Có nên “bắt đáy” bất động sản trong thời điểm này?

Admin

26/06/2020 08:58

Khó khăn chung của nền kinh tế đã dẫn tới thị trường bất động sản (BĐS) cũng ảm đảm. Nhiều dự án mở bán nhưng sản phẩm bán ra chậm. Trong khi khách hàng đầu tư còn chần chừ chưa biết khi nào thị trường là “đáy”.

Thị trường giảm nhiệt

Anh Trần Văn Trung (ngõ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, gia đình đang ở chung cư nhưng bố mẹ hai bên muốn hỗ trợ vợ chồng anh mua nhà chuyển dưới dưới thấp tầng ở. Khảo sát một số căn nhà tại Nghĩa Tân, Phạm Văn Đồng có diện tích hơn 50m2 được xây kiên cố 3 tầng đều có giá trên 3 tỷ đồng. Anh cho biết, đây là mức giá đã giảm 500-700 triệu đồng so với thời điểm tháng 01/2020.

Chị Dương Phương Liên (Hàm Nghi, Hà Nội) có rao bán một căn nhà diện tích 75m2 trong ngõ ở đường Âu Cơ xe ô tô đỗ cách nhà 50m, với giá hơn 4 tỷ đồng. Theo chị, thời điểm dịch bệnh, nhà chị cần vốn trả nợ cho các đơn hàng trước đó nên muốn bán nhanh, chứ trước thời điểm Tết nguyên đán 2020 căn nhà này không dưới 5 tỷ đồng.

Một sàn môi giới bất động sản trên đường Hàm Nghi cũng chia sẻ, sàn này nhận phân phối các sản phẩm ở các dự án khu đô thị, thời gian gần đây các nhà đầu tư riêng lẻ cắt lỗ. Đơn cử, 1 căn shophouse 95m2 ở Hàm Nghi trước Tết Nguyên đán 2020 giá 15,5 tỷ đồng bao tên sổ đỏ. Nay nhà đầu tư này muốn cắt lỗ và có thể đàm phán được.

Trước đó, theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, kênh thông tin batdongsan.com.vn, công ty TNHH CBRE… thị trường BĐS mặc dù ảm đạm nhưng hầu hết chủ đầu tư không giảm giá ở tất cả các phân khúc. Thậm chí ở thị trường Hà Nội, giá nhà chung cư còn tăng nhẹ.

Tuy nhiên, đó là trong quý I/2020, khi nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS chưa “ngấm đòn” bởi dịch Covid-19. Theo dự báo của Chính phủ và một số tổ chức nghiên cứu độc lập, kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khoảng từ 5-5,5%. Đây là mức tăng trưởng tốt so với nhiều nước trên thế giới, nhưng là giảm so với chính Việt Nam năm 2019. Như vậy, thị trường BĐS sẽ có tác động không nhỏ khi khó khăn bủa vây vào cuối năm hoặc đầu sang năm 2021. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS.

Mới đây, khảo sát của một số đơn vị môi giới BĐS, cho thấy khoảng 1/3 số lượng nhà đầu tư cá nhân không còn mặn mà với việc đầu cơ lướt sóng ở các dự án căn hộ, đất nền. Nhiều người chấp nhận giảm lợi nhuận để đẩy hàng nhanh hơn. Chính tâm lý ngại rủi ro đã tác động rõ nét đến hoạt động đầu tư trên thị trường BĐS ở thời điểm này.

24-6-Bat-day-BDS-4026-1592985990.jpg

Rất khó để đánh giá được đâu là "đáy" của thị trường bất động sản

Khó “bắt đáy”

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS hiện đang chững lại rõ nét do quá nhiều khó khăn ập đến cùng lúc. Việc các nhà đầu tư e ngại rủi ro nên vội vàng thu hồi dòng tiền là điều tất yếu. Mặt khác, nhiều người cũng có xu hướng giữ tiền mặt để dự phòng khi bất trắc. Họ không kì vọng lợi nhuận vào việc lướt sóng BĐS, thậm chí còn chưa muốn "xuống tiền" mua lúc này mặc dù có vốn nhàn rỗi.

Các chuyên gia từng cho rằng, dù khó khăn bởi dịch bệnh nhưng thị trường BĐS hiện nay vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở thời điểm này không phải cuộc chơi của những nhà đầu tư "lướt sóng".

Mà quan điểm đầu tư ở giai đoạn hiện nay là phải có chiến lược đầu tư mang tính chất trung và dài hạn, lựa chọn sản phẩm chất lượng của những nhà phát triển có uy tín, có bề dày kinh nghiệm, có sản phẩm đối chứng. Trong đó, nhà đầu tư nên đầu tư ở các thị trường có nhiều lợi thế phát triển ổn định. Tránh tình trạng đầu tư vào các loại hình sản phẩm giá rẻ, không an toàn, thiếu tính bền vững.

Trước đó, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup cho hay, đầu tư chung cư hiện không có lãi mà chỉ dành cho những người có nhu cầu ở thật. Đầu tư đất nền trong thời điểm nào cũng là tốt, tuy nhiên không dành cho nhà đầu tư lướt sóng mà chỉ dành cho nhà đầu tư dài hạn, có thể 5 năm hay 10 năm. Trên thực tế, rất ít nhà đầu tư lướt sóng đất nền được may mắn.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS nhìn nhận, giảm giá không phải bức tranh chung cho toàn thị trường. Có thể giá bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền sẽ chứng kiến xu hướng giảm và thiết lập mặt bằng giá mới.

Tuy nhiên, để “bắt đáy” lại không hề đơn giản. Nhà đầu tư có thể “bắt đáy” hay không còn phụ thuộc vào trình độ của họ. Họ phải thực sự am hiểu thị trường và quan trọng nhất là phải có tài chính thực.

“Nếu nhà đầu tư chờ BĐS tại trung tâm thành phố giảm giá để "bắt đáy" thì rất khó. Trong khi đó, có những nơi giá nhà đất đã lao đáy thảm khốc nhưng họ lại không chớp được thời cơ để xuống tiền”, ông Tuyển nói.

Dự báo về thị trường BĐS thời gian tới, ông Tuyển nhận định rằng, thị trường hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn. Sắp tới sẽ là thời kỳ hậu Covid-19 với những diễn biến khó lường.

Tuy nhiên, một điểm tích cực của BĐS Việt Nam hiện nay, theo ông Tuyển, người dân và các nhà đầu tư vẫn đang có lượng tiền dự trữ rất nhiều. Điều quan trọng là các chủ đầu tư dự án có đưa ra được dòng sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng hay không. Đó sẽ là yếu tố quyết định đến thanh khoản và thành công của dự án BĐS trong thời gian tới.

Minh Sơn