COMA 6 lộ diện nhiều sai phạm tại Dự án Deam Town Tây Mỗ

19/03/2020 16:30

Thanh tra TP Hà Nội vừa công bố những sai phạm của CTCP cơ khí xây dựng Đại Mỗ (COMA 6) và một số cơ quan, trong quá trình thực hiện dự án Deam Town.

Xây dựng khi chưa có phép

Theo kết luận thanh tra, dự án Dream Town do COMA 6 triển khai đầu tư xây dựng từ ngày 20/12/2010. Tại thời điểm này khi chủ đầu tư gửi thông báo khởi công và triển khai thi công thì Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị GS đều chưa được phê duyệt (phê duyệt ngày 26/7/2011).

Do năng lực, trình độ quản lý của Đội trật tự xây dựng xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm trước đây còn hạn chế nên đã không cập nhật được dự án để phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trong khi đó, thời gian thực hiện dự án đã được UBND TP chấp thuận từ quý I/2010 đến quý I/2013.

Theo kết luận thanh tra, việc để cho COMA 6 tổ chức thi công xây dựng đã xảy ra trước thời điểm thành lập quận Nam Từ Liêm (1/4/2014) theo Nghị quyết số 132 ngày 27/12/2013. UBND huyện Từ Liêm, Đội thanh tra trật tự xây dựng huyện Từ Liêm, UBND xã Tây Mỗ đã buông lỏng quản lý, để chủ đầu tư khởi công xây dựng khi chưa được phép mà không kiểm tra, kiến nghị xử lý là chưa thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP tại Giấy chứng nhận đầu tư.

Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, Đội trưởng Đội thanh tra trật tự xây dựng huyện Từ Liêm, Chủ tịch UBND xã Tây Mỗ thời điểm năm 2010-2014.

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra còn chỉ ra, COMA 6 không đủ năng lực tài chính nhưng vẫn thực hiện dự án. Theo báo cáo tài chính năm 2008 (chưa được kiểm toán), nguồn vốn chủ sở hữu của COMA 6 đến 31/12/2008 là hơn 24 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 282 tỷ đồng (không đảm bảo 20% tổng mức đầu tư của dự án).

Mặc dù đã được Sở Tài chính yêu cầu tiến hành các thủ tục để được bổ sung vốn điều lệ và tăng nguồn vốn chủ sở hữu theo đúng quy định hiện hành (tại Văn bản số 4406 ngày 28/9/2009) nhưng Sở KH&ĐT không yêu cầu công ty này bổ sung vốn điều lệ và tăng nguồn vốn chủ sở hữu mà vẫn có văn bản số 1148 ngày 26/11/2009 báo cáo UBND TP đề nghị cho phép COMA 6 nghiên cứu lập và thực hiện dự án.

Việc này đã vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 6 Quyết định số 22/2007 ngày 9/2/2007 của UBND TP và vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3, Điều 22 Quyết định số 15/2007 ngày 23/1/2007 của UBND TP.

Ngoài ra, khi lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.186 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2009, nguồn vốn chủ sở hữu của COMA 6 là 13,6 tỷ đồng, chỉ bằng 1,1% tổng mức đầu tư là không đủ năng lực tài chính theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 90/2006 của Chính phủ quy định.

“Trách nhiệm thuộc Phòng đô thị thời điểm năm 2009 - 2010 (nay là Phòng quản lý ngoài ngân sách), ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT năm 2010 và ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Sở KH&ĐT năm 2009-2010 đã ký văn bản theo đề xuất của phòng ban chuyên môn mà thiếu sự kiểm tra, xem xét”, Thanh tra TP Hà Nội nêu rõ.

18-3-Dream-4151-1584436498.jpg

COMA 6 có nhiều sai phạm trong khi đầu tư dự án Dream Town 

Đưa công trình chưa được nghiệm thu vào sử dụng

Kết luận thanh tra cũng nêu, COMA 6 đã đưa công trình xây dựng chung cư tại Dự án Dream Town vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Việc này vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 5, Điều 17 Nghị định số 139/2017 của Chính phủ. Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư.

Đối với việc nộp tiền sử dụng đất, theo Quyết định số 806 ngày 16/2/2011 của UBND TP thì số tiền sử dụng đất COMA 6 phải nộp là hơn 139 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, công ty đã nộp số tiền trên nhưng chưa nộp tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 31 tỷ đồng. Cục Thuế đã có quyết định về cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với công ty.

Về việc huy động vốn, bán căn hộ, Thanh tra TP Hà Nội cho biết, từ năm 2013 - 2018, COMA 6 đã bàn giao 699 căn hộ chung cư, 41 căn nhà vườn và 8 căn biệt thự cho khách hàng, với tổng doanh thu hơn 1.287 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, COMA 6 không kê khai đủ số doanh thu nêu trên là không thực hiện đúng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 17 của Thông tư số 123/2012 và điểm a, khoản 1, Điều 17 Thông tư số 78/2014 của Bộ Tài chính quy định về thời điểm xác định doanh thu tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Số doanh thu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai còn thiếu là hơn 57,2 tỷ đồng. Trách nhiệm này thuộc chủ đầu tư.

Được biết, COMA 6 đã sử dụng hơn 37.238 m2 đất tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) từ năm 1966 để sản xuất cơ khí.

Năm 2008, công ty đã lập Dự án đầu tư Tổ hợp dịch vụ công công, văn phòng và nhà ở và đề nghị UBND TP cho phép chuyển đổi mục đích sử đụng đất.

Năm 2009, công ty được UBND TP chấp thuận cho phép nghiên cứu lập và thực hiện Dự án Tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm trên khu đất này. Dự án được UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000408 ngày 12/5/2010 cho COMA 6.

Đến nay, công ty đã xây dựng xong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng xong và đưa vào sử dụng 3 tòa chung cư CT1, CT2, CT3, Khu nhà vườn, biệt thự, nhà trẻ, nhà bảo vệ, còn khu VP1 và VP2 chưa xây dựng.

Minh Sơn

Bạn đang đọc bài viết "COMA 6 lộ diện nhiều sai phạm tại Dự án Deam Town Tây Mỗ" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.