Hiện trạng khu vực dự kiến xây cầu Cát Lái vượt sông Đồng Nai. Ảnh: Quỳnh Danh. |
UBND tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan để thảo luận về phương án xây dựng cầu hoặc hầm Cát Lái vượt sông, kết nối tỉnh với TP.HCM.
Tại cuộc họp, sau khi đánh giá ưu nhược điểm của hai phương án, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai thống nhất chọn phương án xây dựng cầu Cát Lái.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết dù phương án xây hầm vượt sông từng được cân nhắc sau khi Thủ tướng đồng ý chủ trương, song hầm lại có chi phí xây dựng cao và đòi hỏi chi phí vận hành, bảo dưỡng lớn. Ngược lại, xây dựng cầu không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật.
Đồng thời, hướng tuyến điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch là hợp lý, hướng tuyến này không ảnh hưởng đến các di tích lịch sử.
Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai và đơn vị tư vấn làm việc với ngành chức năng TP.HCM để thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái. Các đơn vị cũng được yêu cầu hoàn thiện hướng tuyến đường dẫn lên cầu, hạn chế việc tuyến đường đi qua các công trình tôn giáo hoặc chồng lấn quy hoạch khác.
Trước đó, đơn vị tư vấn đã đề xuất 3 phương án thay thế phà Cát Lái, gồm xây cầu, hầm dìm và hầm khoan vượt sông. Các phương án này đều bao gồm phần cầu và đường dẫn 2 đầu cầu với tổng chiều dài hơn 11 km.
3 phương án này đều được thiết kế để đạt vận tốc 80-100 km/h, bao gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, nối từ điểm đầu tại đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức, TP.HCM) đến điểm cuối kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Trong 3 phương án, xây cầu được ước tính chi phí đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với chi phí làm hầm dìm hơn 24.500 tỷ đồng và hầm khoan hơn 33.000 tỷ đồng.
Với phương án hầm dìm, hầm sẽ được xây dựng ở độ sâu khoảng 3 m so với mặt đất hiện hữu, chiều dài hầm qua sông 800 m (gấp đôi so với hầm Thủ Thiêm). Do hầm dài nên quá trình xây dựng có nhiều thách thức.
Về hầm khoan, đây là loại hầm được xây dựng ở độ sâu hàng chục mét so với mặt đất hiện hữu mới đảm bảo an toàn (trong khi độ sâu nước sông đoạn làm hầm chỉ khoảng 18 m), quá trình thi công hầm khoan rất phức tạp, chỉ phù hợp khi phải làm hầm dài nhiều km.
Theo đơn vị tư vấn, hầm vượt sông khi hoàn thành mỗi năm cần khoảng 100 tỷ đồng để vận hành, bảo dưỡng, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng cầu chỉ khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Đơn vị tư vấn cho rằng nếu làm cầu Cát Lái, cầu sẽ có chiều dài hơn 3 km, rộng 33 m. Việc xây cầu Cát Lái có nhiều thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật.
Dự án cầu Cát Lái, nối TP Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đã được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch gần 10 năm trước.
Tuy nhiên, dù đã trải qua nhiều cuộc thảo luận, các bên liên quan vẫn chưa đi đến thống nhất phương án triển khai. Cầu Cát Lái có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối giao thông trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai, đặc biệt khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Dự án này không chỉ góp phần chia sẻ lưu lượng xe từ TP.HCM đến sân bay Long Thành và ngược lại mà còn tăng cường tính đồng bộ và hiệu quả khai thác của hạ tầng giao thông khu vực.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.