Chuyển sang đầu tư công, dự án cao tốc Bắc - Nam tiết kiệm hơn 19.000 tỷ đồng

Admin

24/05/2020 06:30

(Doanhnhan.vn) - Nếu chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công, tổng mức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ khoảng 99.493 tỷ đồng, giảm được khoảng 19.223 tỷ đồng so với phê duyệt.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây vừa trình Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Nổi bật nhất là việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc chuyển đổi sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy được tăng trưởng của nền kinh tế.

Chuyển sang đầu tư công, dự án cao tốc Bắc - Nam tiết kiệm hơn 19.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Theo tờ trình, tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là khoảng 99.493 tỷ đồng (trong đó bao gồm 55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (cho công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng nếu kêu gọi BOT).  Như vậy, nếu chuyển sang đầu tư công, ngân sách chỉ còn phải bố trí thêm 44.493 tỷ đồng.

“Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT, Tài chính để cân đối, bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ để báo cáo Quốc hội quyết định”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Đề cập đến thiết kế kỹ thuật, dự toán của 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam cơ bản đã hoàn thành, giải phóng mặt bằng đạt trên 70% công việc. Nếu dự án được chuyển đổi sang đầu tư công thì đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện ngay trong năm 2020.

Trong khi đó, nếu tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, hay quy trình đấu thầu rắc rối sẽ khiến tốc độ thi công bị chậm. Trường hợp thuận lợi thì cũng phải đến giữa năm 2021 mới bắt đầu thi công, mà như vậy thì dự án khó có thể hoàn thành theo đúng tiến độ yêu cầu tại nghị quyết số 52 được. 

Trường hợp xấu hơn, nếu nhà đầu tư không huy động được vốn sẽ phải chấm dứt hợp đồng và thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển đổi hình thức đầu tư, có thể đến năm 2022 mới bắt đầu triển khai thi công.

Bộ trưởng Thể khẳng định, việc sớm triển khai thực hiện, hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án cao tốc sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế-xã hội, tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực, các địa phương liên quan và vùng kinh tế.

Ngoài ra, việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện…

Góp ý cho đề xuất chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công với các đoạn cao tốc Bắc - Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng của các dự án BOT giao thông hiện nay khoảng 102.000 tỷ đồng. Trong đó, 59/116 dự án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đủ trả nợ ngân hàng, 43/116 dự án đang phải cơ cấu chuyển đổi nợ với tổng số tiền khoảng 66.474 tỷ đồng.

“Chủ đầu tư chủ yếu là những nhà thầu thì rất khó thuyết phục ngân hàng cho vay số tiền lên đến 5.000 - 10.000 tỷ đồng đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam... Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư lớn, nên nguồn vốn vay ngân hàng có thể vượt giới hạn cấp tín dụng trong khi hiện nay hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công trong bối cảnh hiện nay là cấp thiết và phù hợp với thực tiễn".