Siêu dự án của “ông trùm” xăng dầu trên quê hương
Ông Ngô Văn Phát là Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành (tập đoàn Phú Thành), thành lập năm 2012, có trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Ngoài ra, Phú Thành cũng tham gia khai thác mỏ với các gói thầu khoan nổ mìn, bốc xúc, vận tải tại mỏ Hà Ráng (Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Dự án có quy mô lớn nhất mà Tập đoàn này tham gia là khu đô thị, du lịch sinh thái Cồn Vành - Cồn Thủ và quy hoạch cảng Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải (Thái Bình) với diện tích hơn 3.000 ha.
Phối cảnh "siêu" dự án khu du lịch, đô thị Cồn Vành - Cồn Thủ ở Tiền Hải, Thái Bình rộng hơn 3.000ha, tổng giá trị đầu tư 3.500 tỷ đồng (nguồn ảnh: Internet)
Đánh giá về quy mô của dự án này, ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình - nhấn mạnh, khu đô thị, du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ là một trong hai điểm nhấn quan trọng về đô thị hiện đại hướng biển kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp trong khu Kinh tế Thái Bình. Dự án được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ là điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn của cả vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
“Siêu” dự án casino, khách sạn nghỉ dưỡng, cảng biển của đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát có mức đầu tư lên tới gần 7.800 tỷ đồng, trong đó khu du lịch, đô thị Cồn Vành – Cồn Thủ trị giá 3.500 tỷ đồng, dự án khu Cảng Ba Lạt 4.300 tỷ đồng.
Dấu hỏi về năng lực tập đoàn Phú Thành
Tại quê hương Thái Bình của “ông trùm” xăng dầu, Công ty này cũng là một đơn vị thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình (đường 221A) với tổng mức đầu tư hơn 730 tỷ đồng; Dự án công trình cải tạo, mở rộng đường đê 5 (đoạn từ đường ĐT.462 xã Nam Hưng đến Cống Khống), ở huyện Tiền Hải.
Ngoài ra, tập đoàn Phú Thành còn tham gia nhiều dự án xây dựng lớn tại các tỉnh khác như: Công trình xây lắp thiết bị công trình trục giao thông chính và một số hạng mục hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn 3 (); Dự án trung tâm thương mại DABACO ở Quế Võ (Bắc Ninh); Dự án xây dựng cải tạo đường ĐT. 280 đoạn An Quang – Đông Bình (Gia Bình, Bắc Ninh); Gói thầu kênh hở, cống hộp 4.400x4.400 và hệ thống cống hộp 2.900x2.900, hệ thống nước làm mát dự án nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 ()…
Tham gia những dự án “khủng” như vậy, nhưng một điều đáng lưu ý, theo tìm hiểu của PV Đời sống & Pháp luật, tập đoàn Phú Thành có quy mô rất khiêm tốn. Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Tập đoàn này chỉ khoảng 163 tỷ đồng, đến tháng 6/2020 bất ngờ tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn những năm gần đây cũng sa sút mạnh. Năm 2016, Phú Thành đạt gần 200 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 650 triệu đồng. Đến năm 2017 thì chỉ còn lãi 80 triệu đồng, năm 2018 nhích lên 430 triệu đồng rồi bất ngờ lỗ 11,6 tỷ đồng vào năm 2019.
Từ kinh doanh xăng dầu đến ông chủ 13 công ty “ma”
Ông Ngô Văn Phát sinh năm 1964 tại xã Nam Hưng (Tiền Hải, Thái Bình), là con trai thứ hai trong gia đình có 6 anh em, bố là giáo viên, mẹ làm nông nghiệp. Sau khi chia tay vợ đầu, ông Phát cưới người vợ thứ hai ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và làm nghề mua xăng dầu, sửa chữa máy ở khu vực Sở Dầu (Hải Phòng) từ những năm 2004. Từ đó, ông này nhanh chóng phất lên, trở thành đại gia trong lĩnh vực xăng dầu khoảng gần chục năm trở lại đây.
Chân dung đại gia Ngô Văn Phát (Phát "dầu") - Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Thương mại Xăng dầu Phát - Petraco, Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành
Theo thông tin từ cục Thuế Hải Phòng, qua rà soát ban đầu cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2018, ông Ngô Văn Phát đã thành lập 14 doanh nghiệp, hầu hết đều hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu.
Điều đáng nói, cho đến nay chỉ còn một công ty hoạt động là công ty Cổ phần Thương mại Xăng dầu Phát - Petraco (gọi tắt là công ty dầu Phát) trên địa bàn huyện An Dương (Hải Phòng). Ông Ngô Văn Phát giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty, với ngành nghề hoạt động chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí, khai thác quặng sắt, cát, sỏi, đất sét, bán buôn kim loại và quặng kim loại, kinh doanh bất động sản…
13 công ty còn đã dừng hoạt động với lý do người nộp thuế của các công ty này không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký hoặc ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Đáng lưu ý, giống như tập đoàn Phú Thành, công ty dầu Phát có kết quả khá khiêm tốn. Lợi nhuận của Công ty này vào năm 2016 là từ 2,7 tỷ đồng, năm 2018 sa sút còn 60 triệu đồng, năm 2019 thậm chí chỉ còn con số khó tin là 500.000 đồng.
Đây là lý do mà trước khi bị bắt, đại gia Phát “dầu” đã khiến không ít người cảm thấy khó hiểu về nguồn tiền ông có để tham gia các dự án “khủng” và xây dựng hai dinh thự có kiến trúc kiểu lâu đài phương Tây trị giá hàng trăm tỷ đồng tại quê hương hai vợ chồng là Thái Bình và Hải Phòng.
Cận cảnh căn nhà như tòa lâu đài nguy nga của đại gia Phát “dầu” tọa lạc tại đường Lê Hồng Phong, TP.Hải Phòng
Và đây là toà lâu đài của vị đại gia xăng dầu tại quê hương Thái Bình
Được biết, hiện cục Thuế TP.Hải Phòng đã chuyển hồ sơ 14 công ty liên quan tới ông Phát “dầu” lên tổng cục Thuế (bộ Tài chính) và giao cho cơ quan công an để phục vụ điều tra.
Từ ngày 4-7/9/2020, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 113/QĐ-CATN(KT), khởi tố bị can đối với ông Ngô Văn Phát (SN 1964, trú nhà số 60 Trần Quang Khải, quận Hồng Bàng, Hải Phòng; Chỗ ở: Số 9 đường Lê Hồng Phong, quận Hải An, Hải Phòng) và 6 đồng phạm về Tội mua bán bán trái phép hóa đơn theo điều 203 bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017). Cơ quan chức năng cũng bắt giam ông Phát và tiến hành khám xét nhà riêng của ông này ở Hải Phòng, cuộc khám xét kéo dài từ chiều 8/9 đến rạng sáng ngày 9/9, thu giữ nhiều tài liệu và một lượng lớn tiền mặt.