Hôm nay (7/3), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
BIDV là ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Đặc biệt, đại hội diễn ra không lâu sau khi Hà Nội công bố ca dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV- 2 (Covid-19).
Năm nay, BIDV tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên tại Trường Đào Tạo BIDV, 773 Hồng Hà, Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Về kết quả kiểm tra tư cách cổ đông, đại diện BIDV cho biết đại hội đủ điều kiện về số lượng cổ phần có quyền biểu quyết để tiến hành đại hội đồng cổ đông theo luật định.
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết trong bối cảnh Hà Nội có một ca dương tính mới nhưng đại hội vẫn phải diễn ra theo luật định. BIDV cũng đã có những biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn cho cổ đông tham dự đại hội cũng như đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Tại cuộc họp, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, theo đề nghị của BIDV, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã phê duyệt lại phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng của BIDV theo hướng tích cực hơn. Quyết định này ban hành ngày 27/2.
Năm 2020, ngân hàng dự kiến tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 9%; tín dụng tăng trưởng theo kế hoạch của NHNN, hiện nay là 9%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo BIDV, đây là kịch bản tích cực nhất khi chưa tính đến tác động của dịch bệnh Covid-19. Ngân hàng sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được ĐHĐCĐ giao, nhưng theo hướng linh hoạt, có thể sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông.
Ông Phan Đức Tú cho rằng năm 2020, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19; trong đó hoạt động ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng cũng chịu ảnh hưởng.
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận, BIDV cũng trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỉ đồng (tương ứng tăng 15,5%) lên 46.432 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ đông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành hơn 281,5 triệu cổ phiếu để trả toàn bộ cổ tức năm 2019, tương đương với mức chi trả là 7% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 7 cổ phiếu phát hành thêm). Thời gian phát hành dự kiến là trong quí III – IV/2020, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Lượng cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Đồng thời, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng gần 341,5 triệu cổ phần, tương đương 8,5% vốn điều lệ hiện tại. Giá phát hành sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo tuân thủ qui định pháp luật hiện hành. Thời gian chào bán dự kiến là trong giai đoạn 2020 – 2021, thời điểm cụ thể sẽ được giao cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của các đơn vị có thẩm quyền.
Ngoài hai phương án phát hành trên, BIDV đề xuất thực hiện phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành trái phiếu chuyển đổi phù hợp với tình hình thực tế.
HĐQT BIDV cũng đã trình ĐHĐCĐ thông qua việc bầu ông Lê Kim Hoà, Phó TGĐ BIDV và ông Trần Xuân Hoàng, Phó TGĐ BIDV giữ chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022
Trả lời cầu hỏi của cổ đông về hoạt động xử lí nợ xấu tại VAMC và tình hình kinh doanh 2 tháng đầu năm 2019 của ngân hàng, Chủ tịch BIDV cho biết đến cuối năm 2019, dư nợ tại VAMC là khoảng 9.300 tỷ đồng trong đó đã trích lập dự phòng 6.300 tỉ đồng. Trong những tháng đầu năm, BIDV đã tích cực trích lập dự phòng và đến thời điểm hiện tại ngân hàng đã hoàn tất mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC.
Về tình hình kinh doanh của ngân hàng trong những tháng đầu năm, Chủ tịch BIDV cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngân hàng đã đưa ra 8 ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất và cả ngành tài chính ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Theo đó, 2 tháng đầu năm, mọi hoạt động của BIDV diễn ra bình thường, trong đó huy động vốn giảm 1,6% và dư nợ tín dụng giảm gần 2%.
Theo ông Tú, sự suy giảm này là "phù hợp với xu hướng" do tính mùa vụ khách hàng ít vay vào tháng 1 - 2 do tâm lí Tết và ảnh hưởng rất mạnh từ dịch Covid-19 từ cả phía cung lẫn phía cầu.
Chênh lệch thu chi 2 tháng đầu năm ước đạt 5.700 tỷ đồng, hoàn thành 16,8% kế hoạch cả năm. Với kết quả này BIDV đã đảm bảo được hoạt động trích lập dự phỏng rủi ro và mua lại toàn bộ trái phiếu từ VAMC.
"Lợi nhuận đến thời điểm hiện tại đảm bảo kế hoạch đề ra nhưng do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên BIDV sẽ xây dựng kịch bản một cách tốt nhất để đảm bảo không bị động ở bất cứ tình huống nào", Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết.
Năm 2019, lợi nhuận trước thuế BIDV đạt 10.876 tỷ đồng, tăng 15,8% và vượt 5,6% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.665 tỷ đồng, tăng 15,8%.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản BIDV vượt mức 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13%, lên gần 1,117 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt gần 1,114 triệu tỷ đồng, tăng 12,6%. Tỉ lệ nợ xấu của BIDV giảm từ 1,9% tại thời điểm cuối năm 2018 xuống còn 1,74%.
Khánh Linh (t/h)