Doanh nhân nữ "chèo lái" ứng phó đại dịch Covid-19

Admin

22/10/2020 09:01

Khủng hoảng dịch bệnh là bài kiểm tra tốt cho các doanh nhân nữ...

Năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nhân nữ nói riêng đã vượt khó, đồng hành, chia sẻ với chính quyền các cấp để thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ phát động là vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Khủng hoảng dịch bệnh là bài kiểm tra tốt cho các doanh nhân nữ. Họ đã vượt qua sóng gió, vững tay chèo để "con thuyền" công ty đứng vững. Các biện pháp như: đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước; tăng cường kết nối, phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu. 

Với ý thức, tiền là "máu" của doanh nghiệp, nhân tài là nguyên khí của doanh nghiệp, nhiều doanh nhân nữ đã nỗ lực duy trì đội ngũ nhân tài, truyền năng lượng tích cực cho nhân viên, cộng sự của mình đồng thời duy trì tổ chức, bảo vệ khách hàng chủ chốt...

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TÌM KIẾM THỊ TRƯỜNG

Bà Nguyễn Thị Minh Đức - Giám đốc Công ty Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai

Xuất phát điểm từ nghề xây dựng, sau 30 năm phát triển, Minh Đức đã mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khác, nhất là các lĩnh vực có lợi thế tiềm năng của tỉnh Lào Cai và của Việt Nam như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, khoáng sản tại Sapa. Chính nhờ việc đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh đã giúp Minh Đức vượt qua đại dịch COVID-19, tiếp tục giữ vững được doanh nghiệp.

Doanh nhân nữ ứng phó trước đại dịch - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Minh Đức - Giám đốc Công ty Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến thị trường nước ngoài gần như bị đóng băng, doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn sụt giảm mạnh. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh này, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã sớm đề nghị các doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp được UBND tỉnh đưa ra nhằm đạt hiệu quả cao nhất phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh về hiệp hội. 

Cùng với đó, hiệp hội cũng thành lập đoàn công tác đến một số doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và tiếp nhận phản ánh khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp. Trên cơ sở những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp hiệp hội tổng hợp gửi UBND tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, giải quyết theo quy định. Các doanh nghiệp mong muốn tỉnh có những sự quan tâm hơn nữa tới công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện để hàng hóa được thông thương thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có những chủ trương, đường lối chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân, doanh nghiệp được phát huy hết năng lực của mình. 

Tôi đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, không chỉ ở cấp quốc gia và ở cả các địa phương. Tuy nhiên, vẫn cần có những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, không chỉ nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI mà cả để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện phát triển.

HƯỚNG TỚI SẢN PHẨM TỐT NHẤT VỚI GIÁ THÀNH HỢP LÝ

Bà Ninh Thị Bích Thùy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép TVP

Hơn 30 năm hoạt động và sản xuất, TVP đã cung cấp đầy đủ các sản phẩm: tôn mạ màu, tôn mạ kẽm, tôn lạnh, ống thép ra thị trường và xuất khẩu. Hiện ống thép của TVP nằm trong top thứ 4 về sản xuất và cung cấp ống thép tại Việt Nam (thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam). 

Trong đợt Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp ngành thép gặp nhiều khó khăn như chưa chuẩn bị đủ nhân sự; chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất; chưa nắm bắt được công nghệ và lệ thuộc vào các chuyên gia rất nhiều. Nhưng với Công ty thép TVP thì ngược lại, chúng tôi sẵn sàng nắm bắt và chủ động mọi vấn đề nên đã ứng phó tốt trước đại dịch, TVP đã bán được nhiều sản phẩm, nhà máy hoạt động liên tục trong mùa dịch, tạo công ăn việc làm rất ổn định đối với người lao động. 

Doanh nhân nữ ứng phó trước đại dịch - Ảnh 2.

Bà Ninh Thị Bích Thùy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép TVP

Tuy nhiên, các nước trên thế giới đã và đang áp dụng chính sách thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam nên những tháng tiếp theo hàng hóa sẽ rất khó xuất khẩu. Việc sản phẩm của Trung Quốc được hỗ trợ nên xuất sang Việt Nam với giá rẻ, sẽ khiến tôn mạ màu của Việt Nam khó mà cạnh tranh được. Dù được Bộ Công Thương hỗ trợ song tổn thất với ngành tôn mạ màu nói chung và TVP nói riêng vẫn không nhỏ. Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ và Bộ Công Thương có chính sách quyết liệt hơn để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là đối với tôn mạ màu hiện nay. 

Hiện tại, TVP không lùi bước mà liên tục đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn, khuyến mại cho khách hàng, đẩy mạnh thương hiệu thông qua việc chuyên sâu vào sản xuất tôn mạ màu cao cấp hơn để cung cấp cho các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời để giữ được doanh số bán hàng của công ty đã phát triển thị phần sản xuất ống thép và phân phối ống thép ra thị trường.

TVP đã biến khó khăn thành thuận lợi để triển khai nhà máy tôn mạ màu công nghệ cao - dự án công nghệ hiện đại đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của thị trường về chất lượng. Đầu tư sản xuất các sản phẩm mới cho Home Offline, tôn giả đá, tôn giả gỗ và các sản phẩm cho ngành trang trí nội thất, đồng thời cũng nâng cao chất lượng và tăng sản lượng tôn mạ kẽm TVP lên 500.000 tấn/năm.

Thép TVP luôn phát triển các sản phẩm mới đi đầu trong ngành xây dựng, hoàn thiện quy trình sản xuất và kinh doanh khép kín để tạo ra một giá trị sản phẩm tốt nhất trên thị trường mà giá thành hợp lý. Thời gian tới, thép TVP sẽ đẩy mạnh sản lượng hơn nữa sang các nước Đông Nam Á, châu Á, các châu lục khác và cũng liên tục đầu tư cải tiến về công nghệ để theo kịp tốc độ phát triển của các nước trên thế giới.

KẾT NỐI SẢN PHẨM TOÀN DIỆN 

Bà Tống Thị Thu Hiền - Tổng giám đốc FLC Travel & Event

Đặt câu hỏi: lĩnh vực du lịch của FLC có chịu ảnh hưởng nào từ 2 đợt đại dịch Covid-19 vừa qua hay không? Câu trả lời chắc chắn là có, bởi du lịch dịch vụ là ngành luôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các yếu tố ngoại cảnh, không chỉ có đại dịch. Nhưng với FTE (FLC Travel & Events), chúng tôi rất tự hào vì cho đến thời điểm này FTE là doanh nghiệp du lịch hiếm hoi vẫn hoạt động bền bỉ, toàn phần, không cắt giảm nhân sự và vẫn có tăng trưởng. 

Có nhiều lý do để FTE có được những kết quả trên. Đầu tiên, FTE là một doanh nghiệp nằm trong tập đoàn FLC, Tập đoàn có một hệ sinh thái du lịch toàn diện, bao gồm: vận tải hàng không (Bamboo Airways), khối quần thể nghỉ dưỡng FLC (FLC Vĩnh Phúc, FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn), hệ thống sân golf FLC và công ty du lịch.

Doanh nhân nữ "chèo lái" ứng phó đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bà Tống Thị Thu Hiền - Tổng giám đốc FLC Travel & Event

Những yếu tố này giúp chúng tôi chủ động khi nắm được tất cả các sản phẩm trong tay, kết nối thành một sản phẩm toàn diện, tạo thành những cú hích trên thị trường. Chúng tôi mang đến cho khách hàng những sản phẩm du lịch nhanh nhất, uyển chuyển nhất, giúp khách hàng thuận lợi khi lựa chọn đặt dịch vụ và phù hợp nhu cầu một cách tối đa. 

Tới thời điểm này, chúng tôi đã thành công và tiếp tục ghi dấu ấn khi xây dựng thương hiệu riêng "Thế giới COMBO" - là nơi mà quý khách hàng có thể tìm thấy mọi combo du lịch với chất lượng đã được khẳng định và được sự yêu mến của hàng triệu lượt khách hàng giai đoạn dịch vừa qua. 

Thứ hai là nhờ vào sự chỉ đạo xuyên suốt từ chủ tịch và ban lãnh đạo tập đoàn. Chúng tôi có một chính sách xuyên suốt và vô cùng uyển chuyển cho khách hàng. Đây là một lợi thế vượt trội mà Tập đoàn FLC có được khi là một hệ sinh du lịch sinh thái toàn diện. 

Bên cạnh đó, phải khẳng định chúng tôi có đội ngũ nhân viên rất kiên cường, hoạt động không nghỉ dịch, dù là giai đoạn cách ly chúng tôi vẫn làm việc trực tuyến.

CẦN ĐÒN BẨY CHÍNH SÁCH

Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh, Chủ tịch Tập đoàn Hiền Lê 

Sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao, hiện nay Hiền Lê Group đứng đầu về công nghệ và đang hợp tác với các thương hiệu lớn như Samsung, Canon, Apple... Đến nay 95% việc làm là tự động hoá bằng robot, mỗi robot thay thế 200 người. 

Không dừng lại ở đó, Hiền Lê chuyển sang đầu tư cả vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam làm nông nghiệp công nghệ cao để xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất thế giới như Anh, Nhật Bản, Đức, Bỉ... Đặc biệt, công ty lúc nào cũng ở trong tình trạng thiếu hàng, vì nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại những thị trường trên là vô cùng lớn. Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã đủ đơn hàng cho đến tháng 6/2021. 

Doanh nhân nữ ứng phó trước đại dịch - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền - Chủ tịch Tập đoàn Hiền Lê

Tuy nhiên, khó khăn với doanh nghiệp chúng tôi là hiện thiếu rất nhiều công nhân lành nghề, kỹ thuật viên lành nghề trong lĩnh vực công nghệ cao trong khi đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi mong muốn, Nhà nước quan tâm tới đào tạo nguồn lực nhiều hơn, tạo nền tảng cho phát triển cơ cấu mới, tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển vững mạnh.

Hơn nữa, môi trường kinh doanh hiện chưa ưu ái nhiều cho doanh nghiệp trong nước. Khi làm về công nghệ cao, chúng tôi thua ngay trên sân nhà. Nếu so sánh về các lợi thế chính sách, có thể dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp FDI được hưởng rất nhiều ưu đãi, trong khi doanh nghiệp trong nước chịu nhiều thiệt thòi về lãi suất, tiền thuê đất, các loại thuế... Do vậy, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện cũng như có cơ chế hỗ trợ cân bằng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, như vậy doanh nghiệp trong nước mới làm tốt hơn nữa.

TÌM HƯỚNG ĐI MỚI ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN

Bà Nguyễn Thị Huyền Thương - Tập đoàn Nagakawa 

Giai đoạn vừa qua Nagakawa đã phải đối mặt với những thách thức và khó khăn vô cùng lớn. Ban lãnh đạo Tập đoàn Nagakawa đã đưa ra rất nhiều phương án ứng phó với mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập của người lao động.

Tập đoàn Nagakawa có sở hữu một nhà máy may, phục vụ cho những thương hiệu lớn đến từ Mỹ, Nhật, châu Âu... Thời điểm Covid bùng phát, rất nhiều đơn hàng bị hủy nhưng gần 1.000 công nhân may vẫn cần có việc làm. Với lợi thế của một đơn vị may xuất khẩu uy tín, có sẵn nguồn cung nguyên liệu chất lượng, dây chuyền máy móc hiện đại, Nagakawa đã quyết định chuyển một phần dây chuyền sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, cung ứng cho thị trường hàng triệu sản phẩm, góp phần bình ổn giá cả thị trường và tạo công ăn việc làm cho người lao động. 

Doanh nhân nữ "chèo lái" ứng phó đại dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Huyền Thương - Tập đoàn Nagakawa

Bên cạnh đó, Nagakawa đẩy mạnh bán sản phẩm trên kênh thương mại điện tử chính thức là www.shop.nagakawa.com.vn đến những sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam. Thương mại điện tử cũng là kênh phân phối chủ yếu sản phẩm khẩu trang Nagakawa thời điểm đó.

Tháng 5, Tập đoàn Nagakawa bắt đầu hoạt động bình thường trở lại, với những nỗ lực của toàn hệ thống, Nagakawa đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tính riêng tháng 5/2020 doanh thu của Nagakawa đã tăng 172% so với cùng kỳ 2019.

Đến thời điểm này, chúng tôi tự hào vì Nagakawa đã có những chiến lược và chuyển đổi kịp thời, đúng đắn; dám đương đầu với khó khăn, tìm những hướng đi mới để tồn tại và đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Thời gian vừa qua đã giúp Nagakawa nỗ lực vươn lên và phát triển thêm những ngành nghề mới, sản phẩm mới. Bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm đã làm việc hết công suất để đẩy nhanh hơn kế hoạch phát triển ngành hàng thiết bị nhà bếp cao cấp. Tháng 9/2020 Nagakawa đã chính thức trình làng bộ sản phẩm thiết bị nhà bếp cao cấp gồm bếp điện từ, máy hút mùi và máy rửa bát với giá thành phải chăng. 

Giai đoạn này cũng là cơ hội để Nagakawa nhìn lại mình, củng cố và hoàn thiện lại hệ thống. Chúng tôi đã tiến hành xây dựng chiến lược thương hiệu mới với mục tiêu "Lấy khách hàng làm trung tâm". Ngoài ra, Nagakawa đã thực hiện triển khai số hóa doanh nghiệp, đưa công nghệ 4.0 vào công tác vận hành, vừa giải quyết các công việc trơn tru, minh bạch, vừa bắt kịp với xu thế hiện đại. 

Có thể nói, ngoài những khó khăn mà Covid-19 mang lại, đây còn là cơ hội để Nagakawa hoàn thiện hệ thống, chuẩn bị nhân lực và vật lực kỹ càng cho một giai đoạn phát triển hậu Covid.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nhân nữ "chèo lái" ứng phó đại dịch Covid-19" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.