Theo thông tin từ Công ty CP Điện lực TKV (HNX: DTK), ngày 24/4 tới đây công ty này sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2025, trong đó đề ra nhiều mục tiêu và những kế hoạch quan trọng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Theo đó, trong năm 2025, DTK đặt mục tiêu sản lượng điện sản xuất hơn 8.950 triệu kwh, doanh thu hơn 13.297 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với mức thực hiện năm 2024.
Tuy nhiên, trái ngược với tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mục tiêu mà DTK đặt ra trong năm 2025 chỉ hơn 680 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 70 tỷ đồng so với số thực hiện trong năm 2024. Trong đó, cổ tức chi trả dự kiến từ trên 3,5%, với mục tiêu trích tối đa quỹ đầu tư phát triển để tạo nguồn vốn đối ứng đầu tư cho dự án Nhiệt điện Na Dương II.

Công ty CP Điện lực TKV là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam. (Ảnh: DTK).
Cũng theo tài liệu đại hội cổ đông, doanh thu năm 2024 của DTK là hơn 13.089 tỷ đồng, đạt 93,17% kế hoạch, sản lượng điện 8.550 kwh, đạt 91,37% kế hoạch. Mặc dù vậy, trong kỳ DTK được bù đắp bởi một số nguồn thu lớn như việc tiết kiệm khoảng 155 tỷ đồng chi phí tài chính so với cùng kỳ, đã giúp DTK ghi nhận kết quả lợi nhuận khả quan hơn 750 tỷ đồng, vượt hơn 10% so với kế hoạch.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong năm 2025, DTK tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ như: đảm bảo vận hành ổn định các nhà máy, đẩy nhanh tiến độ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Na Dương II, nâng cao hiệu quả điều hành, vận hành...
Bên cạnh đó, các công tác nâng cao hiệu quả trong công tác đầu tư, đảm bảo tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật và từng bước nâng cao chất lượng người lao động, tăng cường hiệu quả điều hành lãnh đạo... cũng được xem là những giải pháp sẽ được DTK áp dụng trong năm 2025.
Với tư cách là một công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, vì vậy, hầu hết giao dịch của DTK đều thực hiện với các bên liên quan, trong đó hoạt động mua bán Than từ Công ty Kho vận Cảng Cẩm Phả (Đơn vị thành viên của TKV) chiếm tỉ trọng lớn với hơn 7.295 tỷ đồng. Ngoài ra, các giao dịch mua bán than với công ty con là Công ty CP Than điện Nông Sơn hơn 324 tỷ đồng.

Hình ảnh Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những đơn vị mà DTK góp vốn đầu tư.(Ảnh: QTP).
Về một số chỉ tiêu tài chính quan trọng khác của DTK, theo BCTC năm 2024 của DTK đã được kiểm toán, tại ngày 31/12/2024, DTK ghi nhận tổng tài sản hơn 15.531 tỷ đồng, giảm khoảng 970 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, chỉ tiêu quan trọng là tài sản cố định ghi nhận hơn 8.327 tỷ đồng, giảm hơn 1.150 tỷ đồng so với đầu kỳ. Bên cạnh đó, đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận hơn 1.224 tỷ đồng, đây là các khoản đầu tư vào các công ty con và công ty liên kết như: Nhiệt điện Na Dương, Nhiệt điện Cẩm Phả, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh...
Tại ngày cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu của DTK đạt hơn 8.524 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu hơn 6.827 tỷ đồng, với cổ đông góp vốn chính là Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam chiếm tới 99,27%.
Về hoạt động quản trị chi phí, trong năm 2024, DTK ghi nhận tổng chi phí hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn với hơn 9.000 tỷ đồng tăng hơn 1.240 tỷ đồng so với cùng kỳ, tiếp sau là chi phí khấu hao 1.318 tỷ đồng, chi phí nhân công 520 tỷ đồng, tăng hơn 35 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước...