạng” với các quốc gia xuất khẩu cùng ngành như Ấn Độ, Indonesia hay Bangladesh trong các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… Đây là cơ sở để Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu, thay vì rơi vào tình trạng “đóng băng”.
Quan trọng hơn, ông nhấn mạnh việc cần nhìn lại năng lực nội tại để phát triển thị trường mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.
![]() |
Toàn cảnh buổi họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của OCB. Ảnh: S.T. |
Có kế hoạch sở hữu 1 công ty chứng khoán
Năm 2025, ban lãnh đạo OCB đánh giá nền kinh tế Việt Nam và ngành ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Cục diện thế giới vẫn diễn biến phức tạp với các bất ổn địa chính trị, trong khi áp lực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể nâng lãi suất điều hành.
Cùng với đó là rủi ro nợ xấu gia tăng do thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, sức mua của người dân còn yếu khiến tín dụng tiêu dùng tăng chậm hơn kỳ vọng. Trong bối cảnh này, bài toán duy trì thanh khoản và đảm bảo lợi nhuận tiếp tục đè nặng lên vai các ngân hàng.
Năm nay, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ, tăng 13% so với cuối năm 2024; huy động tiền gửi đạt 218.842 tỷ (+14%); dư nợ tín dụng khoảng 208.472 tỷ (+16%). Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 5.338 tỷ (+33%). Nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Kết thúc quý I, ban lãnh đạo ước tính doanh thu đạt gần 2.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 900 tỷ đồng. Quy mô tín dụng và huy động tăng trưởng lần lượt 2% và 8% so với cuối năm ngoái.
Đáng chú ý, năm nay sẽ là lần đầu tiên OCB chia cổ tức tiền mặt kể từ khi niêm yết, với tỷ lệ 7%, tương đương phải chi ra khoảng 1.726 tỷ đồng.
Cùng với đó, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 8%, qua đó nâng vốn điều lệ từ 24.657 tỷ đồng lên 26.631 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm được sử dụng để đầu tư vào công nghệ, nâng cấp tài sản, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư và cho vay.
Sau khi tăng vốn, cổ đông ngoại Aozora Bank, Ltd. vẫn duy trì vị thế là cổ đông lớn duy nhất của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%. Có mặt tại đại hội, đại diện Aozora Bank cũng cho biết nhà băng này cam kết hợp tác lâu dài với OCB trong ít nhất 10 năm.
“Chúng tôi chưa có ý định thoái vốn khỏi OCB”, đại diện Aozora Bank nhấn mạnh.
OCB ĐẶT MỤC TIÊU LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ 2025 CAO NHẤT 4 NĂM | ||||||||
Nguồn: OCB. | ||||||||
Nhãn | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 | Năm 2024 | Kế hoạch năm 2025 | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 3231 | 4419 | 5519 | 4389 | 4139 | 4006 | 5338 |
Liên quan đến thông tin CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) sẽ đổi tên thành Công ty Chứng khoán OCBS, một số cổ đông đặt câu hỏi liệu OCB có kế hoạch thâu tóm công ty chứng khoán này hay không.
Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cho biết ngân hàng đã có định hướng sở hữu một công ty chứng khoán để hoàn thiện hệ sinh thái và trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chưa thuận lợi, OCB hiện lựa chọn giải pháp hợp tác chiến lược toàn diện với VIS.
Về dài hạn, OCB không loại trừ khả năng tiến tới sở hữu công ty chứng khoán khi điều kiện thị trường cho phép. VIS cũng đã cam kết sẵn sàng bán lại cho OCB tùy theo điều kiện cụ thể tại thời điểm giao dịch.
Việc đổi tên thành Chứng khoán OCBS nằm trong chiến lược hợp tác lâu dài giữa hai bên, với kỳ vọng đồng hành phát triển và mang lại lợi ích song phương. Khi OCB thực sự đặt vấn đề sở hữu, OCBS sẽ ưu tiên ngân hàng này.
Tại đại hội, OCB cũng tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT và Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2025-2030 nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị trong giai đoạn phát triển mới.
Sau bỏ phiếu, HĐQT nhiệm kỳ mới của OCB gồm 7 thành viên là ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Hà Bắc, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Yoshizawa Toshiki, ông Segawa Mitsuhiro, ông Phan Trung và ông Dương Kỳ Hiệp.
Ban kiểm soát có 5 thành viên gồm bà Đặng Thị Thanh Huyền, bà Đặng Thị Quý, ông Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Trọng Hải và ông Phạm Quang Vinh.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.