Đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc

Admin

07/10/2020 11:35

Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc có thể hoạch định chiến lược, kế hoạch dài hạn, tổ chức các hoạt động, giám sát, đôn đốc đơn vị thực hiện văn hóa đọc.

Đây là ý kiến được ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đưa ra tại buổi báo cáo chuyên đề "Hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc: Thách thức - cơ hội và những kiến nghị, công việc cần làm", được tổ chức tại NXB Trẻ TP.HCM, sáng 6/10.

van hoa doc anh 1

Người Việt ít đọc sách. Ảnh: Việt Hùng.

Tỷ lệ đọc thấp khiến thị trường tiêu thụ sách kém

Việt Nam có 97 triệu dân nhưng mỗi năm chỉ tiêu thụ 440 triệu bản sách, trong đó có đến 300 triệu bản là sách giáo khoa và giáo trình (số liệu năm 2019 của Cục Xuất bản, In và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông).

Như vậy, trừ số sách giáo khoa, mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc 1,4 cuốn sách/năm. Trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao nhất thế giới, Đông Nam Á có 3 đại diện góp mặt là Singapore, Indonesia, Malaysia.

Ông Lê Hoàng cho biết để phát triển văn hóa đọc, Indonesia quy định các trường học dành 15 phút đầu giờ cho học sinh đọc sách. Ở Hàn Quốc, phụ huynh luôn dành thời gian đọc sách cùng con, ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút.

Những điều này tác động rõ rệt đến doanh thu ngành xuất bản. Doanh thu bán sách của Việt Nam chỉ khoảng 2 USD/người/năm. Con số này ở Thái Lan là 10 USD/người/năm, gấp 5 lần Việt Nam, trong khi dân số của họ chỉ hơn 1/2 dân số nước ta.

Theo Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên nhân người Việt ít đọc sách là do không được hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ. Chúng ta thiếu các tiết đọc sách trong khung thời khóa biểu chính thức của nhà trường. Gia đình thiếu quan tâm, không hình thành thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ. Các nhà xuất bản, công ty sách cũng chưa quan tâm đến thị trường sách và phát triển văn hóa đọc.

"Văn hóa đọc của người Việt thấp thì chắc chắn bức tranh về thị trường tiêu thụ sách cũng không thể sáng sủa", ông Lê Hoàng khẳng định.

van hoa doc anh 2

Ông Lê Hoàng cho rằng các đơn vị xuất bản, cơ quan ban ngành cần tích cực hơn nữa trong công tác phát triển văn hóa đọc. Ảnh: M.N.

Nhiều đề xuất phát triển văn hóa đọc

Để phát triển văn hóa đọc, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều quyết định, chỉ thị, thông tư để đẩy mạnh, phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội.

Văn hóa đọc đã được đề cập trong Luật Thư viện, Điều lệ trường học. Nhưng theo Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa mới hy vọng nâng cao được văn hóa đọc của người dân Việt Nam.

Ông Lê Hoàng kiến nghị thành lập Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc. Ủy ban này có thể gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia đầu ngành liên quan tới đọc, đại diện các tổ chức xã hội để đưa ra các chiến lược, kế hoạch dài hạn, tổ chức, quan sát, đôn đốc các hoạt động liên quan đến đọc sách. Ủy ban có thể trực thuộc Chính phủ, do một Phó thủ tướng phụ trách.

Ngoài ra, ông đề xuất tổ chức khảo sát, nghiên cứu định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc sách trong xã hội để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc.

Như đã làm được ở Luật Thư viện và Điều lệ trường học, ông Lê Hoàng kiến nghị bổ sung một điều khoản về phát triển văn hóa đọc vào Bộ luật Xuất bản sắp tới.

Xây dựng, hình thành văn hóa đọc từ gia đình cũng là điều cần quan tâm. Các cơ quan, ban ngành cần kích hoạt các giải pháp để mỗi gia đình xây dựng tủ sách và góc sách cho trẻ.

"Tôi thấy người ta khoe tủ rượu, dàn karaoke chứ chưa thấy ai khoe tủ sách. Tôi nghĩ chúng ta nên kiến nghị để Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem việc có tủ sách là một tiêu chí xếp loại gia đình văn hóa", ông Hoàng nói.

Ngoài ra, ông cũng mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm và đưa tiết đọc sách vào giờ học chính khóa ở tất cả cấp học trong nhà trường.