Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một phiên giao dịch 23/1 đầy khởi sắc khi VN-Index tăng mạnh 17,1 điểm (+1,38%). Thanh khoản cải thiện so với vài phiên trước đó, đạt mức trên 13.000 tỷ (tính riêng trên HoSE). Diễn biến tích cực phần nào giải toả tâm lý cho nhà đầu tư sau khoảng 2 tuần chỉ số liên tục rung lắc dưới ngưỡng 1.250 điểm.
Mức tăng gần 1,4% đã đưa VN-Index trở thành chỉ số tăng mạnh nhất Châu Á phiên 23/1. Đặc biệt trong giai đoạn cận Tết Nguyên Đán, sự khởi sắc xua tan phần nào trạng thái ảm đạm đang kéo dài trên thị trường. Những cổ phiếu vốn hoá lớn như VCB, FPT, HPG, MWG, hay thêm nhiều đại diện ngân hàng như LPB, VPB, CTG... đã trở thành công thần kéo VN-Index lên cao.
Chưa dừng lại, một điểm sáng khiến bữa tiệc trên thị trường chứng khoán trở nên tưng bừng hơn là sự trở lại của dòng vốn ngoại sau chuỗi 12 phiên liên tiếp miệt mài xả hàng. Khối ngoại mua ròng gần 150 tỷ đồng trên HoSE trong phiên 23/1, dàn trải trên nhiều cổ phiếu. Dù vậy, phải nói rằng 1 phiên giải ngân gom hàng chưa thể bù đắp cho chuỗi xả hàng trước đó. Tính từ đầu năm 2025 tới nay, chưa hết 1 tháng song giá trị bán ròng của khối ngoại trên HoSE đã vượt mức 7.100 tỷ đồng. Mặc dù giao dịch khối ngoại không còn ảnh hưởng quá lớn đến thị trường như trước nhưng động thái bán ròng triền miên vẫn ảnh hưởng phần nào đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Xu hướng này được kỳ vọng sẽ sớm đảo chiều khi triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi của chứng khoán Việt Nam ngày càng rõ ràng hơn. Trong bối cảnh hiện tại, khả năng thị trường chứng khoán được FTSE Russell nâng hạng và đưa vào nhóm thị trường mới nổi hiện đã lên rất cao.
Theo dự báo của ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc đầu tư Dragon Capital, 70% khả năng thị trường sẽ được nâng hạng vào tháng 3/2025. Với những tiềm năng trên, ông Tuấn cho rằng thị trường chứng khoán sớm muộn cũng sẽ bứt phá, nếu không phải năm nay sẽ là năm 2026. Dựa trên kỳ vọng vĩ mô thế giới có thể tạo ra biến động trong ngắn hạn, song kỳ vọng hiệu suất thị trường song hành cùng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
"Trong kịch bản cơ sở, hiệu suất VN-Index sẽ tăng 15-17%, còn nếu niềm tin và tương lai tươi sáng hơn, lợi nhuận TTCK sẽ tốt hơn. Nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng rõ nét và được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ", Giám đốc Dragon Capital dự báo.
Thêm vào đó, ông Tuấn cho rằng định giá chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng nâng hạng thị trường. Cuối năm 2025, lợi nhuận kỳ vọng có thể đưa PER về mức -1 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm. Chỉ số PBR dự phóng năm 2025 cũng ở vùng thấp nhất trong 10 năm. Với mức tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng, chuyên gia cho rằng định giá thị trường đang ở mức khá hấp dẫn.
Bên cạnh đó, triển vọng trung hạn khá cao với việc Chính phủ quyết tâm cao cho tăng trưởng. Nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng rõ nét và được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ.
Còn theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), biến động thị trường ngay sau Tết Âm lịch thường mang màu sắc tích cực hơn. Tâm lý nhà đầu tư sau Tết có thể sẽ tương đối tích cực xuất phát từ việc KQKD của doanh nghiệp niêm yết được công bố đầy đủ và mùa ĐHĐCĐ bắt đầu với nhiều thông tin hỗ trợ sẽ tạo động lực tốt cho thanh khoản thị trường.
Theo chuyên gia, VN-Index sau Tết Âm lịch sẽ được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá hấp dẫn như ngân hàng, tài nguyên cơ bản, thực phẩm đồ uống, bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, hóa chất, ….