Doanh nhân Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Chúng tôi đã sẵn sàng “bứt phá dũng mãnh” ở thị trường toàn cầu

Admin

13/01/2023 10:31

Dù khép lại năm 2022 với khá nhiều chật vật, xáo trộn nhưng cuối cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (gọi tắt là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình) vẫn trụ vững. Những tháng ngày quay cuồng trong “tâm bão” nhưng các giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh, trách nhiệm xã hội của Hòa Bình vẫn vẹn nguyên. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với “thuyền trưởng” Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xoay quanh chủ đề này ngay trước thềm năm mới.

ceo-le-viet-hai-1673578202.jpg

Doanh nhân Lê Viết Hải

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, năm 2022 quả là một năm không mấy thuận lợi đối với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khi nhiều mục tiêu và kế hoạch đề ra chưa được toại nguyện, lại thêm mới đây nội bộ HĐQT xảy ra những bất hòa. Điều gì giúp cho “con thuyền Hòa Bình” trong mọi cam go vẫn luôn vững tiến đi về phía trước, thưa ông?

Trong bài phát biểu của mình tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình diễn ra hồi tháng 10/2022 tôi đã từng khẳng định, Hòa Bình đã vươn lên vị trí số 1 ở thị trường xây dựng trong nước từ con số 0 nhưng thành tích này không phải là đích đến mà chỉ là một cái mốc Hòa Bình cần phải vượt qua trên hành trình thực thi những sứ mệnh của mình. “Thắng không kiêu, bại không nản”, tinh thần của chúng tôi là thế. Cho nên, những kết quả năm nay càng chưa như kỳ vọng thì buộc chúng tôi trong năm tới phải càng nỗ lực gấp đôi, gấp 3, thậm chí gấp 10 lần để bù đắp lại. Tôi tin những ai yêu mến Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lâu nay đều hiểu và chia sẻ cho chúng tôi trong giai đoạn vừa qua.

Những năm qua, doanh thu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đều có mức tăng trưởng tốt, tuy nhiên các khoản nợ phải thu trở nên khó khăn hơn và chiếm tỷ lệ cao hơn, khoảng vài chục phần trăm, khiến lợi nhuận bị giảm. Trước đây, khách hàng chậm thanh toán nhưng vẫn trả, song nay họ ngưng hoàn toàn việc thanh toán, nên những khoản chậm này phải trích lập dự phòng rủi ro khá nhiều. Có một số dự án, chủ đầu tư không thanh toán nhưng chúng tôi vẫn phải thi công, bởi có những phần việc chúng tôi không thể dừng lại giữa chừng. Chúng tôi hiểu những khó khăn của khách hàng trong hiện tại và chia sẻ với họ, bởi do chính sách tín dụng của NHNN siết lại đột ngột làm nguồn tài chính của họ bị “tắc” ngang chứ họ không phải cố ý dây dưa.

Những thông tin liên quan đến Hòa Bình mới đây khiến tôi rất buồn. Việc tôi tạm hoãn rời vị trí Chủ tịch HĐQT để tiếp tục dẫn dắt Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong thời điểm này là cần thiết, nhằm đảm bảo tính liên tục trong việc điều hành tập đoàn vào thời điểm Tết Nguyên đán. Bởi nếu thay đổi người đại diện pháp luật lúc này sẽ tạo điểm nghẽn trong việc thanh, quyết toán, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Ngoài ra, việc tạm hoãn này còn để đảm bảo chuẩn bị cơ sở pháp lý chặt chẽ trước khi chuyển giao việc điều hành tập đoàn theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời gian tới, nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra chứ tôi không có tham vọng gì khác.

dsc00865-1673578987.jpg

Hòa Bình đã vươn lên vị trí số 1 ở thị trường xây dựng trong nước từ con số 0 nhưng thành tích này không phải là đích đến mà chỉ là một cái mốc Hòa Bình cần phải vượt qua trên hành trình thực thi những sứ mệnh của mình

Sự khó khăn của lĩnh vực bất động sản chắc chắn còn kéo sang năm 2023 nên lĩnh vực xây dựng cũng sẽ rơi vào vòng xoáy đó. Ông đánh giá nguyên nhân do đâu và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chuẩn bị tinh thần như thế nào để vượt qua?

Trong thời gian qua, thị trường bất động sản có nhiều biến động phức tạp. Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất, các chủ đầu tư bất động sản có qui mô hầu hết đều tham gia các dự án bất động sản du lịch lớn. Họ đã không lường trước rủi ro có những biến cố bên ngoài lãnh thổ có thể gây đổ vỡ thị trường bất động sản Việt Nam.

Thứ hai, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai nhiều dự án thiếu sự tính toán khoa học và không kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp khi có biến động. Nhiều dự án không lập kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhiều dự án hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của chủ đầu tư khi không có đủ thông tin.

Thứ ba, sự mất cân đối trong đầu tư. Trong khi bất động sản du lịch quá dư thừa thì bất động sản nhà ở lại quá thiếu đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà cho thuê phục vụ cho công nhân, cho người lao động có thu nhập thấp khiến giá nhà, giá đất bị đẩy lên quá cao.

Những khó khăn trên trong năm 2023 chắc chắn sẽ còn, hoặc nếu có tháo gỡ thì cũng chỉ một phần tương đối, nên khó khăn đương nhiên vẫn nhiều. Thực tế cho thấy, từ bất ổn kinh tế sẽ kéo theo bất ổn về chính trị, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng và khó lường. Nếu Nhà nước can thiệp sớm may ra mới giải quyết được những tác động rất xấu trước mắt và lâu dài. Chúng tôi cho rằng, không ai có thể cứu được thị trường bất động sản lúc này ngoài Nhà nước. 

anh-hai-1673580029.jpg

Ông Lê Viết Hải và con trai Lê Viết Hiếu - Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Đứng ở vị trí của ông, nếu kiến nghị với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, ông sẽ đề xuất những gì?

Điều muốn đề đạt thì nhiều, nhưng theo tôi, cô đọng lại những ý chính sau.

Một là, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi nhằm duy trì hoạt động ổn định cho những doanh nghiệp bất động sản và toàn bộ hệ sinh thái của ngành này, một ngành đã có nhiều đóng góp cho quốc gia bằng những công trình làm thay đổi diện mạo đô thị, có đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian qua.

Thứ hai, Chính phủ cũng cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án để các dự án đó trở nên “sạch”. Khi kinh tế thế giới hồi phục, chiến tranh kết thúc, hoạt động du lịch trở lại nhộn nhịp thì các bất động sản du lịch sẽ có nguồn thu cao. Các dự án vướng mắc được làm “sạch” về pháp lý sẽ bán đấu giá, lợi nhuận có thể sẽ cao hơn nhiều lần. Nhà nước không những không mất tiền mà nhiều khả năng sẽ tạo ra được nguồn thu lớn từ việc ứng vốn giải cứu ngành bất động sản.

Thứ ba, Chính phủ cũng cần tránh can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp đang hoạt động ổn định nhưng có liên quan đến các chủ đầu tư đang bị điều tra, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đến mức có thể bị phá sản trong khi chưa có gì chắc chắn là họ đã vi phạm pháp luật.

Thứ tư, Chính phủ với điều kiện thuận lợi của mình cần đóng vai trò điều tiết thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo không còn tình trạng “chỗ thì quá nhiều dự án dẫn đến thừa cung, chỗ thì không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân”.

Thứ năm, Nhà nước cần đầu tư vào việc quảng bá du lịch và có chính sách thu hút khách du lịch nước ngoài mạnh mẽ hơn để nhanh chóng lấp đầy các khu du lịch. Đây là một sự giúp đỡ hiệu quả chung cho cả ngành khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã kiệt quệ sau đại dịch. Một giải pháp quan trọng đó là miễn visa cho những quốc gia có nhiều khách du lịch đến Việt Nam.

1cac-cong-trinh-do-hoa-binh-thi-cong-da-phu-song-tai-49-tinh-thanh-trong-ca-nuoc-2-9694-1673579146.jpg

Các công trình do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thi công đã phủ sóng gần như khắp cả nước

Nhiều năm qua ông muốn đưa ngành xây dựng của Việt Nam nói chung và của Hòa Bình nói riêng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, nhưng đến nay hoài bão đó vẫn chưa thành hiện thực khi các doanh nghiệp khác họ vẫn còn mải mê với thị trường trong nước, còn Hòa Bình thì chỉ mới thăm dò bước đầu?

Thị trường xây dựng thế giới hiện nay có giá trị lên đến khoảng 12.000 tỷ USD và dự báo năm 2030 lên đến 19.000 tỷ USD, trong khi ở Việt Nam gần đây chỉ khoảng 50-60 tỷ USD. Ở Việt Nam, thị trường ngành xây dựng cung lớn hơn cầu, còn ở nước ngoài cầu lớn hơn cung, nên sự lựa chọn này là hoàn toàn phù hợp và có lợi cho ngành xây dựng Việt Nam nói chung và Hòa Bình nói riêng.

Riêng ở Hòa Bình, với tâm thế “bứt phá dũng mãnh” chiến lược xuất khẩu ngành xây dựng ra nước ngoài nhằm đảm bảo mục tiêu doanh thu 5 năm tăng 5 lần, tức 5 năm sau doanh thu đạt 4 tỷ USD, lợi nhuận bằng 5% doanh thu, tương đương 200 triệu USD. Chiến lược phát triển thị trường nước ngoài sẽ bắt đầu với 2 dự án tại Brisbane (Úc) và Ontario (Canada) trong năm 2023 và 2024 với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD.

Như tôi đã từng chia sẻ, mục tiêu cho chặng đường 35 năm tới của Hòa Bình là trở thành nhà thầu số 1 trên thế giới trong lĩnh vực xây dựng nhà ở. Chúng tôi quyết tâm thực hiện thành công sứ mệnh tiên phong đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia bằng cách phát triển ra thị trường toàn cầu. Đó cũng sẽ là một hành trình từ 0 đến 1 của một chu kỳ mới. Chu kỳ mới cho một thị trường mới và đó là thị trường toàn cầu. Ở thị trường này Hòa Bình có thể ví như là một nhà vô địch quốc gia đang ở vạch xuất phát, vạch số 0, và mới bắt đầu cuộc đua trên đấu trường quốc tế.

Tôi đã nhiều lần được nghe ông đề cập đến văn hóa kinh doanh của Việt Nam trong giao thương quốc tế cũng như đạo đức doanh nhân Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu. Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?

Trong hội nhập doanh nhân Việt Nam chúng ta cần nuôi khát vọng cống hiến cho việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại cùng sự thịnh vượng chung của toàn cầu. Muốn vậy, doanh nhân Việt Nam nên có tư duy toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài và để có sự thành công vượt trội chúng ta cần xây dựng một văn hoá doanh nghiệp Việt Nam thật đặc sắc và khác biệt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm thế giới và có thể bứt phá. 

dsc08757123-1673579853.jpg

Theo ông Lê Viết Hải, doanh nhân Việt Nam cần biết nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha và đức hy sinh thì mới tạo nên sự khác biệt lớn

Đặc biệt, khi doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, chúng ta nên có thêm những quy tắc đạo đức hướng đến lợi ích chung của toàn nhân loại. Đó cũng là những quy tắc sẽ tạo nên sự khác biệt của doanh nhân Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa đáng quý của dân tộc. Bản sắc văn hóa đáng quý nhất của dân tộc ta là khi quốc gia bị đe dọa người dân luôn sẵn sàng hy sinh tất cả cái riêng, lợi ích bản thân, gia đình, để bảo vệ cái chung, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chúng ta nhận thức rõ rằng không có cái chung thì cũng sẽ không có cái riêng. Điều đó đã thể hiện rất rõ qua nhiều giai đoạn lịch sử, qua nhiều cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.

Theo tôi, doanh nhân Việt Nam cần biết nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha và đức hy sinh thì mới tạo nên sự khác biệt lớn, chúng ta không nên phân biệt dân tộc này hay dân tộc khác, người Việt hay người nước ngoài mà mở rộng lòng nhân ái để biết yêu thương con người và muôn loài trên toàn hành tinh. Văn hóa kinh doanh Việt Nam cần đặt trên nền tảng đạo đức của doanh nhân, đạo đức của từng công dân Việt Nam và đạo đức đó cần được xây dựng dựa trên lòng yêu nước, thương dân và việc nuôi dưỡng các đức tính tốt đẹp nói trên. Vì lẽ đó mà càng yêu dân, yêu nước bao nhiêu chúng ta lại càng cần phải yêu trái đất, yêu sự sống của muôn loài nhiều bấy nhiêu và hướng đến việc cống hiến cho sự phát triển lành mạnh, tốt đẹp của cả thế giới, phụng sự cho lợi ích chung của toàn nhân loại.

Xin cảm ơn ông!

Ngô Bảo Tín thực hiện

Theo https://founder.com.vn/

https://founder.com.vn/doanh-nhan-le-viet-hai-chu-tich-hdqt-tap-doan-xay-dung-hoa-binh-chung-toi-da-san-sang-but-pha-dung-manh-o-thi-truong-toan-cau-a31873.html