Đối phó COVID-19: Nỗ lực để không thiếu mặt hàng phòng, chống dịch

Admin

09/03/2020 22:31

Tình hình dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp vì thế nhu cầu về các mặt hàng phòng, chống dịch cũng gia tăng. Tuy nhiên, các cấp quản lý và doanh nghiệp đang chung tay không để tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, vật tư phòng chống bệnh làm ảnh hưởng đến phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Sở Công Thương các địa phương làm việc với 40 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế trên cả nước. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, ngay sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đều đã hoạt động trở lại. Hầu hết các doanh nghiệp cũng huy động hết nguồn lực, động viên công nhân tăng ca, nhà máy hoạt động 24/24 giờ cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

Với khó khăn trong việc nguồn cung vải lọc kháng khuẩn khan hiếm do trong nước chưa sản xuất được mà chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp đang tìm cách nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia. Bộ Công Thương cũng đã trao đổi và đề nghị thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Ai Cập và Hàn Quốc khẩn trương tìm nguồn nguyên liệu hỗ trợ doanh nghiệp. Ngày 7/2, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý miễn thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng phục vụ việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, trong đó có mặt hàng nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế.

Vừa qua, Cục Công nghiệp cũng đã trình lãnh đạo Bộ Công Thương ký công văn gửi Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam về việc tăng cường sản xuất khẩu trang phòng chống dịch do virus Corona gây ra. Theo đó, đề nghị các đơn vị chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tăng cường sản xuất và cung ứng các sản phẩm khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang vải, đáp ứng nhu cầu của người dân sử dụng phòng chống dịch bệnh.

Những ngày gần đây, chỉ riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đưa ra thị trường gần 100.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn. Lượng khẩu trang được làm từ vải dệt kim kháng khuẩn và vải kháng khuẩn không dệt đang tăng dần, với năng lực cung ứng là 40.000 - 60.000 chiếc/ngày và ngày 10/2 tăng lên 200.000 chiếc/ngày. Từ ngày 14/2, năng lực cung ứng đạt 400.000 - 500.000 khẩu trang kháng khuẩn/ngày.

Đối phó COVID-19: Nỗ lực để không thiếu mặt hàng phòng, chống dịch - Ảnh 1

Nỗ lực để không thiếu các mặt hàng phòng, chống dịch

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năng lực may của doanh nghiệp thành viên rất lớn. Dù chưa từng sản xuất khẩu trang nhưng trước diễn biến của dịch bệnh, một số doanh nghiệp đã chủ động may khẩu trang vải để phục vụ công nhân viên trong nội bộ, hoặc phát miễn phí cho người dân.

Trường hợp cần thiết và khi có yêu cầu, doanh nghiệp sẵn sàng huy động sản xuất, dành nguồn hàng với sản lượng lớn. Theo đó, doanh nghiệp dệt may một mặt vẫn duy trì sản xuất quần áo và các sản phẩm theo đơn hàng đã ký với khách hàng, một mặt bố trí thiết bị, nguyên liệu và nhân lực để sản xuất khẩu trang phục vụ cộng đồng. Năng lực sản xuất có thể đạt 2 triệu khẩu trang vải/ngày (có tính đến năng lực sản xuất vải), trong đó có 700.000 khẩu trang vải kháng khuẩn/ngày.

Đối phó COVID-19: Nỗ lực để không thiếu mặt hàng phòng, chống dịch - Ảnh 2

 Bà Trịnh Khánh Hương – Chủ tịch HĐTV Castalina Việt Nam

Một khi các doanh nghiệp dốc toàn lực cho sản xuất khẩu trang, sản lượng sẽ tăng lên rất nhiều. Bà Trịnh Khánh Hương – Chủ tịch HĐTV Castalina Việt Nam; Chủ tịch điều hành Wlin Beauty, Chủ thương hiệu thời trang thiết kế cao cấp Huong Trinh Collection cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu phòng dịch của người dân, công ty đã dừng tất cả các đơn hàng quần áo bình thường để tập trung cho các sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, thiết bị hay bộ đồ phòng dịch bằng vải. Dù gặp nhiều khó khăn trong khâu nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị, giá nhân công tăng song công ty vẫn cam kết không tăng giá, không trục lợi, cùng chung tay với cả nước để đối phó với đại dịch.

Bên cạnh mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay tiệt trùng cũng được người dân săn lùng không kém. Bà Trần Thanh Huyền - Giám Đốc Công ty TNHH Greenbon Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, mặt hàng nước rửa tay dược liệu Green Duck và sữa tắm tràm trà cho bé được khách hàng mua đột biến. Tuy nhiên, do nguồn hàng dự trữ từ trước tết có số lượng rất lớn nên doanh nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng trong thời gian này, đặc biệt giá cả được bình ổn và không có chuyện tăng giá, găm hàng tại tất cả hệ thống cửa hàng và kênh bán lẻ của Greenbon. Nằm trong chiến dịch chung tay vì cộng đồng của Greenbon, công ty cũng đã phát 12.000 khẩu trang y tế cho người dân tại trụ sở công ty và tặng 10.000 chai xịt sát khuẩn tay cho các bé trong độ tuổi mầm non, tiểu học.

“Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, có thể thấy rằng mặc dù nhu cầu về trang thiết bị y tế phòng dịch bệnh đang gia tăng rất lớn song các cấp quản lý và doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để cùng chung tay phòng chống hiệu quả dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra”.