Cổ phần hóa các Cienco: Không tìm được cổ đông chiến lược, Cienco 6 'về tay' Tập đoàn Thuận Việt như thế nào?

Admin

27/11/2024 12:13

Trong số các Cienco tiến hành IPO vào năm 2014, Cienco 6 là tổng công ty "ế" nặng nhất, thậm chí không tìm được cổ đông chiến lược. Đến năm 2018, ông Võ Văn Bé, người sáng lập Công ty Thuận Việt chính thức lộ diện là Chủ tịch HĐQT Cienco 6.

Như đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây công khai kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở (giai đoạn 2011 - 2021) tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Loạt sai phạm trong quá trình cổ phần hóa

Một trong số các nội dung được nhắc đến là sai phạm trong quá trình cổ phần hóa của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 - CTCP (Công ty mẹ - Cienco 6).

Thứ nhất, TTCP xác định Cienco 6 khi cổ phần hoá Công ty mẹ đã không hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với cơ sở nhà đất của Công ty TNHH MTV Quản lý và Xây dựng Công trình 76 (cơ sở nhà đất 581 m2 tại Khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa đường bộ 719 (cơ sở nhà đất 14.202 m2 tại số 497 đường 23/8, phường 8, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu...) nhưng Cienco 6 vẫn trình phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là không đúng với quy định.

Thứ hai, Cienco 6 chưa thẩm định, xem xét chênh lệch giữa hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp và Biên bản bàn giao doanh nghiệp khi thực hiện bàn giao nguyên trạng tại cơ sở nhà đất tại số 497 đường 23/8, phường 8, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu và cơ sở nhà đất tại số 71 đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Cổ phần hóa các Cienco: Không tìm được cổ đông chiến lược, Cienco 6 'về tay' Tập đoàn Thuận Việt như thế nào?- Ảnh 1.

Thứ ba, Cienco 6 đã thực hiện đồng thời việc cổ phần hóa 06 đơn vị 100% vốn điều lệ nhưng thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần của 06 đơn vị lại không cùng thời điểm xác định với Công ty mẹ - Cienco 6 là chưa đúng với quy định.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Quản lý và Xây dựng công trình 71 có thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần là 06/01/2014; Công ty TNHH MTV Quản lý và Xây dựng Công trình 76 có thời điểm chuyển sang công ty cổ phần là 19/5/2014; Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa đường bộ 78 có thời điểm chuyển sang công ty cổ phần là 02/01/2014; Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa đường bộ 714 có thời điểm chuyển sang công ty cổ phần là 02/01/2014; Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa đường bộ 719 có thời điểm chuyển sang công ty cổ phần là 01/3/2014 và Công ty sửa chữa, Xây dựng công trình cơ khí giao thông 721 chưa thực hiện được phương án cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, Cienco 6 cũng chưa xử lý xong hết các tồn tại về tài chính đối với khoản nợ tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp theo thông báo của Cục Thuế thành phố cần Thơ số 201448345/TB07-CT ngày 16/7/2014 (tính đến ngày 30/6/2014 còn nợ 39,37 tỷ đồng của Công ty 721 khi quyết toán cổ phần hóa nhưng đã bàn giao về Cienco 6-CTCP là chưa đúng với quy định.

Còn trong việc thực hiện thoái vốn nhà nước, TTCP nêu, Cienco 6 - CTCP thực hiện thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Bộ GTVT và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nhưng thiếu thống nhất với Văn bản trước đó được nêu tại Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 06/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó Nhà nước nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ khi điều kiện thị trường thuận lợi và trước năm 2016 thực hiện chuyển quyền đại diện phần vốn nhà nước về SCIC.

Chưa hết, Cienco 6 thực hiện thoái vốn nhà nước khi chưa có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thực hiện thoái vốn theo hình thức đấu giá bán cổ phần theo lô khi chưa thực hiện bán đấu giá công khai; phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước phải có khoản tiền đặt cọc lớn hơn so với quy định 15% làm hạn chế nhà đầu tư tham gia đấu giá. Đồng thời, Cienco 6 còn sử dụng chứng thư thẩm định giá của Công ty Tư vấn đầu tư và Thẩm định giá Amax không còn hiệu lực là chưa thực hiện đúng với quy định.

Là Cienco duy nhất không tìm được cổ đông chiến lược

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - CTCP (Cienco 6) có trụ sở chính tại số 127 đường Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Theo phương án phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) Cienco 6 do Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt đầu năm 2014, công ty có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, với 60 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước sở hữu 51% vốn điều lệ tại Cienco 6, tương đương 30.600.000 cổ phần. Theo phương án này, Nhà nước sẽ tiếp tục bán bớt phần vốn tại Cienco 6 khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Trong khi đó, 49% vốn điều lệ, tương đương 29.400.000 cổ phần của Cienco6 được bán đấu giá cho các nhà đầu tư và cán bộ - công nhân viên. Cụ thể, Công ty tổ chức bán đấu giá 28.724.100 cổ phần (47,87%) cho các nhà đầu tư và bán 675.900 cổ phần (1,13%) cho cán bộ - công nhân viên.

Ngày 21/03/2014, Cienco 6 thực hiện IPO thông qua Sở giao dịch Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với tổng số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 28.724.100 cổ phần, tương đương 47,87% vốn điều lệ, mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Số lượng bán được chỉ chưa đầy 1,2 triệu cổ phần.

Việc Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối được cho là lý do chính dẫn tới việc IPO Cienco 6 không đạt như kỳ vọng đề ra, bởi lẽ công ty này không bị "gánh nặng" thua lỗ và sở hữu hồ sơ kinh nghiệm dày dặn.

Qua đó, Cienco 6 chính là tổng công ty "ế" nặng nhất trong số các tổng công ty xây lắp ngành GTVT tiến hành IPO vào năm 2014. Cienco 6 cũng là tổng công ty duy nhất không tìm được cổ đông chiến lược khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

"Về tay" Tập đoàn Thuận Việt?

Đến đầu tháng 12/2015, Bộ GTVT thông báo bán đấu giá cổ phần theo lô để thoái vốn nhà nước tại Cienco 6. Cụ thể, Bộ GTVT sẽ bán 1 lô cổ phần gồm 45.695.000 cổ phần, giá khởi điểm một cổ phần là 10.011 đồng/cổ phần, giá khởi điểm lô cổ phần này là 457.452.645.000 đồng.

Thời điểm này, Cienco 6 có vốn điều lệ 492.000.000.000 đồng, tương đương: 49.200.000 cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, cổ phần do Nhà nước tiếp tục nắm giữ là 45.695.000 cổ phần chiếm 92,88% vốn điều lệ.

Việc đấu giá sẽ được thực hiện tại HoSE và tổ chức tư vấn là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS).

Kết quả phiên đấu giá được tổ chức vào ngày 31/12/2015, đã có 1 tổ chức trúng giá với khối lượng cổ phần bán được là 45,695 triệu đơn vị, tương ứng 92,88% vốn điều lệ. Giá đấu thành công bình quân gần 457,64 tỷ đồng, ứng với 10.015 đồng/cổ phần, cao hơn so với mức giá khởi điểm 10.011 đồng/cổ phần.

Được biết 2 tổ chức tham dự phiên đấu giá này gồm CTCP Đồng Phú Hưng-Bình Thuận và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt (Công ty Thuận Việt).

Trong đó, Đồng Phú Hưng- Bình Thuận là bên đấu giá thành công. Thời điểm đó, đây là công ty con do CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (thành viên của Vingroup) nắm 91% vốn.

Dù đấu giá thất bại nhưng ông Võ Văn Bé, người sáng lập Công ty Thuận Việt được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT Cienco 6 dưới sự ủy quyền của cổ đông lớn Phạm Thị Hồng.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2018 đến tháng 6/2022, ông Bé chính thức giữ chức Chủ tịch HĐQT Cienco 6. Diễn biến này khiến dư luận đặt ra nghi vấn về việc Chủ tịch Võ Văn Bé và Công ty Thuận Việt thâu tóm Cienco 6 từ tay Đồng Phú Hưng-Bình Thuận.

Cổ phần hóa các Cienco: Không tìm được cổ đông chiến lược, Cienco 6 'về tay' Tập đoàn Thuận Việt như thế nào?- Ảnh 2.

Ông Võ Văn Bé, người sáng lập Công ty Thuận Việt

Theo đăng ký doanh nghiệp từ tháng 6/2022, người giữ chức Chủ tịch HĐQT Cienco 6 là ông Võ Được (SN 1957). Ông Võ Được hiện cũng là cổ đông sáng lập, Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty cổ phần Sản xuất Đầu tư Xây dựng Thương mại Gia Hưng.

Công ty TNHH xây dựng thương mại Thuận Việt được thành lập từ năm 1999 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, cổ đông sáng lập là ông Võ Văn Bé cùng vợ là bà Phạm Thị Hồng. Trải qua 20 năm hoạt động, Công ty Thuận Việt hiện nay có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Năm 2014, Thuận Việt được UBND TPHCM chấp thuận cho công ty này thay thế Công ty công ích 4 trong Liên danh thực hiện dự án 1.330 căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm.

Dự án có tên thương mại là New City Thủ Thiêm mà Công ty Thuận Việt vướng lùm xùm tự ý thay đổi thiết kế từ dự án tái định cư sang nhà ở thương mại. Sau đó, Công ty Thuận Việt lại tự ý chuyển nhượng 1.122/1.228 căn hộ dù chưa được chấp thuận chủ trương chuyển đổi.

Những năm gần đây, Công ty Thuận Việt và Cienco 6 thường xuyên đứng cùng liên danh tại một số dự án. Cụ thể, tháng 3/2021, liên danh CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành - Công ty Thuận Việt - Cienco 6 đề xuất dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang.

Tháng 6/2022, liên danh kể trên với thêm CTCP Xây dựng Coteccons là nhóm nhà đầu tư duy nhất đệ đơn đầu tư dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I theo phương thức PPP.