Chiều 28/6, CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 với sự tham dự của hơn 2.000 cổ đông, đại diện cho 843 triệu cổ phần, chiếm 55,38% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Sự cố tin tặc tấn công là cơ hội may mắn
Nhìn lại năm 2024, Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương cho biết đây là một năm khó khăn thức với rất nhiều những biến động của địa chính trị, kinh tế cùng sự dịch chuyển chính sách của các quốc gia. Chính những yếu tố trên đã khiến cả thị trường nói chung và các công ty chứng khoán nói riêng phải xây dựng lại toàn bộ các kế hoạch kinh doanh và nền tảng cho các mô hình hoạt động mới.
Với VNDirect, công ty cũng trải qua không ít khó khăn trong năm vừa qua, đặc biệt khi bị các tin tặc tấn công theo hình thức mã hóa dữ liệu. Người đứng đầu công ty chứng khoán này cho hay, đó là một sự kiến khiến cho không chỉ bản thân công ty mà rất nhiều cổ đông cũng bị ảnh hưởng.
"Khi rà soát lại trong suốt một năm vừa qua, tôi thấy đây là một cơ hội may mắn của VNDirect, giúp chúng tôi ý thức được phải thay đổi cái gì, phải kiện toàn lại toàn bộ nền móng quản trị doanh nghiệp vì chuyển đổi số là một xu thế tất yếu", bà Phạm Minh Hương chia sẻ.
Theo bà Hương, điều may mắn là VNDirect là một công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn với sức mạnh tài chính, đã xây dựng được năng lực cốt lõi trong mảng công nghệ để xử lý nhanh chóng sự cố.
"Sau 19 năm thành lập và phát triển, vốn chủ sở hữu của VNDirect đã đạt khoảng 20.000 tỷ đồng. Đây là một di sản mà chúng tôi phải bảo vệ", bà Hương nói.
Năm 2025, VNDirect lên kế hoạch kinh doanh với ổng doanh thu 4.412 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 10% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 1.840 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo VNDirect dự báo, năm 2025 là một năm biến động của kinh tế, chính trị thế giới với những thách thức đến từ các xung đột địa chính trị, rủi ro kinh tế đến từ chiến tranh thương mại dẫn đến nền tảng vĩ mô bất ổn của các nên kinh tế trên thế giới.
VNDirect đánh giá kịch bản thị trường với chỉ số VN-Index năm nay sẽ giao động trong khoảng từ 1.400 - 1.520 điểm, tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên sàn HoSE từ 14 - 17% và P/E mục tiêu từ 12,3 – 13,4 lần.
Không chạy đua bằng "sức mạnh hệ sinh thái"
Tại phần thảo luận, cổ đông đã đặt câu hỏi đến ban lãnh đạo về chiến lược phát triển để cạnh tranh với các công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái ngân hàng lớn như TCBS hay VPBankS.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch HĐQT cho rằng, cạnh tranh là một phần tất yếu trong kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán.
"Chúng tôi ý thức rất rõ rằng các công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái ngân hàng lớn như Techcombank, VPBank đang có lợi thế vượt trội về vốn, mạng lưới khách hàng và khả năng tích hợp sản phẩm tài chính", bà Hương bộc bạch.
Dù vậy, theo người đứng đầu VNDirect thì trong ngành dịch vụ, lợi thế cạnh tranh không chỉ nằm ở nguồn lực tài chính. VNDirect nhìn nhận ba trụ cột cốt lõi tạo nên giá trị bền vững của doanh nghiệp.
Thứ nhất là vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính. "Chúng tôi thừa nhận rằng các công ty thuộc ngân hàng có lợi thế lớn về quy mô vốn và năng lực huy động. Nhưng VNDirect xác định không chạy đua bằng nguồn lực đó, mà tập trung vào năng lực nội tại", bà Hương nói.
Thứ hai là làm chủ công nghệ lõi. Đây là điểm trọng yếu. Không chỉ dừng ở phát triển app hay hệ thống giao dịch, mà còn đầu tư vào năng lực công nghệ lõi từ kiến trúc hạ tầng, an ninh mạng, hệ thống xử lý dữ liệu đến việc tích hợp chuyển đổi số vào từng cá nhân trong tổ chức.
Sau sự cố an ninh mạng vừa qua, VNDirect càng nhận thức sâu sắc hơn rằng khả năng phát hiện, phản ứng và phục hồi nhanh mới là yếu tố sống còn. Công nghệ không còn là một bộ phận hỗ trợ, mà là DNA trong quản trị và vận hành.
Thứ ba là nguồn lực con người. Sự khan hiếm nhân sự chất lượng cao đang là thách thức toàn ngành. Tại Việt Nam, tỉ lệ nhân sự "chảy máu chất xám" ở ngành chứng khoán rất cao. Do đó, VNDirect tập trung xây dựng môi trường để thu hút, đào tạo và giữ chân nhân sự giỏi, giúp họ phát triển cùng với công ty.
Tóm lại, chiến lược của VNDirect không phải là chạy đua bằng "sức mạnh hệ sinh thái", mà là xây dựng một tổ chức có chiều sâu công nghệ, tinh gọn, thích ứng nhanh và đủ nội lực để phát triển bền vững trong bất kỳ môi trường nào.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của VNDirect.
Ngoài ba trụ cột trên, bà Hương cho biết VNDirect nhìn nhận thị phần không phải là mục tiêu hàng đầu, mà là kết quả của một chiến lược phát triển bền vững. Nếu chỉ tập trung vào thị phần, VNDirect sẽ phải hy sinh các giá trị cốt lõi khác như đạo đức kinh doanh, chất lượng sản phẩm, định hướng dài hạn.
Liên quan đến thị phần, cổ đông đã đặt câu hỏi tới ban lãnh đạo về nguyên nhân liên tục sụt giảm. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Long, bài toán giành lại thị phần, đặc biệt với khách hàng cá nhân, đang rất thách thức trong bối cảnh cạnh tranh mới.
Hiện nay, 85-90% giao dịch trên thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân, điều này dẫn tới tính ổn định kém và biến động mạnh, điển hình như trong các phiên thị trường bị ảnh hưởng bởi thông tin thuế.
Trong khi đó, các thị trường phát triển thường có 40% giá trị giao dịch từ nhà đầu tư tổ chức, là điều Việt Nam cần hướng tới để phát triển bền vững.
"VNDirect không theo đuổi thị phần bằng mọi giá, như miễn phí giao dịch hay giảm lãi vay, vì điều đó gây tổn hại đến cổ đông và không tạo giá trị lâu dài", Tổng Giám đốc khẳng định.