Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PDR
CTCK MB (MBS)
Quý I/2025, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu tăng 170%, chủ yếu nhờ bàn giao các sản phẩm thuộc dự án Bắc Hà Thanh; biên lợi nhuận gộp của dự án này cải thiện lên mức 40% (từ 36,5% của quý trước).
Lợi nhuận ròng quý I/2025 giảm nhẹ 3,8% do không còn đóng góp lớn từ doanh thu tài chính, nhưng cải thiện mạnh từ mức nền thấp của quý trước. Giá trị khoản phải thu từ dự án Bắc Hà Thanh giảm 12% so với quý trước, tương đương 38% tổng doanh thu mà PDR đã ghi nhận từ dự án. Trong năm 2024, PDR ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh 77% do hoạt động bàn giao các sản phẩm thuộc dự án Bắc Hà Thanh chưa tốt như kỳ vọng và không còn ghi nhận khoản lợi nhuận tài chính lớn như năm 2023.
Trong giai đoạn 2022-2024 khi việc mở bán và bàn giao các dự án mới không khả quan, lợi nhuận của doanh nghiệp được chống đỡ bởi doanh thu từ hoạt động tài chính khi liên tục thanh lý các khoản góp vốn đầu tư, đây là nguồn lợi nhuận không bền vững.
Chúng tôi cho rằng, với tiến độ pháp lý có tiến triển tại dự án Thuận An 1&2 (đã nhận thông báo tiền sử dụng đất, kỳ vọng hoàn thành nghĩa vụ tài chính và mở bán trong 2/2025), đồng thời hoạt động mở bán tích cực hơn tại dự án Bắc Hà Thanh, PDR sẽ ghi nhận lợi nhuận giai đoạn 2025 - 2026 tăng trưởng lần lượt 365% và 96%, cải thiện từ mức nền rất thấp của năm 2024.
Hiện tại, PDR đang được định giá ở mức P/B trailing 1.3x, thấp hơn trung bình 3 năm (2.3x) và trung vị 3 năm (1.8x). Việc này, theo chúng tôi, là động thái phản ánh các vấn đề của PDR liên quan đến: (1) Rủi ro pha loãng từ việc phát hành thêm để hoán đổi nợ, (2) Kết quả kinh doanh 2024 sau kiểm toán thấp hơn đáng kể so với trước kiểm toán. Với kỳ vọng PDR ghi nhận lợi nhuận phục hồi trong năm 2025-26 nhờ hoạt động kinh doanh chính cải thiện, chúng tôi cho rằng cổ phiếu có thể được định giá lại và đây là thời điểm hợp lý để tích lũy. Chúng tôi cho rằng cổ phiếu đã phản ánh phần nào các rủi ro pha loãng, do đó chúng tôi khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 18.300 đồng/CP.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu FRT
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi điều chỉnh tăng lợi nhuận ròng 2025 của Long Châu thêm 40% so với dự phóng trước và bổ sung dự phóng kết quả kinh doanh 2026, sau điều chỉnh, lợi nhuận ròng của Long Châu dự kiến tăng trưởng 73%/33% trong năm 2025-2026.
Các thay đổi chủ yếu gồm: (1) chúng tôi điều chỉnh tăng số lượng cửa hàng thêm 12% trong 2025 so với dự báo trước; sau điều chỉnh số lượng cửa hàng tăng 21%/13% trong 2025-26 nhờ dư địa thị phần còn lớn; (2) điều chỉnh giảm doanh thu/cửa hàng 2025 11% so với dự báo trước do tăng tốc độ mở mới; sau điều chỉnh, doanh thu/cửa hàng chỉ tăng 6% năm 2025 và duy trì mức tăng này năm 2026 nhờ cải thiện hiệu suất vận hành. (3) Bổ sung vào dự báo 50 trung tâm tiêm chủng mới mỗi năm giai đoạn 2025-26, doanh thu tổng thể của Long Châu dự kiến tăng 38%/21% trong 2025-26; (4) điều chỉnh biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ 0,8 điểm % trong 2025, duy trì ở mức 23%, và cải thiện lên 23,6% trong 2026; điều chỉnh tỷ trọng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm 0,5 điểm % trong 2025 so với dự báo trước và giữ ổn định trong 2026 do chi phí mở rộng thấp hơn kỳ vọng.
Năm 2025, chiến tranh thương mại có thể đình trệ sự phục hồi tiêu thụ hàng không thiết yếu và ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa. Do vậy, chúng tôi duy trì quan điểm cẩn trọng về nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm không thiết yếu và khó có sự bứt phá trong năm 2025-26. Chúng tôi ước tính lợi nhuận ròng năm 2025 của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) giảm 5% so với dự phóng trước nhưng vẫn ghi nhận mức dương, sau đó tăng trưởng 260% svck trong năm 2026 từ mức nền thấp. Ước tính lợi nhuận ròng từ FPT Shop chỉ chiếm 3,7%/9,7% tổng lợi nhuận của FRT trong 2025-2026.
Giá mục tiêu cao hơn 15% so với báo cáo trước do (1) tăng lợi nhuận ròng năm 2025 thêm 39% sv dự báo trước và bổ sung dự báo 2026, (2) chuyển mô hình dự báo sang 2025. Đợt giảm giá theo thị trường vừa qua đã khiến FRT có mức chiết khấu hấp dẫn hơn, do đó chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để đầu tư cổ phiếu với tiềm năng doanh nghiệp hiện hữu.
Bên cạnh đó, FRT còn nhiều câu chuyện trong dài hạn như bán vốn và IPO Long Châu, triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện. Rủi ro giảm giá bao gồm: (1) Long Châu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng, ảnh hưởng tốc độ mở mới của chuỗi nhà thuốc, (2) Chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến cả việc vận chuyển hàng hóa và sức tiêu dùng không thiết yếu, ảnh hưởng đến đà phục hồi của chuỗi FPT Shop. Khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu của FRT là 202.400 đồng/CP.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu OCB
CTCK BIDV (BSC)
Năm 2025, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – sàn HOSE) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt ít nhất 16%, cụ thể sẽ theo hạn mức được NHNN cấp. Tổng huy động thị trường 1 đạt 219 nghìn tỷ (tăng 14%); Tổng tài sản đạt 317 nghìn tỷ (tăng 13%); Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.338 tỷ đồng (tăng 33%). Tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 là 7% bằng tiền mặt. Phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 8%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 26.631 tỷ đồng.
Trong quý I/2025, tăng trưởng tín dụng của OCB đạt 2,2%, và tổng huy động thị trường 1 tăng 8,3% YTD. Thu nhập lãi thuần đạt 2.216 tỷ đồng (tăng 17%), với tỷ lệ NIM duy trì khoảng 3,5%, và tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 2.273 tỷ, tương đương cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế quý I của OCB đạt khoảng 893 tỷ (giảm 26%), hoàn thành khoảng 17% kế hoạch năm. Chúng tôi cho rằng lợi nhuận giảm so với cùng kỳ chủ yếu do ngân hàng đã tăng chi phí trích lập dự phòng trong quý 1.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 33%, OCB tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm bao gồm tăng tỷ trọng thu nhập từ phí và tăng CASA, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển dữ liệu, quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu mỗi khách hàng sử dụng tối thiểu 4 sản phẩm của OCB nhằm tăng hiệu quả và tối ưu hóa lợi nhuận.
OCB dự đoán tác động trực tiếp từ thuế quan là không đáng kể, do mức độ tiếp xúc của ngân hàng với FDI và xuất khẩu thấp. Tuy nhiên, áp lực gián tiếp trên toàn ngành đối với chất lượng tài sản và NIM là có thể xảy ra trong trung hạn.
Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng hơn 30% trong năm 2024, chiếm 11% tổng dư nợ. OCB đã mở rộng mạnh mẽ các lĩnh vực tín dụng xanh bao gồm năng lượng tái tạo, xử lý nước sạch và nước thải, công trình xanh và nông nghiệp thông minh. OCB định hướng trở thành một trong Top 5 ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu về hiệu quả ESG và phát triển bền vững.
Cổ đông chiến lược Aozora Bank đã hỗ trợ OCB bằng cách mở rộng mạng lưới khách hàng FDI Nhật Bản và tăng cường quy trình cho vay SME. Sau khi OCB tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của Aozora vẫn giữ nguyên là 15%, và không có kế hoạch thoái vốn trong tương lai gần.
Ban lãnh đạo OCB đang xem xét khả năng sở hữu công ty chứng khoán nhằm hoàn thiện mảng ngân hàng đầu tư trong hệ sinh thái của mình, nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng phân khúc ưu tiên. Hiện tại, OCB vẫn đang hợp tác chiến lược với công ty chứng khoán VIS và sẽ cân nhắc mua lại trong tương lai khi điều kiện thuận lợi hơn.
Kế hoạch năm 2025 của OCB tương đối tham vọng so với dự báo của BSC. Chúng tôi cho rằng, OCB sẽ khó hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận, nhưng về cơ bản, ngân hàng đã trải qua giai đoạn xấu nhất, và đang từng bước tái cấu trúc để trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Về định giá, OCB đang giao dịch tại P/B = 0.8x, thấp hơn khoảng 30% so với mức trung bình 5 năm, và thấp hơn 25% so với mức định giá trung bình ngành. BSC hiện đang đưa ra khuyến nghị mua với OCB, với giá mục tiêu 1 năm là 13.200 đồng/CP, tương ứng với upside 28% so với giá đóng cửa ngày 25/4.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu BMP
CTCK SSI
Năm 2025, CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 5.362 tỷ đồng và 1.055 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 14,6% và 6%.
Kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2024 đã được phê duyệt ở mức 11.990 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chi trả cổ tức ổn định 99% và tỷ suất cổ tức là 8%. BMP đã trả trước đợt 1 với 5.740 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2024, với phần còn lại 6.250 đồng/cổ phiếu dự kiến có thể được trả vào tháng 6/2025.
Doanh thu và lợi nhuận ròng quý I/2025 của BMP lần lượt tăng 38% và 51%. Kết quả khả quan này đến từ tăng trưởng sản lượng đạt 40%, lên hơn 23.000 tấn trong quý, được thúc đẩy bởi chương trình khuyến mãi của BMP trong tháng 3. Sản lượng riêng tháng 3 đạt hơn 13.000 tấn, đóng góp 57% vào sản lượng quý I.
Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng của BMP sẽ tăng 10% lên 1,01 nghìn tỷ đồng trong năm 2025 với giả định sản lượng tiêu thụ sẽ tăng 12% nhờ sự phục hồi của thị trường miền Nam, và kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công trong nửa cuối năm.
Chúng tôi khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 1 năm lên 145.000 đồng/cổ phiếu dựa trên hệ số P/E mục tiêu là 11x. Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh quý I/2025 khả quan và triển vọng năm 2025 tích cực đã được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu BMP. Trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ chậm lại trong quý 2 khi các nhà phân phối cần thêm thời gian để tiêu thụ hàng tồn kho.