Đòn trừng phạt mới nhất từ Trump: Huawei “đứt” chuỗi cung ứng chip, 14 tỷ USD của Apple, Qualcomm và Boeing “không cánh mà bay”

Admin

17/05/2020 19:30

(Doanhnhan.vn) - Động thái mới từ chính quyền Trump đã mở ra một chương mới trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Câu hỏi đặt ra: bên nào sẽ bị tổn thương nhiều hơn?

Đòn trừng phạt mới nhất từ Trump: Huawei “đứt” chuỗi cung ứng chip, 14 tỷ USD của Apple, Qualcomm và Boeing “không cánh mà bay” - Ảnh 1

Trump "khởi động" một chương mới trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa thể kiểm soát Covid-19 

Theo Bộ Thương mại Mỹ, kể từ ngày 15/5, luật xuất khẩu sửa đổi mới nhất của nước này không cho phép các công ty công nghệ toàn cầu bán chip được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ, hoặc dựa trên các thiết kế phần mềm và công nghệ Mỹ cho Huawei.

Nếu muốn, các công ty có thể xin giấy phép để tiếp tục cung ứng sản phẩm cho Huawei, nhưng các yêu cầu này có thể bị từ chối. Các quy tắc mới sẽ có thời gian xem xét trong vòng 120 ngày. Sau đó, bất kỳ con chip nào phân phối cho Huawei hoặc các chi nhánh của Huawei phải có giấy phép từ Mỹ.

Không hề mang lại lợi ích gì cho các doanh nghiệp nói chung, động thái này thậm chí còn dấy lên lo ngại rằng chính các doanh nghiệp Mỹ sẽ trực tiếp chịu đòn trả đũa từ chính quyền Bắc Kinh trong nỗ lực “đòi lại công bằng” cho Huawei.

Hu Xijn, tổng biên tập tờ Global Times cho rằng nếu Mỹ tiếp tục mạnh tay với chuỗi cung ứng chip của Huawei, Trung Quốc sẽ kích hoạt ngay “danh sách thực thể không đáng tin cậy”, đặt lệnh hạn chế hoạt động hoặc tiến hành điều tra các công ty Mỹ như Qualcomm, Cisco và Apple. Đồng thời, Bắc Kinh có quyền tạm ngừng mọi giao dịch mua máy bay của Trung Quốc với bạn hàng là Boeing.

Nếu giả thuyết trên xảy ra, Boeing sẽ không thể tránh khỏi “đòn trí mạng” khi doanh thu của hãng đóng băng trong suốt thời kỳ khủng hoảng Covid-19, chưa kể những tổn thương liên quan đến dòng máy bay 737 MAX hồi năm ngoái. Tháng trước, hãng đã buộc phải cắt giảm 16.000 việc làm, tương đương 10% tổng lực lượng lao động. 

Qualcomm – công ty bán dẫn hàng đầu tại Mỹ - cũng đang đặt cược chính mình vào kế hoạch thương mại hóa công nghệ 5G trên toàn thế giới, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc để “cứu vớt” 29% lợi nhuận bị mất trong quý I do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo Brad Gastwirth, chiến lược gia công nghệ tại Wedbush Securities – công ty đầu tư và cung cấp dịch vụ tài chính tư nhân có trụ sở tại Los Angeles - cho rằng Qualcomm rất có thể sẽ sớm bị “bỏ rơi” tại thị trường Trung Quốc.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của Apple, Trung Quốc đại lục chiếm tới 16% tổng doanh thu của hãng. Không chỉ là thị trường màu mỡ, Trung Quốc còn là khu vực sản xuất lớn nhất của công ty này.

Sau khi các biện pháp mới trừng phạt Huawei được đưa ra, giới đầu tư lập tức tỏ ra bi quan khi lo ngại Trung Quốc sẽ sớm tung đòn trả đũa. Phản ứng này ngay lập tức phủ bóng lên giao dịch chứng khoán của Apple, Boeing và Qualcomm, với  tổng cộng 14 tỷ USD giá trị thị trường bị thổi bay.

Mặc dù vậy, ông Wendy Cutler, cựu trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ cho rằng, Trung Quốc có thể "tự bắn vào chân mình khi trả đũa các công ty Mỹ" do điều này có thể "dẫn đến việc đẩy nhanh hơn nữa quá trình các công ty Mỹ chuyển ra khỏi Trung Quốc vào thời điểm họ đang cần đến nhất để góp phần phục hồi nền kinh tế Trung Quốc."