Chưa thấy điểm sáng trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển

Admin

20/10/2020 15:23

15-10-BDS-nghi-duong-bien-6833-160277536

Dự báo thị trường BĐS nghỉ dưỡng nói chung và BĐS nghỉ dưỡng biển nói riêng chưa thể hồi phục vào cuối năm 2020 (Ảnh: Int)

Thăng trầm và... "đóng băng

"Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng biển mới phát triển chưa đầy 10 năm nhưng có sự thăng trầm đáng kể. Từ năm 2019 trở lại đây chứng kiến sự giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát khiến thị trường này gần như “đóng băng”.

Sự "đóng băng" của thị trường BĐS nghỉ dưỡng biển được thể hiện qua con số chỉ có hơn 4.000 sản phẩm condotel được chào bán ra thị trường trong 9 tháng năm 2020. Thậm chí có đến 2/3 các dự án có sản phẩm chào bán nhưng không phát sinh giao dịch.

Những địa phương dẫn đầu về thị trường condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận… đều có số lượng giao dịch ở mức thấp.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) chia sẻ, phát triển BĐS nghỉ dưỡng biển phải có trọng tâm, nhưng thực tế hiện nay thừa nguồn cung, bởi lúc làm không tính toán kỹ. 

Một số chuyên gia cho rằng, sự sụt giảm của BĐS nghỉ dưỡng biển đến từ một số nguyên nhân như khung pháp lý cho loại hình này chưa rõ; ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng đối với một số chủ đầu tư thiếu uy tín "xù" cam kết lợi nhuận.

Tuy nhiên, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA cho hay, những khó khăn này chỉ mang tính thời điểm. Dù gặp nhiều thách thức và thăng trầm, nhưng BĐS nghỉ dưỡng biển vẫn có những thuận lợi riêng. Do đó, trong 10 năm qua, giá BĐS nghỉ dưỡng biển vẫn tăng 3 - 4 lần.

Điển hình như các dự án ở ven biển Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn, Mũi Né, Quảng Ninh… đều có sự tăng giá đáng kể, có những địa phương tăng gấp gần 10 lần như Đà Nẵng.

Vì vậy, trong một thời gian khá dài, thị trường này diễn ra các hoạt động phát triển, đầu tư, mua bán sôi động. Thậm chí, có những khu vực, giới đầu cơ đất còn lợi dụng các thông tin về phát triển đặc khu kinh tế biển đẩy giá lên cao nhằm trục lợi, khiến chính quyền địa phương phải vào cuộc.

"Bức tranh" sẽ vẫn nhiều màu xám

Nhiều chuyên gia phân tích, thị trường BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển như dân số trẻ, thu nhập của người dân ngày càng tăng. Đồng thời, Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút FDI tốt, đặc biệt có lượng khách quốc tế dồi dào do nằm ở vùng biển ấm quanh năm…

Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, thị trường BĐS nghỉ dưỡng biển của Việt Nam vẫn gặp rào cản lớn. Đó là pháp lý cho loại hình này vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến phát triển ồ ạt. Có thời điểm, thị trường dư hàng nghìn căn condotel.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội chia sẻ, BĐS nghỉ dưỡng biển hiện đang đứng trước nhiều khó khăn. Thực tế, BĐS nghỉ dưỡng biển là câu chuyện tính pháp lý mà khách hàng vẫn muốn làm rõ: Là đất thương mại dịch vụ hay đất ở? Chính quyền có cấp sổ hay không? Ra sổ trong bao nhiêu năm? Người nước ngoài sẽ sở hữu như thế nào…?

Còn theo ông Nguyễn Đức Thêm, chuyên gia BĐS, nói đến BĐS nghỉ dưỡng biển là đề cập đến câu chuyện kinh doanh, vì khách hàng mua để kinh doanh là chính. Rõ ràng từ đầu năm đến nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nhất, đồng nghĩa với việc BĐS nghỉ dưỡng cũng bị “chìm” theo.

Bên cạnh đó, ông Thêm cũng đồng tình với nhiều ý kiến là cần tính pháp lý của loại hình này như thế nào, sở hữu có thời hạn hay vĩnh viễn. Bởi trên thị trường hiện nay chưa có dự án nào trải qua câu chuyện hết thời hạn sở hữu và hết thời hạn đó sẽ được giải quyết ra sao.

“Cho đến nay chưa có chủ đầu tư nào trả lời được cho người mua về sở hữu có thời hạn hay vĩnh viễn. Đối với loại hình sản phẩm này cần thời gian dài nữa để khẳng định thị trường cũng như tạo được sức hút thực sự, chí ít là cũng quay lại như trước”, bà Hằng nhấn mạnh.

Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội dự báo thị trường BĐS nghỉ dưỡng thời gian tới chưa có triển vọng tích cực. Hiện, Bộ VH-TT&DL kích cầu du lịch nội địa trong nước, nhưng cũng chỉ nhằm gỡ khó cho chủ đầu tư và khách hàng đang kinh doanh. Thị trường BĐS nghỉ dưỡng có nhanh hồi phục được hay không, phải làm rõ vấn đề sở hữu.

Hơn nữa, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khiến chủ đầu tư và khách hàng đều lo lắng. Giả sử có sản phẩm bán ra để cho nhà đầu tư kinh doanh khai thác cũng là bài toán nan giải, bởi rất nhiều vấn đề đặt ra: liệu kinh doanh có tốt không, Covid-19 kéo dài trong bao lâu, làm như thế nào để bảo đảm doanh thu, thanh toán đúng hạn?

“Điều này sẽ kéo theo câu chuyện triển vọng thị trường BĐS nghỉ dưỡng nói chung và BĐS nghỉ dưỡng biển nói riêng không phải là màu sáng tích cực như các loại hình BĐS khác”, bà Hằng nói.

Trong khi đó, ông Arnaud Ginolin, Tổng giám đốc Boston Consulting Group (BCG) nêu vấn đề: "Để thị trường BĐS biển Việt Nam phát triển hơn nữa, cần tìm lời giải cho một số câu hỏi lớn như: Tầm nhìn nào sẽ thích hợp cho việc phát triển các đô thị ven biển. Làm thế nào để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và toàn diện của các vùng ven biển Việt Nam. Làm thế nào để chuyển giao các kết quả xã hội, môi trường và kinh tế…".

Minh Trang