'Dòng vốn Trung Quốc tăng tốc chảy về Việt Nam'

11/11/2024 04:07

Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan đóng góp 60% tổng dòng vốn FDI đăng ký mới tại Việt Nam. Một nửa số vốn FDI đăng ký mới từ Singapore cũng bắt nguồn từ Trung Quốc và Đài Loan.

Ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế, Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam. Ảnh: HSBC.

Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đã gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến vào lĩnh vực điện tử giá trị cao hơn và chứng kiến ​​mức tăng trưởng xuất khẩu gấp 7 lần kể từ năm 2007. Trong số này, 70% xuất khẩu là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Những năm qua, nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu rón vốn vào Việt Nam là Hàn Quốc, với những "gã khổng lồ" như Samsung, LG, Hyundai, Lotte, cùng các doanh nghiệp Singapore và Nhật Bản.

Dòng vốn FDI đã dịch chuyển

Tuy nhiên, theo ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế, Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam, động lực của dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng như danh sách nhà đầu tư đã thay đổi kể từ nửa cuối năm 2023, rõ ràng hơn là vào năm 2024.

Tại Việt Nam, thương hiệu trà sữa và kem Mixue đã mở hơn 1.000 cửa hàng; các công ty điện tử toàn cầu như Luxshare, Geortek, Foxconn, Pegatron, Compal tiếp tục đầu tư mạnh vào hệ sinh thái; Hualian Ceramic có kế hoạch xây dựng một thung lũng gốm sứ.

Hay Sailun Group cũng vừa cam kết tăng vốn đầu tư vào nhà máy sản xuất lốp xe; Lotus Pharmaceuticals đã thực hiện các thương vụ mua lại để mở rộng sang ngành dược phẩm trong khi Deli Stationery (văn phòng phẩm), Sunwoda (pin) và United Imaging (chăm sóc sức khỏe) đều đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.

Theo đó, ông Park cho rằng dòng vốn từ thị trường Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan, đang ngày càng tăng tốc chảy vào Việt Nam. "Điều này là nhờ sự tương đồng sâu sắc giữa hai nền kinh tế, được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi và sắp xếp lại", ông nói.

Từ góc độ vốn FDI đăng ký mới, Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan đang đóng góp đến 60% tổng vốn FDI vào Việt Nam, trong khi năm 2022 chỉ chiếm 38%. Ngoài ra, tính đến nửa đầu năm nay, gần 50% vốn FDI đăng ký mới từ Singapore thực tế cũng bắt nguồn từ các khoản đầu tư của Trung Quốc và Đài Loan.

dong von FDI anh 1

Vốn từ thị trường Trung Quốc đang tăng tốc chảy về Việt Nam. Ảnh: Nam Khánh.

3 lý do chuyển dịch dòng vốn

Chuyên gia HSBC đánh giá Trung Quốc hiện là trung tâm thương mại toàn cầu, nơi các biện pháp bảo hộ gia tăng. Khối lượng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc lên tới 3.500 tỷ USD, vượt xa Mỹ (2.000 tỷ USD) và Đức (1.700 tỷ USD).

Các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng với khu vực ASEAN, hiện có thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng nhưng phần nhiều đến từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng đang diễn ra.

“Các thị trường ASEAN thực ra được hưởng lợi từ việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giá rẻ từ Trung Quốc để trở nên cạnh tranh trên thị trường, từ đó đạt được vị thế thặng dư thương mại với các thị trường còn lại trên thế giới”, chuyên gia tại HSBC nhận định.

Dòng vốn FDI tăng cũng được coi là phản ứng trước một thị trường nội địa của Việt Nam đang tăng trưởng thể hiện qua tầng lớp trung lưu gia tăng trong tổng dân số 100 triệu người, độ tuổi tiếp cận các phương tiện truyền thông là 30 và lực lượng lao động chiếm tới 70% dân số.

Việt Nam muốn hút dòng vốn FDI, điều quan trọng hiện tại nằm ở việc tiến lên phía trước và leo cao hơn nữa trong chuỗi giá trị gia tăng, cũng như hoàn thiện các lĩnh vực giá trị gia tăng nội địa

Ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế, Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam

Các yếu tố cơ bản của Việt Nam cũng tỏ ra mạnh mẽ và hấp dẫn. Mức lương trong lĩnh vực sản xuất thấp hơn một nửa so với Trung Quốc và thấp thứ 2 trong ASEAN. Tương tự, giá điện và giá dầu diesel cũng thấp thứ 2 khu vực.

Việt Nam hiện cũng là nền kinh tế cởi mở nhất ASEAN chỉ sau Singapore, trong khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định là 20% thể hiện lợi thế nếu so sánh với các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Vị lãnh đạo HSBC đánh giá thời gian tới, hành lang thương mại và đầu tư với Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan sẽ tiếp tục là nguồn đầu tư dồi dào, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Dòng vốn FDI từ các nước khác cũng sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng này.

Tuy nhiên, cơ hội từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu cũng mở ra cho nhiều quốc gia không chỉ riêng Việt Nam và họ sẽ không đứng ngoài cuộc. Đối với Việt Nam, điều quan trọng nằm ở việc tiến lên phía trước và leo cao hơn nữa trong chuỗi giá trị gia tăng, cũng như hoàn thiện các lĩnh vực giá trị gia tăng nội địa.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.