Theo số liệu từ của Trung tâm Internet Việt Nam, cả nước có hơn 70% dân số (khoảng 69 triệu người) sử dụng internet trong đó hơn 55 triệu người sử dụng mạng xã hội. Việc mạng xã hội phát triển mạnh cũng kéo theo xu hướng lan truyền thông tin với tốc độ nhanh chóng hơn bao giờ hết, bao gồm cả tin tốt và tin xấu. Đặc biệt, những thông tin mang tính bôi xấu thậm chí là vu khống doanh nghiệp được chia sẻ với tốc độ chóng mặt gây thiệt hại nặng nề cho các đơn vị bị nêu tên, kèm theo đó là thời gian, công sức để xử lý những tin đồn có chủ đích này.
Đáng nói, chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh bằng việc tung tin đồn thất thiệt ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp phải chịu thiệt hại nặng nề cả doanh thu và uy tín.
Năm 2014, tại các tỉnh miền Trung xuất hiện tin đồn thương hiệu bia Huda (sở hữu bởi Công ty Carlsberg VN) bị bán hoàn toàn cho Trung Quốc, những tin đồn thất thiệt kéo dài khoảng 3 năm (2012 - 2014) khiến DN thiệt hại gần 64 tỉ đồng, chưa kể những tác động xấu về mặt thương hiệu.
Tháng 7/2018, có một tài khoản Facebook tên là Nguyễn Công Minh đưa thông tin bị suy thận do uống nước tăng lực Sting (của Pepsi) trên Facebook. Chỉ trong vòng 6 ngày tin tức này đã nhận được 65.114 lượt chia sẻ trên Facebook và 93.600 lượt tiếp cận. Sau đó, Pepsico Việt Nam đã liên hệ với các cơ quan chức năng Việt Nam và Facebook để đưa ra các bằng chứng khẳng định thông tin kia là sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng. Phải mất 7 ngày, Facebook mới gỡ thông tin giả mạo này xuống. Hậu quả là thông tin đã phát tán rất rộng rãi, khiến doanh nghiệp phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ thông tin chưa được kiểm chứng.
Tháng 7 năm 2019, Công ty TNHH Sakura Beauty Việt Nam tổ chức họp báo cho biết đã làm đơn tố cáo gửi Bộ Công an, Công an TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM và nhiều cơ quan khác vì bị một tài khoản Facebook mang tên Diệp Xuân Hạ tung tin sản phẩm mang thương hiệu Sakura đang bán tại siêu thị Aeon TP.HCM là kem trộn, không được sản xuất tại Nhật Bản, gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và doanh thu của công ty.
Gần đây nhất, đầu năm 2022, Tập đoàn BEST Inc. (thương hiệu logistics đa quốc gia sở hữu thương hiệu chuyển phát nhanh BEST Express) sau khi công bố chuyển đổi một công ty thành viên từ hình thức Công ty Cổ phần sang Công ty TNHH đã bị một số cá nhân bị tung tin đồn thất thiệt về tình hình kinh doanh với nội dung “BEST Express sắp phá sản” hay “ôm tiền hàng thu hộ bỏ trốn”… nhằm hạ thấp uy tín của đơn vị và gây hoang mang cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ này.
Trong khi theo thực tế ghi nhận thì năm 2021 chuyển phát nhanh BEST Express đã được Tập đoàn BEST Inc. chi hơn 20 triệu Đô la Mỹ đầu tư xây dựng các trung tâm phân loại hàng hoá tự động trên toàn quốc và trong Quý 1/2022, đơn vị này cũng đã đầu tư thêm 5 triệu Đô la Mỹ để trang bị thêm phương tiện vận tải cỡ lớn và 4 triệu Đô la Mỹ để nâng cấp hạ tầng công nghệ xử lý hàng hoá. Việc bị tung tin đồn thất thiệt trái với định hướng phát triển của BEST Express tại Việt Nam trong thời gian qua đã khiến doanh nghiệp này lao đao khi không ít shop online ngưng sử dụng dịch vụ. Doanh thu của công ty giảm sút khiến thu nhập của hơn 13.000 lao động trên toàn hệ thống BEST Express cũng bị ảnh hưởng theo.
Rõ ràng, thông tin được lan truyền trên không gian ảo nhưng ảnh hưởng nó gây ra thì đang ảnh hưởng cụ thể đến hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, đến đời sống của từng gia đình phụ thuộc vào doanh nghiệp ấy.
Đáng tiếc, hiện nay việc tạo tài khoản mạng xã hội quá dễ dàng, các đối tượng thường sử dụng tên và nick ảo, nhiều trường hợp xảy ra không biết chủ tài khoản ở đâu, do đó việc tung tin thất thiệt trên mạng xã hội rất khó xử lý, không thể kiện ra toà được.
Theo các chuyên gia tại Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thì "Một người đăng nhầm tin giả có thể kéo theo rất nhiều bạn bè chia sẻ lại tin giả đó" – do đó một trong những giải pháp để chống tin giả cũng như hạn chế ảnh hưởng của tin giả là cộng đồng mạng không chia sẻ những nội dung chưa được kiểm chứng.
Website Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam
"Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo cộng đồng mạng, nhất là những người có ảnh hưởng trong xã hội không chia sẻ trên mạng xã hội nội dung thông tin chưa được kiểm chứng" - ông Lê Quang Tự Do, phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, nhấn mạnh.
Hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh để không bị dẫn dắt bởi những thông tin không chính xác, nên chọn lọc các kênh truyền thông chính thống để theo dõi tin tức và cảnh giác không lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.
Tùy vào động cơ và hậu quả mà tin giả gây nên mà cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Về hành chính, nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội (điều 101) như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân... Mức phạt tối đa là 20 triệu đồng (đối với tổ chức, cá nhân bằng 1/2 mức trên). Về hình sự, những người tung tin đồn, tin giả với động cơ xấu, gây hậu quả có thể bị xem xét xử lý hình sự theo các tội danh tại Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể là các tội: tội vu khống (điều 156); tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (điều 288); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (điều 331). |