Chuyên gia y tế nói về virus gây viêm phổi trên người hMPV

Admin

11/01/2025 04:38

Theo ông Trần Đắc Phu, bệnh do virus hMPV vẫn là bệnh xảy ra hằng năm, đây là những loại vi rút bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang.

Không lo lắng nhưng cũng không chủ quan

Trước thông tin về tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (hMPV) tại Trung Quốc, nhận định về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo phòng chống, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, thông tin từ Trung Quốc bệnh hô hấp này do virus cúm, virus hợp bào hô hấp RSV thông thường gây ra.

Chuyên gia y tế nói về virus gây viêm phổi trên người hMPV- Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

Lý giải về số ca mắc gia tăng tại Trung Quốc, ông Phu cho rằng do trong thời gian đại dịch Covid-19 giãn cách xã hội, số người mắc bệnh do hMPV giảm, dẫn đến miễn dịch cộng đồng giảm. 

Trong khi đó, bệnh do virus hMPV vẫn là bệnh xảy ra hằng năm, đặc biệt thời gian đông - xuân. 

"Vì vậy, khi vào mùa virus phát triển, cùng với biện pháp phòng dịch hạn chế, miễn dịch cộng đồng giảm dẫn đến số ca mắc gần đây có sự gia tăng", ông Phu nói.

Theo chuyên gia y tế dự phòng, đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm, vì vậy người dân không nên quá hoang mang. 

Tuy nhiên, ông Phu cho biết, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh được hô hấp khác. Khi có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi,… cần hạn chế đến đám đông, nơi công cộng để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. 

Đồng thời, rửa tay với xà phòng, vệ sinh thường xuyên. Khi tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cần đeo khẩu trang. 

"Cần phòng bệnh như Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác", ông Phu khuyến cáo.

Ông Phu cũng nhấn mạnh: "Chúng ta cũng cần tiếp tục theo dõi những tin tức từ Tổ chức Y tế thế giới để có những cảnh báo và đáp ứng phù hợp, không lo lắng quá nhưng cũng không chủ quan trong phòng chống dịch".

Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược Tp.HCM, về đặc điểm dịch tễ học, hMPV ít lây lan hơn SAR-CoV-2. 

Tỉ suất tái tạo căn bản của hMPV là 2 trong khi đó ở SARS-CoV-2 có thể lên đến 5 hay cao hơn đối với biến chủng Delta. 

Vì vậy, hMPV có mức độ lây lan hạn chế hơn, thường gặp vào cuối mùa đông còn SARS-CoV-2 có thể xảy ra vào bất cứ mùa nào với mức độ lây lan nhanh tạo thành đại dịch.

HMPV thường gây nên sốt nhẹ và các triệu chứng hô hấp như chảy mũi, đau họng, ho, thở ran rít. 

Trong khi đó, bệnh Covid-19 gây triệu chứng năng hơn như sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, các triệu chứng hô hấp như ho có thể diễn tiến nặng thành suy hô hấp gây tử vong.

WHO thông tin chính thức về bệnh do virus gây viêm phổi hMPV tại Trung Quốc

"Tóm lại hMPV có mức độ nguy hiểm thấp hơn đáng kể Covid 19. hMPV chỉ đáng quan ngại khi xảy ra ở bệnh nhân nhỏ tuổi, người già hoặc người có bệnh nền trong khi đó Covid 19 có thể gây tử vong ở bất cứ lứa tuổi nào", ông Dũng cho hay. 

Vị chuyên gia cũng cho biết, mặc dù chưa có vắc-xin phòng ngừa hMPV nhưng do không có nhiều khả năng gây bệnh nặng và mức độ lây lan thấp nên người dân không cần phải lo ngại về bệnh tật này. 

Việc phòng ngừa hMPV cũng tương tự như các phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác như cảm lạnh, cúm, đó là rửa tay thường xuyên. 

Đặc biệt, rửa tay với xà phòng hay chất sát khuẩn, hạn chế sờ tay lên mặt, giữ cho không khí ở các phòng ốc và nhà cửa thông thoáng, tránh chỗ đông người, đeo khẩu trang và không nên đứng quá gần với người khác. 

Khi có triệu chứng hô hấp thì nên ở nhà và đi khám chữa bệnh nếu có nguy cơ bị bệnh nặng (như người lớn tuổi, người có bệnh nền hay trẻ em).

Ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu các rủi ro

Trong ngày 7/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thông tin chính thức liên quan đến tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (hMPV) tại Trung Quốc.

Tổ chức Y tế đánh giá các đợt dịch theo mùa do các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp thường xảy ra trong thời gian mùa đông tại các khu vực có khí hậu ôn đới.

Sự gia tăng số mắc các nhiễm trùng qua đường hô hấp cấp tính ở nhiều quốc gia Bắc bán cầu trong những tuần gần đây đã được dự báo trước với thời điểm này trong năm và không có yếu tố nào bất thường.

Chuyên gia y tế nói về virus gây viêm phổi trên người hMPV- Ảnh 2.

Người dân cần cân nhắc việc đeo khẩu trang ở những nơi đông người.

Nhiều tác nhân gây bệnh hô hấp cùng xảy ra trong giai đoạn mùa đông có thể gây ra gánh nặng lớn hơn cho hệ thống y tế của các quốc gia.

WHO khuyến cáo người dân tại các quốc gia đang trong giai đoạn mùa đông thực hiện các biện pháp phòng bệnh cơ bản để ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu các rủi ro do các bệnh lây qua đường hô hấp gây ra, nhất là đối với nhóm dễ bị tổn thương.

Trường hợp triệu chứng nhẹ nên ở nhà, nghỉ ngơi, giữ sức khỏe để tránh lây lan cho người khác. Nhóm nguy cơ cao hoặc trường hợp triệu chứng nặng cần đến các cơ sở y tế để tư vấn, điều trị kịp thời.

Người dân cần cân nhắc việc đeo khẩu trang ở những nơi đông người, khu vực thông khí kém; che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy; thực hiện việc rửa tay thường xuyên và tiêm vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Bên cạnh đó, WHO cũng khuyến cáo các quốc gia thành viên duy trì giám sát các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia và khuyến cáo không áp đặt bất kỳ hạn chế nào về giao thương, đi lại liên quan đến các xu hướng của các bệnh đường hô hấp cấp tính hiện nay.

Virus gây bệnh hô hấp ở Trung Quốc từng được ghi nhận tại Tp.HCM

Ngày 7/1, Sở Y tế Tp.HCM cho biết virus Human metapneumovirus (hMPV) gây gia tăng bệnh hô hấp tại Trung Quốc không phải là một virus mới, mà là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em, đã được ghi nhận tại Tp.HCM vào năm 2023-2024.

Theo Sở Y tế, tỉ lệ mắc hMPV ở trẻ em tại thành phố này chiếm 12,5%, thấp hơn so với các tác nhân gây viêm hô hấp khác như rhinovirus (44,6%), virus hợp bào hô hấp RSV (41,1%), và cúm A (25%).

Trong năm 2024, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Tp.HCM ghi nhận số ca viêm đường hô hấp dao động từ 16.000 đến 18.000 ca mỗi tháng trong 8 tháng đầu năm và có xu hướng tăng lên trong 3 tháng cuối năm, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh. Tuy nhiên, hiện tại chưa ghi nhận sự biến động bất thường về số ca mắc cũng như tình trạng bệnh nặng tại các bệnh viện.