Sau một tuần mưa lũ triền miên, TP Đông Hà lần đầu tiên hửng nắng trong sáng 22/10. Hai bên đường Trường Chinh, người dân xếp hàng dài. Những đôi mắt buồn thăm thẳm nhìn theo các chuyến xe chở linh cữu rời thành phố.
Lễ truy điệu 22 quân nhân hy sinh tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 được tổ chức trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và đông đảo người dân. 22 linh cữu được đưa về địa phương để tổ chức tang lễ tại nhà. Chuyến về quê cuối cùng của những người lính quả cảm diễn ra giữa mênh mông nước lũ.
Đau thương chồng chất
Mấy ngày nay, bà Hoàng Thị Ngọc Hà, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân TP Đông Hà, thường xuyên có mặt trước cửa Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị. Bà muốn có mặt xem mình có thể giúp được gì cho thân nhân các liệt sĩ.
"Những ngày chuẩn bị cho tang lễ, tôi về đây, chứng kiến cảnh người thân vật vã, đau đớn, cảm giác mình cũng giống như người thân của họ, rất muốn chạy lại ôm lấy họ để chia sẻ", bà Hà xúc động nói.
Chưa đầy 10 ngày trước, những người dân Quảng Trị như bà Hà còn rúng động trước vụ tai nạn xảy ra tại Thừa Thiên - Huế làm 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Mấy ngày sau, tin dữ lại từ Hướng Hóa báo về. Đau thương chồng chất.
Trong lễ viếng, bà Hà cùng Đoàn luật sư tỉnh Quảng Trị làm lễ dâng hương, đi vòng quanh các linh cữu lần cuối. 22 chiếc quan tài và 22 hàng gia quyến. Hiếm có lễ tang nào mà lối đi dành cho khách viếng lại dài đến vậy.
"Lúc đi qua 2 hàng linh cữu, tôi rùng mình, đau đớn vì chưa bao giờ chứng kiến nhiều người chết như rứa. Cảnh tượng quá tang thương", nguyên cán bộ viện kiểm sát chia sẻ.
Trong số 22 liệt sĩ có thượng úy Lê Hải Đức (Đồng Hới, Quảng Bình) là người họ hàng của bà Hà. Anh ra đi bỏ lại người vợ trẻ và một đứa con thơ.
"Nói về nỗi vất vả, hy sinh của các chú bộ đội thì tôi quá thấu hiểu. Nó xuất phát từ gia đình tôi mà ra. Bố tôi cũng từng công tác tại Cục Biên phòng Quân khu 4, ông đã nhiều lần vào sinh ra tử", bà Hà chia sẻ.
Khi người Quảng Trị sát lại
Xế trưa, TP Đông Hà ngày đầu tiên có nắng sau cả tuần trời xầm xì, mưa liên miên. Bà Hậu bảo đấy là trời đồng cảm, thương xót những người con hy sinh vì Tổ quốc.
"Từ khi nghe tin, ngày nào tôi cũng khóc. Tôi cũng là một người mẹ nên thương họ lắm. Tiễn đưa họ giống như là tiễn đưa các con, các cháu của mình", bà Lê Thị Hậu nghẹn ngào chia sẻ.
Bà Lê Thị Hậu cùng nhiều người dân TP Đông Hà dõi theo chuyến xe chở linh cữu liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Tân.
Những người dân Quảng Trị đã cùng nhau trải qua nhiều ngày mưa lũ rất gian khó. Trong hoàn cảnh nước lũ chia cắt, người dân ở nơi khô ráo gói ghém hàng hóa chuyển đến nơi ngập lụt.Bà Hậu là giáo viên về hưu, nhà ở Đông Hà. Cũng như nhiều người dân địa phương khác, dù không có quen biết hay có họ hàng với các liệt sĩ, bà vẫn muốn hiện diện trong giờ phút tiễn đưa.
Lực lượng quân đội với vai trò tuyến đầu, đã không quản ngày đêm, sẵn sàng lên đường ứng cứu người dân trong cơn hồng thủy. Trong cái đêm thảm nạn của 22 chiến sĩ Đoàn 337, họ cũng vừa trở về đơn vị sau một ngày dài đi giúp dân chống lũ.
Đông Hà nắng thì có thể ở Hướng Phùng, Hướng Hóa - nơi Sư đoàn 337 đóng quân - vẫn đang mưa. Đó là một nơi thưa dân, triền miên lũ quét, sạt lở, nhưng cũng là vùng phên dậu của Tổ Quốc. Dù khó khăn, nguy hiểm, những người lính vẫn phải bám trụ để giữ lấy mảnh đất quê hương.
"Ở đâu cũng là xây dựng Tổ quốc cả thôi. Nhưng mình được ở thành phố là do có những người trên nớ lo giữ đất, lao động sản xuất", người phụ nữ sống tại Đông Hà ngậm ngùi nói.
Chiều 22/10, khi đoàn xe Kamaz đưa 22 liệt sĩ rời TP Đông Hà về quê hương, những ánh mắt dõi theo đầy day dứt.