Orchard Road, một trong những trung tâm mua sắm hàng đầu Đông Nam Á với rất nhiều trung tâm thương mai và thương hiệu bán lẻ cao cấp. Sự vắng vẻ, tiêu điều ở nơi đây cũng được coi là chỉ số đáng tin cậy báo hiệu nền kinh tế Singapore dường như đang trống rỗng.
Thay vì chật cứng người đến mua sắm, sàn cửa hàng Apple ở Orchard lại đầy lá rụng. Các thương hiệu xa xỉ khác gần cửa hàng này như Victoria's Secret, Gucci cũng đang đóng băng với những tấm biển thông báo dừng hoạt động. Hiện tại, chính phủ Singapore đã buộc phải mở rộng các biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 đang lây lan khắp thành phố, nhất là trong cộng đồng lao động nhập cư ở đây.
"Không có khách du lịch", Rosli Hamad, chủ một quán pizza ở Orchard cho biết. Ông ước tính lượng người đến con phố này đã giảm ít nhất một nửa. "Vì nhiều trung tâm mua sắm đã đóng cửa, chúng tôi chỉ hy vọng vào lượng khách là người dân địa phương", chủ cửa hàng cho biết.
Theo thống kê cuối tuần trước, doanh số bán lẻ tháng 4 của Singapore đã giảm 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,1 tỷ USD Singapore. Lần gần nhất Singapore ghi nhận con số thấp như vậy là tháng 2/2011. Kể từ đó, doanh số bán lẻ hàng tháng luôn vượt trên 3 tỷ USD Singapore. Tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay, doanh số bán lẻ còn đạt mức kỷ lục với 4 tỷ USD Singapore.
Không chỉ Singapore, các nước láng giềng cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Tại Indonesia, Hiệp hội Trung tâm thương mại ước tính thiệt hại ít nhất 9.800 tỷ rupiah (khoảng 682 triệu USD) trong 2 tháng qua. Tập đoàn Astra International, hiện đang chiếm khoảng một nửa doanh số bán ô tô tại nước này cũng đã giảm 90% doanh thu trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng lễ Ramadan của đạo Hồi, kết thúc vào ngày 23/5 và theo truyền thống là thời kỳ mua sắm lớn nhất của người dân nhưng năm nay, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng đã chứng kiến mức tiêu thụ giảm sút trầm trọng vào thời gian này.
Với việc Jakarta đang dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa, các trung tâm thương mại tại thủ đô Indonesia sẽ được phép mở lại từ ngày 15/6. Tuy nhiên, chi tiêu dự kiến sẽ không thể phục hồi nhanh chóng khi các trung tâm mua sắm chỉ được phép đón 1/2 lượng khách so với trước kia.
Tại Thái Lan, các lệnh giới hạn lượng người được phép vào các cơ sở kinh doanh vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp dù đã được mở cửa trở lại.
Theo dự báo của Economic Intelligence Center (EIC), doanh số bán lẻ của Thái Lan có thể giảm 14%, tương đương khoảng 500 tỷ baht (16 tỷ USD) từ mức 3.500 tỷ baht hồi năm ngoái, chủ yếu do lượng khách du lịch và chi tiêu nội địa giảm mạnh giữa đại dịch. EIC cũng ước tính lượng khách quốc tế đến Thái Lan giảm 67%, từ 39 triệu khách trong năm 2019 xuống còn 13 triệu lượt năm nay. Doanh thu bán lẻ liên quan đến du lịch cũng sẽ giảm khoảng 270 tỷ baht.
Tập đoàn bán lẻ trung ương (CRC) ghi nhận lãi ròng 890 triệu baht, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái. CPALL, nhà điều hành của các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã công bố lợi nhuận ròng 5,6 tỷ baht, giảm 2,2% so với năm trước.
Tại Việt Nam, tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong bốn tháng đầu năm 2020 đạt 1.520 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ước tính doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trong cùng kỳ đạt 143.000 tỷ đồng, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm sáng duy nhất trong mùa dịch là ngành thương mại điện tử. Kỳ lân Bukalapak của Indonesia ghi nhận doanh thu cao nhất từ trước đến nay vào tháng 4, trong khi Shopee cũng tăng lượng giao dịch khi người tiêu dùng phải ở nhà.
Các siêu thị và cửa hàng tạp hóa cũng đã tăng đột biến khi lượng người mua tăng 74% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, với các mặt hàng thiết yếu và thực phẩm đứng đầu danh sách bán hàng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng chung của người dân.