‘Đoạn trường vinh hoa’ - nghệ thuật huy hoàng kết tinh từ nỗi đau

Admin

12/11/2020 08:46

Bộ phim đến từ đạo diễn Lê Mỹ Cường tái hiện trên màn ảnh một lát cắt bình dị, cảm xúc trong cuộc sống của những người nghệ sĩ cải lương tuồng cổ Nam Bộ.

review phim "Doan truong vinh hoa" anh 1

Chia sẻ trong sự kiện ra mắt phim Đoạn trường vinh hoa, đạo diễn Lê Mỹ Cường cho biết anh và cộng sự thực hiện bộ phim trong khoảng thời gian hơn một năm. Đoàn phim đã cùng gánh hát cải lương rong ruổi trên những nẻo đường Nam Bộ, ghi lại từng khoảnh khắc chân thực của các nghệ sĩ trong hai cuộc đời - trên sân khấu và sau cánh gà.

Kết quả của hành trình ấy là một bộ phim tài liệu dài 50 phút, xoay quanh nhịp sống của gánh cải lương tuồng cổ Phương Ánh với ngôi sao là nghệ sĩ Phương Anh - con gái bà. Gánh cải lương của nghệ sĩ Phương Ánh là cái tên đã quen thuộc với báo đài, cũng như người dân các tỉnh phía Nam, mỗi dịp địa phương có lễ hội.

Bộ phim tài liệu giàu tính điện ảnh

Đoạn trường vinh hoa mang đến cái nhìn giản dị, nhưng sâu sắc hơn về đoàn cải lương Phương Ánh so với những gì từng được ca ngợi trên mặt báo. Phim theo chân đoàn hát qua từng lần lưu diễn, đưa lên màn ảnh những khung hình bộn bề đồ đạc, hối hả mặt người đằng sau cánh gà.

review phim "Doan truong vinh hoa" anh 2

Hình ảnh hậu trường bộn bề đồ đạc của gánh hát thường xuyên xuất hiện trên phim. Ảnh: VTV.

Và rồi, từ những rối ren hậu trường ấy, người nghệ sĩ bước ra sân khấu, đẹp đẽ, lộng lẫy, xuất thần. Từ nghệ sĩ nghèo chật vật giữa đời thường, họ lột xác thành những ông hoàng bà chúa, nữ tướng hay kẻ phản nghịch trong tích cổ chỉ bằng một chớp mắt khi bước qua bức màn sân khấu mỏng manh.

Hình ảnh sân khấu và cuộc đời, ngăn cách bằng một bức trướng vải mỏng manh được nhắc đi nhắc lại trong Đoạn trường vinh hoa. Sự đối lập đến tận cùng giữa hai không gian ấy ít nhiều vận vào cuộc đời từng nhân vật trong phim. Cuộc đời họ có niềm vui đứng bên nỗi buồn, có nỗi cô đơn của cái tôi nghệ sĩ song hành với sự đồng cam cộng khổ cùng anh chị em trong đoàn, có phút huy hoàng trả giá bằng nỗi đau dai dẳng…

Nhưng sau tất cả, cải lương, hay rộng ra, nghệ thuật, vẫn là cái nghiệp mà họ quyết không từ bỏ. Biết khó nhưng vẫn làm, biết khổ nhưng quyết không dừng lại, họ cống hiến cho sân khấu trọn vẹn tâm sức, trí lực và cả cuộc đời. Đó chính là “nỗi đau huy hoàng” mà các nhân vật trong đoàn cải lương Phương Ánh, hay chính bản thân câu chuyện của đạo diễn Lê Mỹ Cường, truyền đạt tới khán giả.

Trong Đoạn trường vinh hoa, nhân vật được trao toàn quyền kể lại câu chuyện đời mình. Nhà làm phim không hề góp mặt trong tác phẩm để dàn dựng hay định hướng câu chuyện bằng cách đặt câu hỏi cho nhân vật trả lời theo cách các phim tài liệu truyền thống.

Đoạn trường vinh hoa, giống như thành công của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng hay Đi tìm Phong, mang dấu ấn của dòng phim tài liệu trực tiếp: chuyện phim hoàn toàn nương theo các sự kiện trong cuộc đời nhân vật. Bộ phim tài liệu ít nhiều mang không khí của một tác phẩm điện ảnh được dàn dựng công phu, thể hiện qua cách thiết đặt các góc máy hay dẫn dắt câu chuyện phát triển.

Nghệ thuật dân gian chỉ là đường dây câu chuyện

Đoạn trường vinh hoa là tác phẩm thuộc dự án VTV Đặc biệt của Đài truyền hình Việt Nam. VTV Đặc biệt là chuỗi phim tài liệu khai thác các vấn đề kinh tế, văn hóa, chính trị… nổi bật. Phim của Lê Mỹ Cường có thể là món ăn “quen miệng” với khán giả của dòng phim tài liệu độc lập, nhưng lại được đánh giá là nhiều phá cách so với mặt bằng chung của chuỗi chương trình truyền hình.

review phim "Doan truong vinh hoa" anh 3

Đoạn trường vinh hoa là bộ phim kể về những nỗi đau riêng một người nghệ sĩ phải đánh đổi để có những phút giờ thăng hoa trên sân khấu. Ảnh: VTV.

Chia sẻ với khán giả tại buổi ra mắt ở Hà Nội, đạo diễn trẻ cho biết VTV Đặc biệt thường nhắm tới những câu chuyện, nhân vật lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống văn hóa - chính trị. Tuy nhiên, với Đoạn trường vinh hoa, anh muốn kể câu chuyện về những con người bình dị với bộn bề nỗi lo cơm áo, mưu sinh.

Trong phim, tuồng cổ chỉ được sử dụng như đường dây dẫn dắt câu chuyện, thay vì là trái tim của tác phẩm. Nhịp sống của cải lương trong Đoạn trường vinh hoa là một vòng tròn khép kín, bắt đầu từ thời điểm đoàn diễn dọn dẹp đồ đạc sau buổi diễn, nghỉ ngơi, tập luyện vở mới, dựng sân khấu, biểu diễn và lặp lại.

Đó không chỉ là nhịp sống, vòng tuần hoàn của sân khấu cải lương, mà còn là vận mệnh những con người cống hiến cuộc đời mình cho môn nghệ thuật ấy. Bà sinh mẹ, mẹ sinh con, con sinh cháu… tất cả đều chung niềm đam mê với sân khấu. Họ không ngần ngại từ chối công ăn việc làm ổn định, một tương lai được bảo đảm, sống cuộc đời 6 tháng lưu diễn 6 tháng vật lộn mưu sinh để được cháy hết mình với sân khấu.

Trọng tâm của Đoạn trường vinh hoa không chỉ là những bức chân dung nghệ sĩ trên sân khấu mà là họ, khi tấm màn nhung đã hạ. Trong khi tình yêu với nghiệp diễn là thứ vẻ đẹp quyến rũ, nhưng có thể xa cách với khán giả đại chúng, thì những giọt nước mắt của tình mẫu tử, nét kiên quyết trên khuôn mặt người phụ nữ đang cố nén đau đớn để thu xếp chuyện gia đình trong tác phẩm lại dễ khiến khán giả đồng cảm, xót xa.

Bà bầu Phương Ánh, nghệ sĩ Phương Anh - con gái bà, và sau này là cả cháu trai bà chỉ là ba trong số hàng trăm, hàng nghìn cuộc đời đã bén duyên với nghệ thuật cải lương. Họ chính là đại diện cho những người nghệ sĩ chịu đựng những nỗi đau “đứt ruột” (đoạn trường) đằng sau sân khấu để bồi đắp nên vinh hoa của môn nghệ thuật truyền thống, duy trì sức sống của nó trong lòng xã hội hiện đại với hàng trăm hình thức giải trí mới.