Theo Nghị định 70/2020 kể từ ngày 28/6 đến hết năm 2020, xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ. Mục đích của việc này là nhằm kích thích tiêu dùng trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/2020 kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.
Cổ phiếu ảm đạm
Được cho là hưởng lợi lớn từ chính sách giảm phí trước bạ, thương hiệu xe sang duy nhất lắp ráp tại Việt Nam là Mercedes-Benz dự kiến sẽ khá đắt khách, từ đó tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của nhà phân phối lớn nhất hiện nay là CTCP Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã: HAX).
Tuy nhiên, cập nhật kết quả kinh doanh mới đây của Haxaco cho thấy, luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty chỉ đạt 2.009 tỷ đồng, lãi sau thuế 11 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 63% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAX gần như không có chuyển biến gì nhiều trước cũng như sau thời điểm chính sách kích cầu tiêu dùng từ giảm phí trước bạ được thực hiện. Tính đến phiên giao dịch ngày 24/8, cổ phiếu HAX đang giao dịch tại vùng giá 13.000 đồng/cp, tăng nhẹ 8,3% so với vùng giá 12.00 đồng/cp hồi tháng 6 nhưng lại giảm gần 10% so với đầu năm.
Khó đoán định tương lai của nhóm cổ phiếu ô tô. |
Trong nhiều năm gần đây, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy và ô tô tải có lịch sử hoạt động gần 10 năm trên thị trường chứng khoán là CTCP Ô tô TMT (mã: TMT) đều ghi nhận kết quả kinh doanh yếu kém, cổ phiếu lao dốc trong thời gian dài.
Trong 6 tháng qua, doanh thu thuần của TMT ghi nhận 724,7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 1,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Những con số này tuy đã khả quan hơn những kỳ kinh doanh trước nhưng so với vị thế của doanh nghiệp được đánh giá là “èo uột”.
Đồng hành cùng tình hình kinh doanh không mấy tương sáng là giá trị cổ phiếu TMT trên sàn chứng khoán đang ở mức “trà đá, mớ rau”. Hiện, TMT đang có thị giá 5.120 đồng/cp, giảm khoảng 40% so với đầu năm và gần 15% so với hồi tháng 6.
Thực tế, đà giảm mạnh của cổ phiếu TMT đã kéo dài trong 3 năm qua. Cổ phiếu này từng ghi nhận mức giá trên 24.900 đồng/cp (ngày 26/9/2017), sau đó liên tục giảm sâu về dưới mệnh giá như hiện tại.
Trong khi đó, cổ phiếu GGG của CTCP Ô tô Giải Phóng còn thê thảm hơn khi thị giá chỉ còn 1.100 đồng/cp và thường xuyên không có giao dịch, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất chỉ đạt 153 đơn vị.
Thậm chí, cổ phiếu GGG còn bị duy trì diện hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2016. Mức giá cao nhất mà cổ phiếu GGG từng đạt được trong hơn 1 năm qua cũng chỉ là 2.200 đồng/cp.
Về kết quả kinh doanh, Ô tô Giải Phóng liên tiếp ghi nhận lỗ trong năm 2017, 2018 và 2019 với mức lỗ lần lượt 7,2 tỷ đồng, 9,8 tỷ đồng và 21,87 tỷ đồng.
Khó đoán định tương lai
Thực tế, những chính sách về phí trước bạ mới chỉ được triển khai từ cuối tháng 6 đến nay sẽ chưa phản ánh được những hiệu quả vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Trước đó, theo nhận định của giới chuyên môn, với việc giảm phí này, thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh từ tháng 7 tập trung vào các xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Như vậy phải chờ đến các kỳ công bố báo cáo tài chính nửa cuối năm 2020 với xác định được chính sách thuế trước bạ có thật sự khiến các doanh nghiệp ô tô hưởng lợi hay không.
Tuy nhiên, dạo qua một số đại lý ô tô trên địa bàn Hà Nội trong những ngày này cho thấy, chính sách giảm 50% phí đăng ký trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước đã và đang hâm nóng thị trường sau một thời gian dài ảm đạm vì đại dịch Covid-19, lượng khách đến đại lý có tăng nhưng chưa đột biến.
Nhiều người kỳ vọng với việc giảm 50% lệ phí trước bạ cùng các chương trình khuyến mại giảm giá của các hãng xe và đại lý, giá xe ô tô khi “lăn bánh” có thể sẽ giảm sâu hơn. Thế nhưng, điều này đã không diễn ra khi hầu hết các hãng xe đã cắt giảm chương trình khuyến mại “khủng” như trước đây.
Bên cạnh đó, làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát khiến nhiều lĩnh vực kinh tế chưa kịp phục hồi lại tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, tỷ lệ người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập ngày càng tăng khiến nhiều người có xu hướng thắt chặt chi tiêu, việc mua xe ô tô trong bối cảnh như hiện nay là phải “cân đong, đo đếm”.
Hơn nữa, lâu nay nhóm cổ phiếu ô tô vẫn luôn kén nhà đầu tư bởi những yếu tố không chắc chắn đến từ những vấn đề của doanh nghiệp, chính sách vĩ vô. Theo một dự báo trước đây của các chuyên gia, quy mô tiêu thụ của thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt trên 500.000 xe/năm kể từ năm 2021.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiêu của các doanh nghiệp phân phối, lắp ráp ô tô có thể phải chờ thêm một thời gian nữa mới kỳ vọng cải thiện được tình trạng kém hấp dẫn nhà đầu tư như hiện nay.
Minh Khuê