Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Admin

18/01/2025 16:11

(ĐTCK) Bên cạnh diễn biến tích cực của thị trường chung, các cổ phiếu được khuyến nghị đều giao dịch khởi sắc. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VCB, CTG, MBB, TCB

Kỳ vọng nợ xấu toàn ngành đã đạt đỉnh trong quý III/2024 khi các thông tin vĩ mô tiêu cực đã được phản ánh và dự báo xu hướng giảm vào quý II/2025 (nợ xấu phân khúc tiêu dùng cá nhân và bất động sản đã giảm trong quý III/2024). Ngoài ra, phần lớn các ngân hàng sẽ tập trung củng cố bộ đệm dự phòng trong năm 2025, gia tăng tỷ lệ LLR trên mức 90% vào năm 2025, cao hơn nhiều so với mức LLR bình quân ngành 2024 là 75-85%. Chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VCB, CTG, MBB và TCB.

Mặc dù chưa trở thành điểm tựa giúp thị trường tăng tốc, nhưng gần đây nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung đã có những phiên tăng nhẹ. Điển hình như cổ phiếu VCB trong phiên 16/1, sau thông tin Ngân hàng duyệt phương án chia cổ tức, mã này đã ghi nhận phiên tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đều trong biên độ hẹp, tổng cộng giá cổ phiếu VCB tăng 1.100 đồng (+1,2%) từ mức 91.400 đồng/CP lên 92.500 đồng/CP.

Tương tự, cổ phiếu MBB cũng có tuần tăng nhẹ. Cụ thể, với 4 phiên tăng và 1 phiên vào ngày 14/1, tổng cộng giá cổ phiếu MBB tăng 350 đồng (+1,65%) từ mức 21.150 đồng/CP lên 21.500 đồng/CP.

Cổ phiếu TCB có thanh khoản sôi động và diễn biến khởi sắc hơn về giá. Cụ thể, cũng với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày 14/1, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu TCB tăng 1.000 đồng (+4,27%) từ mức 23.400 đồng/CP lên 24.400 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu CTG ghi nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, nhưng tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu CTG giảm nhẹ 300 đồng (-0,8%) từ mức 37.500 đồng/CP xuống 37.200 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FPT

Sự hỗ trợ của Chính phủ tập trung vào phát triển hạ tầng số, chất bán dẫn, AI và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Chúng tôi khuyến nghị tích cực nhóm công nghệ đối với cổ phiếu FPT, với giá mục tiêu là 160.000 đồng/CP.

Dù chịu áp lực bán khá mạnh từ nhà đầu tư ngoại khi bị bán ròng tới 800 tỷ đồng trong tuần, nhưng cổ phiếu FPT vẫn hồi phục thành công sau tuần điều chỉnh nhẹ trước đó. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 14/1, tổng cộng giá cổ phiếu FPT tăng 1.700 đồng (+1,15%) từ mức 147.300 đồng/CP lên 149.000 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CSM

Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CSM với giá mục tiêu 18.200 đồng/CP. Vùng hỗ trợ/Điểm mua 1 là 13.700 – 14.300 đồng/CP, Vùng hỗ trợ/Điểm mua 2 là 12.600 – 13.100 đồng/CP.

Không nằm ngoài dự báo của KBSV, cổ phiếu CSM đã có tuần giao dịch hồi phục tích cực, đặc biệt là phiên bùng nổ ngày 16/1. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu CSM tăng 900 đồng (+6,3%) từ mức 14.300 đồng/CP lên 15.200 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DHC

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu của CTCP Đông Hải Bến Tre (mã DHC) với giá mục tiêu 42.500 đồng/CP, tương đương upside 19% (theo giá tham chiếu ngày 15/01/2025, đã bao gồm tỷ suất cổ tức 3%), với phương pháp DCF và P/E (giả định chưa có nhà máy Giao Long 3).

Cổ phiếu DHC đã có những phiên hồi phục sau tuần điều chỉnh giảm đầu tiên của năm mới 2025. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DHC tăng 850 đồng (+2,35%) từ mức 36.150 đồng/CP lên 37.000 đồng/CP.

* MBS và DSC khuyến nghị khả quan cổ phiếu KBC, DSC khuyến nghị mua HHV

MBS khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu KBC với giá mục tiêu giảm 10% so với báo cáo trước do kết hợp các yếu tố: pháp lý các dự án KCN và BĐS bị chậm tiến độ, kéo theo lợi nhuận ròng 2025-2026 dự kiến giảm 41%/42% so với báo cáo trước, thay đổi phương pháp định giá dự án Tràng Cát sang DCF (định giá tăng 25,4%), bổ sung phương án phát hành riêng lẻ 250 triệu CP theo kịch bản cơ sở (giá phát hành 22.000 đồng/CP).

Theo DSC, luận điểm đầu tư dành cho cổ phiếu HHV, đó là về mảng kinh doanh BOT: Lành mạnh và kỳ vọng tăng trưởng. HHV đang sở hữu và vận hành 8 trạm thu phí BOT đem về dòng tiền ổn định cho doanh nghiệp; năng lực thi công cao, backlog “dư dả”…

Đối với VCG, là doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam với quy mô tài sản lớn và năng lực thi công thi công cao đã được chứng minh qua hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà ga hành khách T2 Nội Bài… Trong bối cảnh hoạt động đầu tư công ngày càng được đẩy mạnh, VCG sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi và có lợi thế cạnh tranh trong việc đấu thầu các dự án lớn…

Không nằm ngoài nhận định của các công ty chứng khoán, cổ phiếu KBC đã có tuần giao dịch khởi sắc bên cạnh những thông tin tích cực về KCN Tràng Duệ 3 và Khu đô thị Tràng Cát được cấp đăng ký đầu tư. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu KBC tăng 1.550 đồng (+5,48%) từ mức 28.300 đồng/CP lên 29.850 đồng/CP.

Bên cạnh KBC, cổ phiếu đầu tư công khác là HHV cũng có tuần giao dịch khởi sắc với những thông tin đáng chú ý như việc mua thêm 2 dự án cao tốc 23.000 tỷ đồng, cùng dự báo lợi nhuận 2025 cao kỷ lục. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu HHV tăng 1.050 đồng (+9,09%) từ mức 11.550 đồng/CP lên 12.600 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM

Chúng tôi giảm 5% giá mục tiêu dành cho VNM nhưng nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua. Giá cổ phiếu của VNM điều chỉnh gần 12% trong 4 tháng qua đã đưa định giá của công ty lên mức hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2025 là 15 lần, thấp hơn 2 độ lệch chuẩn so với P/E trượt trung bình 10 năm là 19 lần.

Cổ phiếu VNM lình xình đi lên sau 2 tuần điều chỉnh giảm liên tiếp. Cụ thể, với 5 phiên tăng trong suốt cả tuần, tổng cộng giá cổ phiếu VNM tăng nhẹ 700 đồng (+1,14%) từ mức 61.300 đồng/CP lên 62.000 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DRC

Chúng tôi nâng khuyến nghị đối với CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) từ phù hợp thị trường lên khả quan nhưng giảm 6% giá mục tiêu còn 31.700 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu giảm 17% trong 4 tháng qua dẫn đến bội số giá cổ phiếu/dòng tiền hoạt động năm 2025 đạt 18,0 lần, thấp hơn 16% so với mức trung bình 6 năm của công ty là 21,3 lần.

Cổ phiếu DRC đã đảo chiều hồi phục thành công sau những tuần giảm liên tiếp từ cuối tháng 12/2025, dù mức tăng còn khá hạn chế. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu DRC tăng 550 đồng (+2%) từ mức 27.400 đồng/CP lên 27.950 đồng/CP.

Bạn đang đọc bài viết "Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN.