Chuyện về vị đại gia đưa tiền cho bầu Đức trả lương ông Park Hang-seo

Admin

23/11/2020 14:07

Không chỉ bầu Đức có công mang huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo về cho bóng đá Việt Nam, mà còn có sự góp sức của ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch TPBank.

“Không có ông Phú thì không có ông Park Hang-seo ở đây”

Chủ tịch HĐQT công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - đã nói như vậy trong cuộc gặp mặt với 3 vị khách đặc biệt tại một nhà hàng trên phố Lê Duẩn (Hà Nội), vào buổi trưa một ngày tháng 10/2020.

Những vị khách đó là: Ông Park Hang-seo - HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, ông Park Noh-wan - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam và ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank, TPBank) kiêm nhà sáng lập tập đoàn Vàng bạc đá quý (VBĐQ) Doji.

Theo bầu Đức, năm 2018, khi ông và Hoàng Anh Gia Lai đang rất khó khăn, nhưng do yêu thích bóng đá, lại đang là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vào thời điểm VFF khó khăn đủ thứ nên ông đã nghiên cứu tìm cách xốc lại đội tuyển.

Lúc đó Việt Nam có nền tảng về lứa cầu thủ giỏi như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Quang Hải, Văn Hậu… nhưng không có thầy giỏi. Ước mơ vô địch Sea Games mấy chục năm, khát khao chiến thắng Thái Lan đã thôi thúc ông bầu phố núi phải tìm cho ra một HLV giỏi để dìu dắt đội tuyển.

Chuyện năm 2018, bầu Đức sắm vai Lưu Bị đi mời Khổng Minh về cho nền túc cầu non trẻ Việt Nam ra sao thì không cần nhắc lại nữa. Chỉ biết rằng, trong câu chuyện mới đây do chính bầu Đức kể lại thì thương vụ đình đám này có lẽ đã không thành nếu thiếu đi vai trò của Chủ tịch TPBank.

“Ông Park từng nói với truyền thông rằng không có ông Đức thì không có tôi ở đây, không có sự thành công khiến tôi nổi tiếng cả ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tôi nói giỡn với anh Phú là tôi không có mặt ở đó, chứ nếu có mặt tôi sẽ nói với ông Park là: Thực ra là không có ông Phú thì mới không có ông Park chứ không phải là không có ông Đức thì không có ông Park. Anh Phú cứu mình thì mình mới có tiền đưa ông Park về mà”, bầu Đức cười và nói.

Bầu Đức kể rằng, ông cất công sang Hàn Quốc tìm gặp và thuyết phục để đưa ông Park về Việt Nam, đến khi ông Park đồng ý thì VFF lại… không có tiền.

“Thời điểm đó, Hoàng Anh Gia Lai sở hữu khối tài sản 55 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD, cũng không phải nghèo. Nhưng khi đã mất thanh khoản (giai đoạn HAGL gặp khó khăn trong kinh doanh, nợ ngân hàng chồng chất nên bị mất thanh khoản – PV) thì 1 tỷ đồng kiếm cũng không ra nên lúc đó tôi không có tiền. Vậy lấy tiền đâu trả lương cho ông Park?”, bầu Đức nhớ lại.

Theo ông bầu thì thời điểm đó, ông và Chủ tịch TPBank chưa quen biết nhau. Tình cờ, thông qua giới thiệu, hai người có cuộc trao đổi với nhau và ông Đức ấn tượng vì ông Phú là người hiểu sâu, nắm được vấn đề, trong kinh doanh là người dám mạo hiểm. Trong khi HAGL gặp khó, 7 - 8 ngân hàng khác né tránh không tiếp bầu Đức vì sợ nợ quá hạn, chỉ có TPBank của ông Phú đồng ý tiếp đón.

Đầu tư - Chuyện về vị đại gia đưa tiền cho bầu Đức trả lương ông Park Hang-seo

Từ trái sang: Ông Đỗ Minh Phú, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan, bầu Đức và HLV Park Hang-seo

Và thế là, sau khi Chủ tịch HAGL và Chủ tịch TPBank gặp nhau, hai người đã trở thành bạn bè, bầu Đức thì có tiền trả lương 2 năm đầu cho HLV Park Hang-seo, câu chuyện diễn ra như những gì chúng ta đã biết.

“Hôm nay, tôi chính thức mời ông Park ăn cơm với anh Phú và muốn nói với ông ấy câu chuyện này, để ông ấy hiểu người Việt Nam có những người cực kỳ tốt như thế”, bầu Đức chia sẻ với truyền thông trước khi bắt đầu buổi gặp mặt 4 người ở Hà Nội vào tháng trước.

Ông Đỗ Minh Phú là ai?

Ông Đỗ Minh Phú (SN 1953, quê Yên Bái) là cử nhân Vô tuyến điện tử  - trường đại học Bách khoa Hà Nội, xuất thân là một nhà khoa học. Những năm 1993 – 1995, ông là Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ xử lý Đá quý tại viện Khoa học Vật liệu, viện Khoa học Việt Nam.

Cũng những năm này, ông rẽ dần sang hướng làm doanh nhân khi giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Phát triển Công nghệ & Thương mại TTD (tiền thân của tập đoàn VBĐQ Doji hiện nay) và lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN) khác.

Đầu năm 2018, chấp hành quy định của luật Các tổ chức tín dụng 2017 (sửa đổi, có hiệu lực từ 15/1/2018) về chống sở hữu chéo (lãnh đạo ngân hàng không được đồng thời lãnh đạo DN – PV), ông Đỗ Minh Phú cùng lúc rời “ghế nóng” của 6 DN là: Chủ tịch tập đoàn Doji, Chủ tịch công ty VBĐQ SJC Hà Nội, Chủ tịch công ty VBĐQ SJC Đà Nẵng, Chủ tịch công ty CP Đá quý và Vàng Yên Bái, Chủ tịch công ty CP Đầu tư và Thương mại Bông Sen Đỏ, Chủ tịch công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DojiLand.

Đầu tư - Chuyện về vị đại gia đưa tiền cho bầu Đức trả lương ông Park Hang-seo (Hình 2).

Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú (bên trái).

Hiện tại, ông Phú là Chủ tịch HĐQT TPBank và một số chức danh ở các tổ chức phi DN khác như: Phó Chủ tịch hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, Đại sứ hiệp hội Đá quý quốc tế tại Việt Nam...

Cả hai đơn vị gắn bó với Chủ tịch Đỗ Minh Phú đều có tiềm lực kinh doanh lẫn tài chính tốt. Kết thúc quý 3/2020, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 7.103 tỷ đồng (tăng 22,79% so với cùng kỳ năm trước). Đây cũng là nhà băng nằm trong top DN lãi nghìn tỷ dù trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của TPBank sau 9 tháng đầu năm nay là 3.024 tỷ đồng (tăng 25,78% so với cùng kỳ năm trước). Tổng tài sản của ngân hàng tăng gần 26% so 9 tháng đầu năm 2019, đạt trên 193 nghìn tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.

Tại Doji, hiện DN chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nên các chỉ tiêu về hoạt động kinh doanh và tài chính chưa được công khai. Tuy nhiên, theo công bố của DN thì Doji đã không ngừng tăng trưởng trong các năm qua: Năm 2019, doanh thu Doji tăng gấp 8 lần so với năm 2009. 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Doji đạt 68.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn là 5.000 tỷ đồng trên tổng tài sản 12.680 tỷ đồng.

Ngày 23/10/2020, Doji vượt qua hơn 200 DN trên toàn châu Á để trở thành “Doanh nghiệp bán lẻ xuất sắc Châu Á năm 2020” do Asia Pacific Enterprise Awards (APEA) trao tặng. Trước đó, năm 2019, ông Đỗ Minh Phú cũng được APEA vinh danh tại hạng mục Doanh nhân xuất sắc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

H. Yến (t/h)

Gia tộc danh giá nhiều giáo sư, tỷ phú nhất Việt Nam

Chủ tịch Đỗ Minh Phú xuất thân trong một đại gia đình doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam. Cha ông Phú là cụ Đỗ Thế Sử (SN 1921) - đại biểu Hội đồng nhân dân trẻ nhất khóa đầu tiên của tỉnh Sơn Tây năm 1945.

Đầu tư - Chuyện về vị đại gia đưa tiền cho bầu Đức trả lương ông Park Hang-seo (Hình 3).

Cụ Đỗ Thế Sử và vợ - cha mẹ doanh nhân Đỗ Minh Phú.

Năm 14 tuổi, cụ Đỗ Thế Sử đã biết buôn tơ trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội). Năm 73 tuổi, cụ Sử thành lập công ty Phát triển Xuất khẩu May mặc (Gamexco) và làm Chủ tịch Gamexco đến hơn 90 tuổi. Cụ Sử mất năm 2019 ở Hà Nội.

Đại gia đình họ Đỗ có tất cả 22 con (11 con ruột, 11 dâu rể), 37 cháu. Tất cả đều là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên và có gần 10 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ, nhiều người là tỷ phú, doanh nhân nổi tiếng. Ngoài ông Đỗ Minh Phú, một số tên tuổi khác có thể kể đến như: Thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường - Viện trưởng viện Nghiên cứu bệnh viện Vinmec, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Quân đội 103, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội, ông Đỗ Anh Tuấn - Tổng giám đốc công ty CP Cơ nhiệt lạnh FTD, ông Đỗ Anh Tú – Phó Chủ tịch TPBank, Tổng Giám đốc công ty Diana,...

Cụ Sử từng bộc bạch: "Tôi chỉ có ba điều để tựa vào, đó là trí tuệ, quyết tâm và đức hay lam hay làm. Tôi chịu khó học hỏi và tìm tòi sáng tạo trong công việc...”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong một lần trao Kỷ niệm chương cho cụ Đỗ Thế Sử đã phát biểu: “Cụ Sử là một bằng chứng rằng - 14 tuổi kinh doanh chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…”.