Chuyển đổi số không phải để chạy theo “Trend”

Admin

24/11/2020 09:05

Đôi khi khó khăn sẽ tạo ra bứt phá cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp khám phá và vượt qua các giới hạn...

"Có nhiều người đặt câu hỏi tôi rằng Phúc Sinh làm nông nghiệp nhưng sao lại ứng dụng kỹ thuật số nhiều thế, rất "trendy" (theo xu hướng). Đối với tôi đó là những lời khen", ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phúc Sinh chia sẻ.

Phúc Sinh, nhà chế biến và xuất khẩu hồ tiêu, cà phê và nông sản với doanh số hàng năm khoảng 220 triệu USD đã chính thức đặt chân vào "chuyển đổi số" như một chiến lược mới để thích ứng trong thế giới có nhiều biến động.

Chuyển đổi số không phải để chạy theo “Trend” - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu tiêu Việt Nam liên tiếp sụt giảm kể từ đỉnh 2016. Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam

CÓ KỊCH BẢN DỰ PHÒNG NGAY KHI COVID-19 XUẤT HIỆN

Với 8% thị phần xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu những năm qua, năm 2020 hoạt động kinh doanh của Phúc Sinh có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 hay không, thưa ông?

Trong kinh doanh, khi một cơn lũ tới, thông thường nhiều doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Nhưng trong cơn lũ, thường người ta vẫn sẽ rất quan tâm thực phẩm. Việc đa dạng hóa khách hàng là lợi thế của Phúc Sinh. Chúng tôi nhận được đơn hàng từ mọi nhà mua hàng khắp nơi trên thế giới bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, khi Covid-19 tới, chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh và giữ được nhiều đơn hàng.

Ngoài ra, điều khiến các doanh nghiệp thường vượt lũ tốt hơn, thông thường vẫn là uy tín. Với uy tín đã được gây dựng gần 20 năm, chúng tôi vẫn tiếp tục được khách hàng ủng hộ. Có thể nói là trong Covid-19 doanh số chúng tôi không sụt giảm.

Chuyển đổi số không phải để chạy theo “Trend” - Ảnh 2.

Năm 2018 Việt Nam chiếm 19% thị phần tiêu toàn cầu. Nguồn: oec.world

Bên cạnh đó, phòng ngừa rủi ro là một yếu tố quan trọng. Ngay khi dịch xuất hiện tại Trung Quốc, Phúc Sinh đã có phương án, kịch bản dự phòng. Chúng tôi đã thay đổi chiến lược kinh doanh rất nhiều và áp lực đó cũng là may mắn dẫn đến việc Phúc Sinh ra mắt KPhucsinh app.

Đôi khi khó khăn sẽ tạo ra bứt phá cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp khám phá và vượt qua các giới hạn. Nếu bình thường, có lẽ chúng tôi chưa thể lập tức có một "cổng" kết nối hàng triệu khách hàng như hôm nay. Tôi hi vọng đây cũng sẽ là một nguồn cảm hứng với nhiều nhà kinh doanh, với xã hội.

Vậy doanh số năm 2020 của Phúc Sinh dự kiến sẽ sụt giảm bao nhiêu? Dự báo của ông cho năm 2021?

Doanh số hàng năm của Phúc Sinh khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm. 2020 thực sự là một năm khó khăn. Nhiều nhà nhập khẩu hàng từ tháng 3, đến nay hàng vẫn còn trong kho. Nhưng thế giới vô cùng rộng lớn. Không bán được hàng cho người này, chúng tôi tìm cách bán cho khách hàng khác.

Chúng tôi cũng tìm mọi cách để duy trì và làm tốt hơn. Do đó, doanh số Phúc Sinh vẫn không giảm so với 2019. Chúng tôi thậm chí còn phải chờ container vì rất nhiều hàng Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường nhưng không có đơn hàng phải ùn ứ. Trên thực tế, ngay cả tiêu dùng nội địa cũng giảm sút.

Tôi cho rằng tới năm 2021, thách thức vẫn đang ở phía trước. Dù vậy, là một công ty sáng tạo, khó khăn không có nghĩa là cản trở lớn khó vượt. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tìm mọi cách để phát triển. Đa dạng hóa thị trường và sản phẩm sẽ là chìa khóa của Phúc Sinh.

Hơn nữa, một cách khá lạc quan, tôi tin rằng đối với người Việt Nam nói chung, càng khó khăn, chúng ta sẽ càng phát huy và vượt qua mọi giới hạn. Năm 2020, do Covid - 19 nên Phúc Sinh không thúc đẩy các hoạt động marketing, tham dự hội chợ… hỗ trợ cho bán hàng mạnh mẽ như trước đây nhưng trong tương lai, kỳ vọng là hết quý 2/2021, hoạt động này sẽ trở lại và chúng tôi sẽ còn làm tốt hơn.

CHUYỂN ĐỔI SỐ KHÔNG PHẢI ĐỂ CHẠY THEO "TREND"

Áp lực thay đổi chiến lược kinh doanh để thích nghi. Vậy ông chọn chuyển đổi số và đẩy mạnh bán lẻ là để Phúc Sinh vượt dịch trong ngắn hạn hay đầu tư cho dài hạn?

Phúc Sinh đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng, nhưng không tác động nhiều đến công ty. Thị trường chính của Phúc Sinh trong nhiều năm qua chủ yếu là châu Âu và châu Mỹ. Cho đến năm 2020, đầu năm, nhận thấy những khó khăn đang đến với kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong đó có các thị trường mà Phúc Sinh đang hoạt động, Phúc Sinh đã tăng cường thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Chuyển đổi số không phải để chạy theo “Trend” - Ảnh 3.

Dự báo giá trị xuất khẩu tiêu toàn cầu tiếp tục đi xuống trong năm 2020. Nguồn: oec.world

Song song đó, Phúc Sinh đầu tư thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ khoa học nghiên cứu đầu tư cho sản phẩm và kỹ thuật số vào hoạt động. Tháng 4/2020, Phúc Sinh đã ra mắt sản phẩm mới K Pepper với các dòng gia vị lần đầu tiên có ở Việt Nam như tiêu hồng sấy lạnh, nối tiếp tiêu xanh sấy lạnh đã ra mắt thị trường nội địa vào 2019.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thấy rằng Phúc Sinh cần phải luôn luôn thay đổi để biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội và luôn đạt đến những kết quả tốt hơn. Chính vì thế, Phúc Sinh nung nấu nâng cấp giao diện mới kphucsinh.vn và ra đời ứng dụng trên mobile KPhucsinh. Chúng tôi đã triển khai thử nghiệm một thời gian.

Có nhiều người đặt câu hỏi tôi rằng Phúc Sinh làm nông nghiệp nhưng sao lại ứng dụng kỹ thuật số nhiều thế, rất "trendy" (theo xu hướng). Đối với tôi đó là những lời khen. Còn trên thực tế, đơn đặt hàng các sản phẩm bán trên KPhucsinh tăng lên mỗi ngày. Rất nhiều người tiêu dùng ủng hộ, chia sẻ, quay lại với KPhucsinh và đó là trải nghiệm tuyệt vời khi chúng tôi được kết nối và phục vụ khách hàng trên mọi miền đất nước.

Đầu tư bán lẻ thương mại điện tử đòi hỏi vốn lớn và kinh nghiệm, Phúc Sinh xuất phát là nhà chế biến xuất khẩu, vậy ông có tự tin thương mại điện tử Phúc Sinh có thể "sống" được không?

19 năm về trước Phúc Sinh là một start up, không có nhiều tiền, chỉ mấy chục triệu trong tài khoản. Làm thế nào để chúng tôi cạnh tranh và được như bây giờ? Tôi nghĩ rằng đó là sự sáng tạo, luôn cung cấp các sản phẩm đa dạng, tiện lợi, giá cả cạnh tranh, sẽ giúp nâng cao năng lực và hoạt động của doanh nghiệp.

Hơn nữa, việc làm chủ công nghệ để tận dụng lợi thế cạnh tranh và phát huy những lợi thế hiện hữu của nông nghiệp Việt Nam là chiến lược của Phúc Sinh. Châu Âu không trồng được tiêu cũng như châu Mỹ không trồng được tiêu. Do đó, khi chúng tôi cung cấp các mặt hàng này có ứng dụng công nghệ và sáng tạo riêng biệt thì chúng tôi có lợi thế riêng biệt. Ví dụ châu Âu (Đức) đã xuất hiện sản phẩm tiêu theo công nghệ sấy khô hoặc sấy ướt, nhưng tiêu sấy lạnh của Phúc Sinh là theo công nghệ sấy -60 độ C.

Ở Việt Nam, duy nhất Phúc Sinh có tiêu xanh sấy lạnh hoặc tiêu hồng sấy lạnh. Và giá trị gia tăng của các sản phẩm ứng dụng chế biến sâu này rất cao. Nếu hồ tiêu bình thường có giá 3.200 USD/tấn, tiêu sấy lạnh của Phúc Sinh bán ra với giá 16.000-18.000 USD/tấn. Tương tự là sản phẩm sốt tiêu, nhờ công nghệ, chúng tôi vượt qua khó khăn.

Phúc Sinh là công ty xuất khẩu, đã quen với các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn thực phẩm châu Âu. Đây là thuận lợi để chúng tôi cung cấp sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng Việt Nam. Tôi tin rằng, chỉ cần sáng tạo, mang đến những sản phẩm dịch vụ tối ưu, chúng tôi tin sẽ vượt qua rất nhiều thách thức trên thị trường bán lẻ. Tôi không ngại cạnh tranh.

Không ngại cạnh tranh, ông cũng từng nói nếu không sáng tạo con đường đến phá sản sẽ rất gần, nhưng thương mại điện tử là một lĩnh vực khác, ông tự tin thương mại điện tử có thể mang về cho Phúc Sinh bao nhiêu % doanh thu?

Chúng tôi đặt mục tiêu có khoảng 10.000 người tải app của Phúc Sinh từ nay đến cuối năm 2020. Trong khoảng 10 ngày qua, chúng tôi đã đạt được doanh số vượt bậc.

Có rất nhiều công ty làm được bán hàng trực tuyến trên trang website nhưng xây dựng app đòi hỏi đầu tư và dịch vụ giao nhận lớn. Chúng tôi thực tế đã đầu tư nền tảng công nghệ và dịch vụ không phải ngày một, ngày hai. Chúng tôi đã tiên phong trong thay đổi, chuyển đổi số nông nghiệp và luôn luôn lắng nghe thị trường để tiếp tục thay đổi, hướng đến chia sẻ những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng và tăng doanh số trong tương lai.

Dự kiến đến 2021 bán lẻ trực tuyến sẽ chiếm 60- 70% tỷ trọng tổng doanh số của công ty tại thị trường nội địa. Bởi bán lẻ trực tuyến là tương lai, ai ứng dụng kỹ thuật số, chuyển đổi số nhanh, người đó sẽ đi trước.

Bạn đang đọc bài viết "Chuyển đổi số không phải để chạy theo “Trend”" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.