Đề xuất CSGT bụng to không được ra đường làm nhiệm vụ

Admin

30/09/2020 08:24

Lãnh đạo Cục CSGT cam kết nâng cao năng lực của chiến sĩ khi dự luật mới được thực thi. Trong đó, CSGT làm nhiệm vụ trên đường sẽ được rà soát sức khỏe, năng lực.

Chiều 29/9, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) thông tin về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hiện, dự thảo luật này đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét.

Theo Cục CSGT, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, đồng thời gắn trách nhiệm của Bộ Công an trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về an toàn giao thông.

CSGT bụng to sẽ không được ra đường làm nhiệm vụ

"Vòng 2 mà to là không có ra đường. Dứt khoát phải chọn người khỏe để phục vụ nhân dân", đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định.

Cam kết chịu trách nhiệm về an toàn giao thông

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quản lý 2 lĩnh vực gồm an toàn giao thông và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó, việc phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Điều này dẫn đến không thể quy định đầy đủ, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả 2 lĩnh vực.

Do vậy, việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đặt yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và tài sản của người tham gia giao thông lên một tầm quan trọng hơn nữa.

Giới thiệu về dự luật mới, vị lãnh đạo Cục CSGT cho biết dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên nguyên tắc đặt con người là trung tâm, nhằm điều chỉnh hành vi con người. Các chính sách được quy định dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với Công ước Vienna năm 1968 về giao thông đường bộ.

Quá trình thực hiện, Cục CSGT cho biết cơ quan này đã tham khảo đánh giá của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Campuchia, Hà Lan... để có những giải pháp và tiếp thu phù hợp.

CSGT bung to khong duoc ra duong anh 1


Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Lấy ví dụ việc quy định trẻ em phải ngồi ghế sau trên ôtô nhằm đảm bảo an toàn, ông Bình cho biết thời gian đầu, CSGT sẽ tập trung nhắc nhở, nếu thấy trẻ dưới 12 tuổi ngồi ghế trước thì phải mời xuống ghế sau.Phó cục trưởng Cục CSGT khẳng định các yếu tố mới được đưa vào dự thảo luật trước hết để người dân hình thành văn hóa, sau đó mới đến các quy định xử phạt. Không có việc luật ra là chỉ hướng đến xử phạt.

“Đây là sự nhân văn, giúp hình thành thói quen. Như chúng tôi tham khảo, các chuyên gia Nhật Bản cho biết phải mất 50 năm từ khi xác định tai nạn giao thông là chiến tranh giao thông họ mới có thể xây dựng được văn hóa giao thông cho người dân”, đại tá Bình chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của Zing về cam kết của Cục CSGT khi thực thi luật, vị lãnh đạo Cục CSGT nhấn mạnh Bộ Công an cam kết chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về an toàn giao thông.

“Ngay cả lực lượng CSGT cũng phải cam kết nâng cao năng lực của mình. Chúng tôi dự kiến ngay cả chiến sĩ có vòng 2 to sẽ không được cho ra đường; đồng thời Cục CSGT sẽ kiểm tra kiến thức từng cán bộ”, ông Bình nói.

Không vũ trang hóa nhiệm vụ của dân sự

Trước câu hỏi của Zing liên quan đến việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe khi chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an liệu có phải “bình mới, rượu cũ”, lãnh đạo Cục CSGT khẳng định sẽ có những thay đổi mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế còn tồn tại.

Theo đó, Bộ Công an sẽ chú trọng nghiên cứu, bố trí lại chương trình đào tạo theo hướng ngắn gọn, đảm bảo tối ưu thời gian, tài chính cho người học. Quản lý chặt chẽ việc tổ chức thực hiện của cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, học viên được lựa chọn hình thức đào tạo và trung tâm sát hạch. Căn cứ chất lượng đào tạo, sẽ có hướng xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch không đủ điều kiện.

Vị lãnh đạo Cục CSGT bác bỏ các ý kiến cho rằng việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an là “vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự”.

Theo ông Bình, cần phải nhận thức đầy đủ nghị quyết số 17 của Ban chấp hành Trung ương khóa X. Đối với những nhiệm vụ liên quan đến quản lý kinh tế - kỹ thuật đơn thuần mà các ngành dân sự thực hiện được thì việc chuyển giao là phù hợp, còn đối với các nhiệm vụ liên quan đến quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự thì phải do Bộ Công an quản lý.

Đối với công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Cục CSGT phân tích đây là quản lý hành vi của người lái xe tham gia giao thông, quyết định đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Hơn 10 năm qua, TNGT đường bộ làm chết gần 102.000 người, hàng trăm nghìn người bị thương tật suốt đời, trong đó nguyên nhân là lỗi của người điều khiển phương tiện chiếm trên 90% tổng số nguyên nhân các vụ tai nạn.

“Do vậy, không có việc vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự như một số ý kiến nêu ra, mà quan trọng là chúng ta thay đổi để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và vì mục tiêu chung, vì lợi ích của người dân, của đất nước”, vị lãnh đạo Cục CSGT thông tin.