Con cháu gia tộc Samsung sẽ nộp 10 tỷ USD thuế thừa kế như thế nào?

Admin

01/11/2020 16:30

Nhà họ Lee có thể phải đóng thuế thừa kế lên tới 10 tỷ USD - hóa đơn thuế thừa kế lớn nhất từ trước đến nay ở Hàn Quốc...

Những người thừa kế của ông Lee Kun-hee, Chủ tịch vừa qua đời của tập đoàn Hàn Quốc Samsung, có thể phải nộp hàng tỷ USD thuế thừa kế. Nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ phải giảm quyền kiểm soát tập đoàn bằng việc bán bớt cổ phiếu - hãng tin Bloomberg cho hay.

Ông Lee, người giàu nhất Hàn Quốc, sở hữu khối tài sản ròng khoảng 20,7 tỷ USD, trong đó phần lớn là cổ phần của ông trong Samsung, theo dữ liệu của xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index.

Luật của Hàn Quốc quy định mức thuế lên tới 60% đối với cổ phiếu thừa kế từ các cổ đông lớn, và mức thuế lên tới 50% đối với bất động sản và các tài sản thừa kế khác. Theo đó, nhà họ Lee có thể phải đóng số thuế thừa kế lên tới 10 tỷ USD, và đây sẽ là hóa đơn thuế thừa kế lớn nhất từ trước đến nay ở Hàn Quốc.

Nhưng con cháu nhà họ Lee có thể sẽ không phải bán cổ phiếu để nộp số thuế này, theo ông Chung Sun-sup, Giám đốc công ty phân tích doanh nghiệp Chaebu.com có trụ sở ở Seoul. Ngày 27/10, giá cổ phiếu Samsung tăng nhờ những đồn đoán cho rằng các công ty con trong tập đoàn này sẽ tăng cổ tức để những người thừa kế đóng thuế.

"Việc bán cổ phiếu có thể gây rắc rối vì sẽ làm giảm quyền kiểm soát của nhà họ Lee trong tập đoàn. Không có một tập đoàn nào làm như vậy cả", ông Chung nói. "Thay vào đó, phần lớn bọn họ chọn cách đóng thuế bằng tiền mặt trong 5 năm. Tiền mặt có thể được huy động thông qua những công cụ như cổ tức hoặc tiền lương".

Đó cũng là cách đóng thuế thừa kế của Chủ tịch tập đoàn LG, ông Koo Kwag-mo, người lên nắm quyền vào năm 2018 sau cái chết của cha. Ông Koo và các thành viên trong gia đình đang đóng khoản thuế thừa kế 921,5 tỷ Won, tương đương 817 triệu USD, trong vòng 5 năm.

Samsung từ chối tiết lộ về kế hoạch đóng thuế thừa kế của nhà họ Lee, nhưng nói "tất cả các loại thuế liên quan đến tài sản thừa kế sẽ được đóng một cách minh bạch theo quy định của pháp luật".

Cổ phần mà ông Lee để lại bao gồm 4% Samsung Electronics - hãng sản xuất smartphone, TV và chip nhớ lớn nhất thế giới, và 21% Samsung Life Insurance - công ty bảo hiểm nhân thọ giữ vai trò cổ đông lớn thứ hai của Samsung Electronics.

Con trai duy nhất của ông Lee là Jay Y. Lee, người thường được gọi là "thái tử" Samsung, đã lãnh đạo tập đoàn kể từ khi người cha bị nhồi máu cơ tim vào năm 2014. Nếu thừa kế toàn bộ cổ phần của người cha quá cố trong Samsung Electronics và Samsung Life Insurance, Jay Y. Lee có thể dùng cổ tức và nguồn tiền từ người thân trong gia đình để đóng thuế - theo ông Jongwoo Yoo, nhà phân tích thuộc Korea Investment & Securities.

"Không rõ gia đình này hiện nắm bao nhiêu tiền mặt, nhưng tiền cổ tức sẽ không đủ để đóng thuế", ông Yoo viết trong một báo cáo. "Bởi vậy, cũng có khả năng cao là họ sẽ sử dụng nguồn tiền cá nhân".

"Thái tử" Samsung hiện đang vướng vào nhiều rắc rối pháp lý liên quan đến một vụ sáp nhập gây tranh cãi. Đó là vụ hợp nhất hai công ty con của Samsung vào năm 2015 giúp người thừa kế này củng cố quyền kiểm soát tập đoàn.

Jay Y. Lee nắm chưa đầy 1% Samsung Electronics, nhưng thông qua hai công ty con được sáp nhập, ông có 17% quyền kiểm soát Samsung C&T Corp - công ty nắm 5% Samsung Electronics.

Ông Lee con cũng đang đợi phán quyết cuối cùng của tòa án trong một vụ hối lộ khiến ông phải vào tù hồi năm 2017. Ngoài ra, ông còn đang đợi ngày hầu tòa vì những cáo buộc tài chính, trong đó có cáo buộc cho rằng ông thao túng giá cổ phiếu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp quản tập đoàn.

Ông bác bỏ tất cả những cáo buộc nhằm vào mình, nhưng đã đích thân đứng ra xin lỗi về việc các bê bối tham nhũng liên tục xảy ra ở Samsung, đồng thời cam kết sẽ không trao quyền lãnh đạo công ty cho các con của mình.

"Ngày hôm nay, tôi xin hứa rằng từ giờ trở đi, sẽ không có bất kỳ tranh cãi nào về thừa kế nữa", ông Lee nói tại một cuộc họp báo hồi tháng 5. "Cũng sẽ không có sự vi phạm pháp luật nào nữa".

Samsung là tập đoàn gia đình (chaebol) mới nhất của Hàn Quốc chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp. Đầu tháng này, hãng xe Hyundai đưa ông Euisun Chung vào ghế Chủ tịch, hoàn tất việc ông tiếp quản tất cả các chức vụ cao nhất trong công ty từ người cha.

Những người thừa kế chaebol sẽ phải chứng minh họ có thể mang lại thay đổi tích cực, bởi trong những năm gần đây, các tập đoàn này đã để xảy ra hàng loạt vụ be bối tham nhũng.

"Ai cũng muốn xem gia tộc Samsung sẽ xử lý vấn đề thừa kế như thế nào", chuyên gia Chung nói.