Như báo Thời báo Kinh Doanh đã đưa tin, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chuyển đổi 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công với mục tiêu khởi công vào tháng 8/2020.
Thách thức bài toán huy động vốn
Trước đề xuất này, dư luận đặt ra câu hỏi, liệu 8 dự án đầu tư công này có thể thực hiện mục tiêu khởi công đúng hạn hay không khi còn rất nhiều thách thức đặt ra? Trước đó, các dự án này đã được Bộ GTVT huỷ đấu thầu quốc tế để dành cho nội lực quốc gia theo PPP.
Theo PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN, sau khi Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế, điều chỉnh và mời sơ tuyển đấu thầu trong nước cho dự án cao tốc Bắc - Nam, rõ ràng đây là cơ hội cho nhà đầu tư “nội” thể hiện lòng tự tôn dân tộc và niềm tự hào khi được tham gia xây dựng công trình quan trọng Quốc gia. Tuy nhiên, hình thức này sẽ xảy ra hai thách thức lớn đối với các nhà đầu tư trong nước là thể chế về phương thức đối tác công - tư chưa hoàn chỉnh và khó khăn về huy động vốn tín dụng.
Về mặt thể chế, văn bản pháp luật cao nhất điều chỉnh hoạt động này hiện đang có hiệu lực mới ở cấp Nghị định, trong khi đó Luật về PPP đang được tập trung xây dựng.
Liên quan đến thách thức huy động vốn tín dụng, ông Trần Chủng cho rằng hệ thống ngân hàng thương mại nhiều lần lên tiếng không ưu tiên cho vay dài hạn. Đồng thời, ngân hàng cũng phát đi thông điệp rằng hạn mức cho vay trong lĩnh vực BOT đã chạm ngưỡng tối thiểu về hệ số an toàn vốn. Như vậy, nếu không có mô hình đa dạng trong việc huy động vốn thì bài toán huy động vốn để triển khai 8 dự án cao tốc Bắc - Nam đang là thách thức mấu chốt nhất.
Chính phủ đề xuất chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang đầu tư công (Ảnh: Internet) |
“Nếu nói việc Chính phủ đề xuất lên Quốc hội cho chủ trương chuyển toàn bộ các dự án cao tốc Bắc - Nam từ phương thức PPP sang đầu tư công sẽ giải được bài toán khó là vốn và nhà đầu tư, theo tôi giải pháp đó chỉ đúng một phần”, ông Trần Chủng cho hay.
Vị PGS.TS đồng ý với đề xuất của Chính phủ chi vốn đầu tư công cho một số dự án hạ tầng giao thông có khả năng kích hoạt được cầu của nền kinh tế, giải quyết được một phần khó khăn về vốn của các nhà đầu tư nhưng nên chọn một số dự án chứ không phải toàn bộ các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Giảm bớt sức ép
Trong giai đoạn hiện nay, vốn ngân sách cũng đang cần cho nhiều nhiệm vụ mới xuất hiện từ đại dịch Covid-19 và hướng tới giảm nợ công thì đầu tư theo phương thức PPP vẫn là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển đất nước. Thực tế vừa qua, đã có nhiều nhà đầu tư hợp lực và đã vượt qua sơ tuyển một số dự án cao tốc Bắc - Nam.
Ông Trần Chủng chia sẻ, Hiệp hội cũng đã nhận được các đề xuất của các nhà đầu tư cho tiếp tục triển khai theo phương thức PPP đối với các dự án thành phần như: Mỹ Thuận - Cần Thơ; Dầu Giây - Phan Thiết; Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.
Vì vậy, thay mặt Hiệp hội, PGS.TS Trần Chủng kiến nghị các dự án trên nên tiếp tục thực hiện theo phương thức PPP và các dự án còn lại, do lý do về an ninh quốc gia, an ninh môi trường hoặc lý do kinh tế khác, Nhà nước chuyển qua hình thức đầu tư công.
Việc lựa chọn nhà thầu trong thi công xây dựng có thể thông qua hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Mục đích cuối cùng là chọn được nhà thầu thi công có đầy đủ năng lực về con người, thiết bị và kinh nghiệm để có thể làm ra một sản phẩm xây dựng đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ với giá cả phù hợp.
Một số chuyên gia cho rằng nên lựa chọn dự án để chuyển sang đầu tư công (Ảnh: Internet) |
Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 tại Điều 22 đã quy định về chỉ định thầu đối với các gói thầu cấp bách.Trong trường hợp này cần triển khai nhanh góp phần kích hoạt sự phát triển nền kinh tế, nếu không sẽ mất cơ hội khi phải giành quá nhiều thời gian cho những công tác chuẩn bị.
Có lẽ bị “dị ứng” nhiều năm với công tác đấu thầu theo phương thức “đấu giá” hay “quân xanh, quân đỏ” nên GS.TS Trần Chủng ủng hộ phương thức “Chỉ định thầu đối với một số gói thầu cấp bách vì các mục tiêu an ninh và các mục tiêu kinh tế nhất là giai đoạn hiện nay”.
Theo ông Trần Chủng, chỉ định thầu trong các trường hợp này tiết kiệm được thời gian, kinh phí, nhân lực cho công tác đấu thầu. Tuy nhiên, các nhà thầu được chọn phải chịu áp lực trước sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước, cộng đồng. Hơn nữa, áp lực còn tới từ chính các đối thủ nếu như có phương thức đấu thầu. Vì vậy quá trình này cần công khai, minh bạch.
Còn nếu tiếp tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu để tạo sự cạnh tranh bình đẳng, thì phải kiểm soát được tình trạng đấu giá, ép giá, ép tiến độ...Hậu quả của thực trạng này là chất lượng công trình kém. Vì vậy, việc quan trọng cần khắc phục đó là việc quản lý sau đấu thầu.
"Phải gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức lựa chọn nhà thầu cả trong giai đoạn sau đấu thầu, chúng ta mới hy vọng cắt được căn bệnh “nan y” này của các dự án đầu tư công”, ông Trần Chủng nhấn mạnh.
Minh Sơn