Tại chương trình "Cafe cùng chứng" sáng ngày 3/4, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán SSI đã phân tích tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ đến các quốc gia, bao gồm Việt Nam, và đưa ra khuyến nghị với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khi thị trường đang phản ứng tiêu cực với thông tin thuế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên tất cả các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%, thuộc nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế được ông Trump ký ngày 2/4 (giờ Mỹ).
Theo ông Hưng, những thông tin ban đầu vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ như thời điểm áp dụng, mức thuế cơ bản 10% từ ngày 5/4, thuế đối ứng theo thông tin là ngày 9/4, nghĩa là 1-2 tuần nữa mới diễn ra. Danh sách mặt hàng cũng chưa chi tiết.
Con số 46% đối với Việt Nam hay 54% đối với Trung Quốc là mức trần để đàm phán với Mỹ về các chính sách, sau đó có thể giảm xuống. Điều này có nghĩa các con số này không phải là mức thuế sẽ áp dụng mãi mãi.
Việt Nam là một trong những quốc gia thời gian qua đã tích cực làm việc, thể hiện thiện chí trong việc xử lý mối quan hệ giữa hai quốc gia. Mức thuế với Việt Nam có thể không phải 46%, mà thấp hơn, thậm chí chỉ 10%. Tổng quan, ảnh hưởng đến Việt Nam là thấp và giống như những cuộc chiến tranh thương mại trước, Việt Nam vẫn là nước hưởng lợi sau cùng.
Bình luận về nhóm ngành chịu ảnh hưởng, ông Hưng cho biết thủy hải sản đang bị hai vấn đề cùng lúc. Mức thuế quan lên cao không khác gì thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, các lựa chọn khác để nhập khẩu của Mỹ cũng không quá nhiều. Các mặt hàng của Việt Nam cũng không phải cao cấp, độ co giãn của cầu không lớn. Do đó, ảnh hưởng đến thủy hải sản không quá cao.
“Tổng quan, tác động của thuế quan chưa rõ ràng, hoặc có thể chỉ ngắn hạn trong tháng 4, qua tháng 5 tình hình có thể khác”, ông Hưng nói.
Theo chuyên gia SSI, nếu Chính phủ vẫn tiếp tục các chính sách kích cầu nội địa và tăng đầu tư công, tăng trưởng GDP năm nay đến từ bên trong chứ không phải bên ngoài, mức ảnh hưởng đến doanh thu các doanh nghiệp niêm yết từ câu chuyện thuế có thể chỉ khoảng 20%.
Ông Hưng đưa ra khuyến nghị, ở thời điểm hiện tại, thế giới sẽ có chung xu hướng, đó là thay vì tăng trưởng, sẽ chọn yếu tố giá trị để mua cổ phiếu và chờ đợi. Giá trị ở đây liên quan đến định giá thấp, doanh thu ổn định bất kể kinh tế tăng hay giảm...
Theo đó, nhà đầu tư có thể mua các cổ phiếu này và chờ đợi câu chuyện tăng trưởng trở lại, sau khi câu chuyện thuế quan kết thúc.
Điều này có nghĩa xu hướng đầu tư quay về phòng thủ nhiều hơn, cổ phiếu ít biến động hơn từ các chính sách.
Phản ứng với thông tin Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%, thị trường chứng khoán sáng 3/4 giảm mạnh, lúc 10h45p, chỉ số VN-Index giảm 76 điểm, tương đương hơn 5,7% với thanh khoản lên đến hơn 24.000 tỷ đồng. VN30 cũng có mức giảm tương tự, giảm 5,6% với nhiều cổ phiếu lớn giảm sàn như BCM, BVH, GVR, MSN, PLX, TPB, VIC.