Trong tháng 8 vừa qua, dòng vốn ngoại rút ròng hơn 3.423 tỷ đồng trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, gấp hơn 6 lần so với tháng 7, tương ứng khối lượng bán ròng ở mức 155,2 triệu cổ phiếu. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng 6 trong 8 tháng đầu năm 2020. Tính chung cả 8 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng gần 7.300 tỷ đồng.
Thậm chí, nếu loại ra giao dịch thỏa thuận đột biến cổ phiếu VHM (Vinhomes) của nhóm quỹ có liên quan đến Kohlberg Kravis Roberts (KKR), giá trị bán ròng của khối ngoại trong 8 tháng đầu năm có thể lên đến xấp xỉ 1 tỷ USD.
Giải mã nguyên nhân
Trong 10 mã bị bán ròng mạnh nhất thời gian qua, chiếm tới gần 82% tổng giá trị bán ròng là VNM (Vinamilk), HPG (Hoà Phát), VRE (Vincom Retail), VIC (Vingroup), NVL (Novaland), VGC (Viglacera), VCB (Vietcombank), AGG (Bất động sản An Gia), MSN (Masan Group) và DXG (Đất Xanh Group). Trong số này có 2 giao dịch mang tính chất đặc thù là của VGC và AGG.
Theo đó, trong tháng 8, VGC bị bán ròng tổng cộng 199 tỷ đồng. Đây có thể là hoạt động thoái vốn liên quan đến kế hoạch chào mua công khai của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (mã: GEX) nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 46,15%. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGC đã tăng hơn 76% trong 5 qua, gần chạm ngưỡng giá cao nhất lịch sử.
Đối với trường hợp của AGG, trong thời gian qua, khối ngoại đã bán khoảng 161 tỷ đồng, chủ yếu là 2 giao dịch của Quỹ Creed Investments từ ngày 7 - 10/8 giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,12% xuống 7,18% khi bán hơn 3,7 triệu cổ phiếu. AGG mới niêm yết khoảng 8 tháng và kế hoạch thoái vốn sau khi niêm yết cũng không có gì đặc biệt.
Có thể các nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi một cơ chế thông thoáng hơn để giải ngân (Ảnh: Internet).
Tuy nhiên, nếu tính luỹ kế 8 tháng qua, VIC là mã bị bán ròng nhiều và liên tục nhất với tổng giá trị lên tới 3.000 tỷ đồng, trong đó tháng 4 bị rút vốn lớn nhất với hơn 1.200 tỷ đồng và từ tháng 3 - 5 bị bán ròng tổng hợp hơn 2.200 tỷ đồng.Bị bán ròng lớn nhất là VHM với 310 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng giá trị bán ròng trên HoSE; HPG bị bán ròng 290 tỷ đồng, chiếm 11,6%; VRE bị bán ròng 234 tỷ đồng, chiếm 9,4%; VIC bị bán ròng 221 tỷ đồng, chiếm 8,9%.
Tiếp theo là HPG với gần 1.700 tỷ đồng, tập trung vào tháng 3 với hơn 1.000 tỷ đồng. Tháng 3 cũng là thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng tiêu cực nhất với dịch Covid-19 và thị giá HPG giảm 24,6% trong tháng này.
Thực tế, thời điểm khối ngoại bị bán ròng nhiều nhất là vào giai đoạn thị trường chứng khoán toàn cầu rơi vào trạng thái khủng hoảng do dịch bệnh. Trong khi các cổ phiếu trên đều là những mã nằm trong danh mục đầu tư của rất nhiều quỹ ngoại nên bị biến động lớn có lẽ là điều đương nhiên. Cùng với đó là các quỹ cận biên Frontier Markets và Emerging Markets giảm quy mô danh mục do bị rút vốn từ đầu năm.
Không "tháo chạy" mà là chờ cơ hội?
Trước áp lực bán ròng của khối ngoại, dòng tiền nội đang được xem là trụ cột chính của thị trường, đặc biệt là từ các "nhà đầu tư F0". Tuy nhiên, dòng tiền nội cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi trong tháng 8, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 28.362 tài khoản, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân (28.271 tài khoản).
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán mở mới ở mức dưới 30.000. Lũy kế 8 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 221.000 tài khoản, vượt qua con số tài khoản mở mới của cả năm 2019. Số lượng tài khoản mở mới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 3 đến nay) là hơn 193.000 tài khoản.
Đáng chú ý, xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi mà trong những phiên giao dịch đầu tháng 9, gần 150 tỷ đồng vốn ngoại vẫn được rút ra khỏi thị trường trong bối cảnh thị trường được dự báo sẽ duy trì được diễn biến tích cực trong tháng 9, cùng với những tín hiệu tích cực đến từ tình hình vĩ mô cũng như kiểm soát dịch bệnh.
Trong nhiều tháng gần đây, sự nhập cuộc của các nhà đầu tư trong nước mới đã góp phần quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh từ vùng 650 điểm vào cuối tháng 3 và lên hơn 900 điểm như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận được vai trò của dòng tiền ngoại cho những mục tiêu xa hơn.
Từ những diễn biến này, nhiều người tỏ ra lo ngại về một đợt rút ròng thứ 2 như đã từng xảy ra trong 2 quý đầu năm, từ đó ảnh hưởng đến sức bền của các chỉ số thị trường. Thế nhưng, theo ý kiến của một số chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài bởi định giá hấp dẫn.
Hiện, chỉ số P/E của Việt Nam đang ở mức 11,5 lần, thấp hơn nhiều thị trường khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore... Mỗi quốc gia có những đặc thù riêng, cũng như sức mạnh tài chính không giống nhau. Tuy nhiên, khi có sự chênh lệch lớn về định giá giữa các thị trường chứng khoán, đây là cơ sở cho các quỹ đầu tư chỉ số quan tâm, xem xét giải ngân.
Thực tế, trong tháng 8 vừa qua, không phải quỹ ngoại nào cũng bán ròng, mà vẫn có quỹ đi ngược xu thế là Vaneck Vector Vietnam ETF (VNM ETF) đã hút ròng 7,1 triệu USD và cũng là tháng hút vốn thứ 3 liên tiếp. Thống kê cho thấy, tính chung trong 3 tháng gần nhất, VNM ETF đã giải ngân vào chứng khoán Việt Nam khoảng 18 triệu USD (khoảng 420 tỷ đồng).
Cũng trong tháng 8, số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài mở mới là 229, cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào tháng 2 tới nay. Từ những điểm sáng này có thể thấy, dòng tiền ngoại có thể đang chờ đợi một cơ chế thông thoáng hơn để giải ngân chứ không "tháo chạy".
Minh Khuê