Và đó là một đặc trưng của các mạng xã hội - nơi 9 người có tới 10 ý.
Trong tuần qua, trên mạng rộ lên vụ một người cha ở Tây Ninh bị rắn hổ mang chúa cắn khi anh cố gắng bắt sống nó với hy vọng bán được tiền lo học phí cho con sắp tựu trường. Sau những sửng sốt trước những hình ảnh quá kinh hãi, người ta bắt đầu cãi nhau về việc: Nên đứng về phía người đàn ông kia, kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp sức cho gia đình anh này không khi anh ấy có hành động quá liều mạng vì con; và việc phê phán anh này vì vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ.
Ở đây thì cả hai phía đều có những lý lẽ của mình. Vì thế, vấn đề nằm ở chỗ tính phù hợp. Cũng may cho nạn nhân và cả cho xã hội khi đa số cư dân mạng đã biết chọn cái nhìn đúng đắn. Họ không đặt nặng vào hành động của anh (đó là chuyện của cơ quan chức năng sau này và tin rằng họ cũng sẽ xử lý một cách thấu lý đạt tình), mà chỉ tập trung vào một số phận con người đang trong cơn nguy khốn, cần phải chung tay giúp đỡ. Và có những nhà hảo tâm đã nhanh chóng trợ giúp. Đáng chú ý nhất là cô gái 26 tuổi Nguyễn Đỗ Trúc Phương với trang cá nhân có gần 53.000 người theo dõi - người nổi tiếng với những hành động cứu trợ những phận đời khó khăn. Cô đã chung tay với cộng đồng mạng, lên tiếng kêu gọi các bạn bè của mình trên Facebook và chỉ trong vài ngày đã bội thu ngoài mong đợi vì tình người của cộng đồng mạng. Sáng 22-8, cô đã phải thông báo ngưng tiếp nhận hỗ trợ cho trường hợp này sau khi đã nhận được tổng cộng hơn 170 triệu đồng. Ngoài tiền đóng viện phí, cô công bố dành ra 50 triệu đồng lo chuyện học hành cho 2 đứa con nạn nhân - đúng ý nguyện của người cha.
Nhân tiện, câu chuyện thực tế còn nóng hổi này một lần nữa cho thấy khía cạnh tích cực là chủ yếu của mạng xã hội nói chung và cộng đồng mạng nói riêng. Nếu người thiện lành biết khai thác các thế mạnh của mạng xã hội, họ có thể đem lại nhiều lợi ích cho cả xã hội. Và riêng với cô gái trẻ hảo tâm kia, người ta cảm thấy yêu và tin vào cuộc đời hơn, vì rõ ràng trong xã hội vẫn luôn có và chiếm đa số, những người có tấm lòng bao dung.
Chắc chắn điều tốt cho tất cả chính là việc cộng đồng mạng biết lựa chọn giữa tốt - xấu và đúng - sai.