Cơ hội đón “sóng” chiến lược trong trung và dài hạn

Admin

12/05/2025 08:11

(ĐTCK)  Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại một tuần giao dịch trong sắc xanh ở hầu hết các phiên, với sự hồi phục luân phiên giữa các nhóm ngành.

Nhóm cổ phiếu bất động sản ghi dấu ấn rõ nét trong tuần qua với mức tăng mạnh mẽ: NLG tăng 15%, KDH và NVL cùng tăng 8%... Ngoài ra, một số nhóm ngành có quy mô nhỏ hơn như điện và bất động sản khu công nghiệp cũng ghi nhận mức tăng tốt.

Đáng chú ý, khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng, với tổng giá trị lên đến 1.261 tỷ đồng, tập trung vào các mã như DXG, VRE, NLG, HPG. Lực bán của khối này chỉ diễn ra ở một số ít cổ phiếu như TPB, KBC, HCM, FTS. Sau giai đoạn dài bán ròng khiến tỷ lệ sở hữu giảm xuống mức thấp, khối ngoại đang quay trở lại thị trường, trong bối cảnh VN-Index đang được đánh giá là hấp dẫn về mặt định giá so với tiềm năng tăng trưởng.

Trên bình diện toàn cầu, bức tranh kinh tế ghi nhận những chuyển động tích cực, đặc biệt trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Sau thời gian căng thẳng leo thang, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phát đi tín hiệu hạ nhiệt khi xác nhận sẽ nối lại đàm phán thương mại tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này.

Bên cạnh đó, Mỹ và Anh đã đạt được thỏa thuận thương mại đầu tiên kể từ khi cuộc chiến thương mại bùng nổ. Theo đó, Mỹ giảm thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm từ Anh, trong khi Anh giảm thuế nhập khẩu đối với ethanol từ Mỹ và mở rộng tiếp cận thị trường cho hàng hóa Mỹ.

Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong biên độ 4,25 - 4,5%/năm, đồng thời cảnh báo về rủi ro lạm phát và thất nghiệp gia tăng, cho thấy sự thận trọng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất định.

Dẫu vậy, việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại và xu hướng nới lỏng dần các biện pháp phòng vệ kinh tế cho thấy các quốc gia đang nỗ lực kiểm soát rủi ro, hướng tới sự ổn định và hợp tác lâu dài.

Về kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam sắp tới, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục, nhưng có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành và mức độ biến động có thể tăng dần. VN-Index có thể điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.250 điểm và dao động tích lũy trong khi chờ đợi thông tin rõ ràng từ đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Thỏa thuận thương mại mới đây giữa Mỹ và Anh cho thấy, Washington nhiều khả năng sẽ không áp dụng phương pháp đàm phán thuế quan trên diện rộng, mà chọn cách tiếp cận theo từng nhóm ngành cụ thể, với các tiêu chuẩn riêng biệt. Đây là gợi ý quan trọng cho Việt Nam trong quá trình đàm phán với Mỹ.

Theo cơ cấu xuất khẩu hiện tại, ba ngành hàng chủ lực gồm dệt may (27%), sản phẩm gỗ (13%) và thủy sản (6%) đang chiếm tới 46% tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ của khối doanh nghiệp nội địa. Đây là những nhóm ngành có tác động lớn về mặt kinh tế - xã hội , nhưng đang đối mặt với nguy cơ bị áp thuế cao. Nhiều doanh nghiệp trong nhóm này có nền tảng tài chính hạn chế, ít dư địa phòng thủ khi chi phí tăng. Nếu bị áp thuế nặng, họ có thể bị mất đơn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Tuy nhiên, trong rủi ro cũng sẽ có cơ hội. Việc đàm phán theo nhóm ngành có thể tạo ra kết quả tích cực cục bộ. Những ngành đạt được thỏa thuận thuận lợi sẽ có khả năng bật tăng mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh cổ phiếu ngành xuất khẩu hiện đang bị chiết khấu sâu.

Đối với nhà đầu tư, đây là thời điểm nên theo dõi sát sao diễn biến đàm phán thương mại và lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp có quy mô lớn, khách hàng quốc tế ổn định và nền tảng tài chính vững chắc. Nếu chọn đúng nhóm ngành được tháo gỡ rào cản sớm, quyết định đầu tư hiện tại có thể trở thành cú đón “sóng” chiến lược trong trung và dài hạn.

Bạn đang đọc bài viết "Cơ hội đón “sóng” chiến lược trong trung và dài hạn" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.