Trong văn bản gửi Thủ tướng, VNREA và HoREA nhìn nhận, trong bối cảnh chung, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) bị ảnh hưởng nặng nề do việc thực hiện cách ly xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19.
Thị trường gặp khó kép
VNREA cho biết, do ảnh hưởng từ thủ tục hành chính năm 2019 vào năm 2020 tác động thêm bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở, hoạt động xây dựng và cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, làm ăn thua lỗ, nhiều doanh nghiệp bị giải thể.
Khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua nhà ở giảm sút mạnh trong khi áp lực thu hồi vốn đầu tư, lãi vay ngân hàng ngày càng lớn. Các công ty, sàn giao dịch BĐS giảm sút từ 60 - 70%, nhiều sàn giao dịch phải ngừng hoạt động.
Đối với các BĐS du lịch, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này giảm sút dự kiến lên đến gần 90%, phần lớn các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh BĐS trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê… bị đình trệ, gián đoạn. Hầu hết các cơ sở cho thuê văn phòng, thương mại phải giảm giá từ 30 - 50% tiền thuê trong thời gian chống dịch Covid-19.
BĐS công nghiệp, nông nghiệp được hình thành có quy mô lớn, công nghệ đầu tư, máy móc thiết bị đứng trước hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong xây dựng chuỗi hàng hoá dịch vụ, logistics phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đồng quan điểm, HoREA cho biết thị trường BĐS đã gặp khó khăn, vướng mắc từ hai năm 2018 và 2019, với hàng trăm dự án bị ách tắc. Nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền bị sụt giảm mạnh, giá nhà tăng, nay cộng thêm dịch bệnh khiến thị trường càng khó khăn bội phần.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 dẫn đến phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, làm cho thị trường BĐS bị đóng băng. Năm 2009, gói kích cầu đầu tư có giá trị khoảng 1 tỉ USD và điều chỉnh giảm dần lãi suất cơ bản đã giúp nền kinh tế và thị trường BĐS phục hồi.
Nhưng việc kích cầu đầu tư và phát triển nóng lại gây ra bong bóng BĐS năm 2010, dẫn đến việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ từ đầu năm 2011, làm cho thị trường BĐS bị đóng băng lần thứ hai.
Năm 2013, gói kích cầu tiêu dùng 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi và kéo theo sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực kinh tế.
Từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường BĐS trong hơn 10 năm qua cho thấy, thị trường BĐS có khả năng phục hồi rất nhanh.
“Doanh nghiệp BĐS không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, tạo nên cú hích cho nền kinh tế”, HoREA đề xuất.
Trước đó, hồi đầu tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã gặp gỡ các tập đoàn kinh tế tư nhân để lắng nghe chia sẻ những khó khăn và hiến kế của các doanh nghiệp này trong đại dịch Covid-19 (Ảnh: Chính phủ) |
Kiến nghị hỗ trợ tín dụng và thuế
Theo VNREA, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhất là gặp khó khăn về hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng hoặc thiệt hại của dịch bệnh để được hưởng chính sách tín dụng và thuế như công bố.
Theo đó, VNREA kiến nghị Chính phủ, về tín dụng, cần quy định cụ thể, chi tiết danh mục hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thực hiện việc xin hỗ trợ lãi suất theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến lĩnh vực thuế, dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng, vì vậy cần áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian công bố dịch.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong thời gian có dịch; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% thuế giá trị gia tăng trong thời hạn 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho cả quý III, IV/2020 và quý I, II/2021 như đã quy định cho quý I, II/2020, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, theo đó thời gian gia hạn là 12 tháng, cho phép miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.
Giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch và 12 tháng sau khi hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án, kế hoạch sản xuất đủ thời gian phục hồi.
Gửi kiến nghị đến Chính phủ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, gợi ý trước hết các doanh nghiệp BĐS sẽ tập trung vào thị trường nội địa, chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, nhất là căn hộ 1-2 phòng ngủ, nhà ở xã hội.
Mặt khác, cần chuẩn bị sẵn sàng hấp thụ làn sóng đầu tư nước ngoài, trong trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn với dịch Covid-19.
Cũng trong văn bản, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát và hướng dẫn ban hành “Quy trình chuẩn 4 bước” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp theo quy định pháp luật hiện hành, để thống nhất thực hiện. Trong đó, bước đầu tiên là lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Bước thứ hai là lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Bước thứ ba là lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Bước thứ tư là công nhận chủ đầu tư, cấp giấy phép xây dựng (chủ đầu tư được khởi công xây dựng), lập thủ tục xác định tiền sử dụng đất, cấp “số đỏ” dự án.
Hải Sơn