Dòng chảy hàng hóa Trung Quốc đổi hướng

Admin

08/07/2025 00:15

Xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 43% nhưng hàng Trung Quốc qua ASEAN, EU, UAE và Ấn Độ lại tăng vọt, cho thấy những tín hiệu dịch chuyển nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc đang chuyển hướng hàng tỷ USD hàng hóa qua Đông Nam Á và EU nhằm tránh thuế quan từ ông Trump. Ảnh: Reuters.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường vận chuyển hàng hóa tới Mỹ thông qua các nước Đông Nam Á, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu tới các thị trường thay thế như Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ hay Trung Đông nhằm né tránh “bức tường thuế quan” do Tổng thống Mỹ Donald Trump dựng lên trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hàng Trung Quốc đổi hướng

Theo dữ liệu mới công bố từ Cục Điều tra Dân số Mỹ, kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 5 đã giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giá trị khoảng 15 tỷ USD, Financial Times cho biết.

Tuy nhiên, số liệu chính thức từ Trung Quốc lại cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong cùng kỳ vẫn tăng 4,8%. Khoảng trống do thị trường Mỹ để lại đã được bù đắp bằng mức tăng 15% xuất khẩu sang khối ASEAN và 12% sang Liên minh châu Âu (EU).

Trong bối cạnh lệnh tạm hoãn áp thuế đối ứng của ông Trump với hơn 170 quốc gia sẽ kết thúc vào ngày 9/7, nhiều quốc gia vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trong khi đó, tín hiệu từ phía Nhà Trắng cho biết các thỏa thuận tương lai nhiều khả năng bao gồm cả khoản thuế bổ sung với hàng tái xuất.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng cho biết mức thuế mới sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 8.

Ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của hãng nghiên cứu Capital Economics, nhận định: “Dữ liệu cho thấy một xu hướng rất rõ rệt. Chúng ta đã thấy điều này trong giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Mỹ cắt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng lập tức tăng mua từ Mexico”.

Một nghiên cứu riêng của Capital Economics ước tính lượng hàng hóa Trung Quốc chuyển tiếp qua Indonesia cũng tăng mạnh, với khoảng 800 triệu USD được tái xuất trong tháng 5, tăng 25% so với cùng kỳ 2024.

Ấn Độ, Trung Đông thành thị trường thay thế

Tại Ấn Độ, tác động từ thuế quan của ông Trump tập trung mạnh vào mặt hàng điện thoại thông minh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Apple quyết định chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp iPhone bán tại Mỹ sang Ấn Độ ngay từ năm sau.

Xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 5 tăng 17% so với năm ngoái, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc và Hong Kong cũng tăng 22,4%, theo ông Ajay Srivastava - người sáng lập tổ chức nghiên cứu Global Trade Research Initiative.

cuoc chien thuong mai anh 1

Tỷ lệ các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng số iPhone được Foxconn xuất khẩu từ Ấn Độ đạt đến 98% trong tháng 5. Biểu đồ: Reuters.

“Sự gia tăng nhập khẩu máy móc và thiết bị điện tử, phần lớn đến từ Trung Quốc, cùng với xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đang điều chỉnh rất nhanh trước các rào cản thuế quan mới”, ông Srivastava đánh giá.

Các biện pháp thuế của ông Trump cũng đang buộc các nhà sản xuất Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường thay thế cho lượng hàng không thể tiếp cận được thị trường Mỹ.

Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 1,1 tỷ USD, tương đương 20% so với cùng kỳ năm ngoái, với các mặt hàng chủ lực gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay và thuốc lá điện tử.

Bà Monica Malik, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, nhận định: “Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm các thị trường mới. Khu vực này với dân số trẻ, chương trình đầu tư mạnh mẽ và năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, đang tạo ra nhu cầu nhập khẩu rất lớn”.

Bà cũng cho biết thêm, sự hiện diện của các thương hiệu Trung Quốc, từ ôtô điện, điện thoại đến thiết bị điện tử tiêu dùng, ngày càng trở nên phổ biến tại UAE.

“Giờ đây, trên đường phố có thể dễ dàng bắt gặp xe điện mang thương hiệu Trung Quốc”, bà nói.

"Temu hóa" châu Âu

Tại châu Âu, giới phân tích cho rằng phần lớn hàng xuất khẩu dư thừa từ Trung Quốc cũng đang được tiêu thụ trực tiếp tại thị trường này, thay vì tái xuất sang Mỹ.

Ủy ban châu Âu tuần trước cho biết lượng nhập khẩu các mặt hàng như dệt may, hóa chất và máy móc trong 5 tháng đầu năm đã tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các quan chức EU vẫn thận trọng cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn.

Một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất về sự chuyển hướng thương mại là sự bùng nổ của các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc sau khi Mỹ chặn Trung Quốc không được áp dụng quy định “de minimis” - cho phép các nhà bán lẻ như Temu và Shein gửi hàng dưới 800 USD vào Mỹ mà không chịu thuế.

cuoc chien thuong mai anh 2

Lượng hàng giá rẻ từ Trung Quốc giảm mạnh tại Mỹ nhưng lại tăng vọt ở châu Âu trong tháng 5. Biểu đồ: Reuters.

Kể từ đó, hoạt động vận chuyển hàng không từ Trung Quốc và Hong Kong sang Mỹ sụt giảm mạnh. Theo dữ liệu từ WorldACD, trọng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không trong tuần đầu tháng 6 đã giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, các quan chức EU cho biết họ nhận thấy sự gia tăng đáng kể các chiến dịch quảng cáo nhắm đến người tiêu dùng châu Âu từ các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc. EU đang lên kế hoạch loại bỏ quy định “de minimis” và áp mức phí xử lý 2 euro cho mỗi gói hàng.

Chuyên gia Maria Demertzis từ tổ chức Conference Board tại Brussels nhận định: “Việc chuyển hướng thương mại của Trung Quốc tại châu Âu rõ ràng nhất là ở các gói hàng giá rẻ”.

"Chỉ cần nhìn vào lượng quảng cáo tràn ngập từ các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc là đủ thấy. Những món hàng đó đang được tiêu dùng ngay tại châu Âu, chứ không phải trung chuyển đi nơi khác”, bà nói thêm.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Bạn đang đọc bài viết "Dòng chảy hàng hóa Trung Quốc đổi hướng" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.