Đà Nẵng khởi động phòng thí nghiệm công nghệ đóng gói vi mạch 1.800 tỷ đồng

Admin

28/07/2025 12:02

Phòng thí nghiệm VSAP Lab đặt tại Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 được kỳ vọng trở thành nền tảng công nghệ phục vụ sản xuất, đào tạo và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực đóng gói vi mạch bán dẫn.

Ngày 28/7, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng đã tham dự lễ khởi động Dự án Phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất công nghệ đóng gói tiên tiến (Fab-Lab) tại Khu Công nghệ thông tin tập trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.

Đà Nẵng khởi động phòng thí nghiệm công nghệ đóng gói vi mạch 1.800 tỷ đồng- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhấn mạnh vai trò của công nghệ đóng gói, kiểm thử như một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành bán dẫn.

Ông cho biết, công thức phát triển bán dẫn của Việt Nam là C = SET + 1, trong đó "SET" gồm đào tạo nhân lực, nghiên cứu, thiết kế, và "+1" là khâu đóng gói, kiểm thử và sản xuất. Bộ trưởng cho rằng, mỗi phòng lab như VSAP là "mảnh ghép" tạo nên hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn quốc gia, đồng thời cam kết Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ chính sách, đầu tư, kết nối quốc tế để mô hình này phát triển bền vững.

Đà Nẵng khởi động phòng thí nghiệm công nghệ đóng gói vi mạch 1.800 tỷ đồng- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết.

Chia sẻ tại sự kiện, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, thành phố đang đặt khoa học công nghệ và chuyển đổi số là đột phá chiến lược hàng đầu giai đoạn 2025–2030.

Theo ông Triết, Đề án phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa Đà Nẵng trở thành một trong ba trung tâm hàng đầu cả nước về thiết kế vi mạch và AI, với ít nhất 5.000 nhân lực chất lượng cao, 30 doanh nghiệp thiết kế và 2 doanh nghiệp đóng gói vi mạch.

Đà Nẵng khởi động phòng thí nghiệm công nghệ đóng gói vi mạch 1.800 tỷ đồng- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác thăm công trường VSAP Lab.

VSAP Lab không chỉ là một phòng thí nghiệm, mà là mô hình 'lab-fab' kiểu mẫu, nơi tích hợp nghiên cứu, đào tạo và sản xuất thử nghiệm, tạo nền tảng kỹ thuật cho công nghệ đóng gói tiên tiến của Việt Nam, ông Triết nói.

Thành phố xác định đây là hạt nhân đầu tiên của cụm đổi mới sáng tạo ngành bán dẫn, đồng thời cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai hạ tầng, hỗ trợ thủ tục, đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư.

Phòng thí nghiệm VSAP Lab do Công ty Cổ phần VSAP LAB đầu tư, với tổng vốn 1.800 tỷ đồng, diện tích sàn sử dụng hơn 5.700 m². Dự án gồm hai khu vực chính: khu phòng lab nghiên cứu các công nghệ đóng gói mới (như Fan-out Wafer Level Packaging, 2.5D/3D IC, Silicon Interposer...) và khu fab phục vụ sản xuất thử nghiệm với thiết bị lithography, wafer bonding, hệ thống đo kiểm đạt chuẩn quốc tế. Dự kiến, VSAP Lab sẽ đi vào vận hành quý IV/2026, với công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm.

Đà Nẵng khởi động phòng thí nghiệm công nghệ đóng gói vi mạch 1.800 tỷ đồng- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng gặp gỡ, trao đổi với 26 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn và AI đang hoạt động tại Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.

Theo giới thiệu từ đại diện VSAP LAB, mô hình "lab-fab" cho phép kết nối mở với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong, ngoài nước. Phòng lab được vận hành theo cơ chế linh hoạt công, tư kết hợp, mở ra khả năng dùng chung cho nhiều đơn vị để cùng phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.

Ngay sau lễ khởi động, đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham quan lớp đào tạo thiết kế vi mạch VLSI – Physical Design tại tầng 4, tòa nhà ICT1, do Trung tâm DSAC phối hợp cùng Synopsys Việt Nam, Sovico Group và tổ chức TreSemi (Hoa Kỳ) tổ chức. 

Lớp học do ông Phil Hoàng, chuyên gia từ Skyworks Solutions Inc, giảng dạy cho 38 học viên là giảng viên và sinh viên chuyên ngành vi mạch trên địa bàn thành phố. 

Đà Nẵng khởi động phòng thí nghiệm công nghệ đóng gói vi mạch 1.800 tỷ đồng- Ảnh 5.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.

Bản tin 27/7: Bỏ quy định điểm sàn 8 điểm môn Toán với ngành vi mạch bán dẫnBộ GD&ĐT siết yêu cầu chuẩn đầu vào tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫnĐà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án Phòng thí nghiệm đóng gói vi mạch bán dẫn 1.800 tỷ đồng

Đoàn công tác cũng đã gặp gỡ, trao đổi với 26 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn và AI đang hoạt động tại Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. 

Những doanh nghiệp này được hưởng chính sách hỗ trợ mặt bằng từ thành phố. Trong đó, Công ty Cổ phần FPT, đối tác chiến lược của thành phố cũng đã mở văn phòng tại đây, tham gia triển khai các dự án công nghệ lõi tại địa phương.

Các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm ghi nhận thực tiễn triển khai, lắng nghe kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, từ đó tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển hệ sinh thái công nghệ cao, lấy trung tâm là Đà Nẵng.

Bạn đang đọc bài viết "Đà Nẵng khởi động phòng thí nghiệm công nghệ đóng gói vi mạch 1.800 tỷ đồng" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.