FPT lần thứ 37 đưa cổ đông "lên đỉnh" từ đầu năm, giá trị cổ phiếu ông Trương Gia Bình nắm giữ tăng thêm 6.400 tỷ đồng

Admin

03/12/2024 20:17

So với thời điểm đầu năm, FPT đã tăng xấp xỉ 76%, vượt trội so với VN-Index.

Trong khi chứng khoán Việt Nam “xoay sở” trước ngưỡng cản mạnh, cổ phiếu FPT một lần nữa “tỏa sáng”. Kết phiên 3/12, thị giá cổ phiếu công nghệ này tăng gần 2% lên 145.000 đồng/cp. Đây là mức thị giá (đã điều chỉnh) cao nhất mà FPT từng chạm đến trong lịch sử 18 năm niêm yết.

Tính từ đầu năm đến nay, FPT đã có tổng cộng 37 lần vượt đỉnh, một kỷ lục “vô tiền, khoáng hậu” trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. So với thời điểm đầu năm, FPT đã tăng xấp xỉ 76%, vượt trội so với VN-Index.

Vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cũng theo đó lập kỷ lục 213.000 tỷ đồng (~8,4 tỷ USD). Con số này đưa FPT trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán, chỉ sau 4 cái tên do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, ACV và Viettel Global.

FPT lần thứ 37 đưa cổ đông "lên đỉnh" từ đầu năm, giá trị cổ phiếu ông Trương Gia Bình nắm giữ tăng thêm 6.400 tỷ đồng- Ảnh 1.

Cổ phiếu FPT lên đỉnh đem lại niềm vui lớn cho cổ đông. Vui nhất có lẽ là những người sáng lập tập đoàn như Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình cùng 2 cộng sự lâu năm Bùi Quang Ngọc và Đỗ Cao Bảo khi phần lớn tài sản trên sàn chứng khoán đều nằm tại FPT. Ước tính theo thị giá FPT, khối tài sản của 3 cổ đông này lên đến gần 20.300 tỷ đồng, tăng 8.700 tỷ từ đầu năm 2024.

Trong đó, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình sở hữu hơn 102 triệu cổ phiếu FPT (tỷ lệ 6,99% vốn), nhờ đó, khối tài sản tăng gần 6.400 tỷ đồng từ đầu năm lên xấp xỉ 14.800 tỷ đồng.

Niềm vui của cổ đông còn tới từ các đợt chi trả cổ tức đều đặn hàng năm của FPT. Phiên 3/12 cũng là ngày FPT chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền với tỷ lệ 10%. Với gần 1,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, FPT dự kiến sẽ chi khoảng 1.500 tỷ. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 13/12/2024, tức là chỉ sau đúng 10 ngày chốt quyền.

Đây là đợt cổ tức thứ 2 cổ đông FPT được nhân từ đầu năm 2024. Trước đó vào giữa tháng 6, doanh nghiệp đã chi trả nốt cổ tức còn lại của năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Ngoài ra, FPT còn thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 15% (cổ đông nắm 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới).

Mặt khác, nền tảng để cổ phiếu bứt phá vẫn là kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đến mức đáng kinh ngạc của FPT. Về kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 50.796 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 9.226 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 6.566 tỷ đồng và 4.494 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 10 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 82% kế hoạch doanh thu và 85% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

FPT lần thứ 37 đưa cổ đông "lên đỉnh" từ đầu năm, giá trị cổ phiếu ông Trương Gia Bình nắm giữ tăng thêm 6.400 tỷ đồng- Ảnh 2.

Mảng CNTT nước ngoài là động lực tăng trưởng cho giai đoạn 2025-2026

Trong một diễn biến liên quan, hồi giữa tháng 11 vừa qua, FPT đã chính thức cùng NVIDIA ra mắt nhà máy AI cung cấp dịch vụ AI, Cloud tại Việt Nam và Nhật Bản.

Với năm 2025, SSI Research dự báo tăng trưởng LNTT có thể đạt gần 13.700 tỷ, với động lực chủ yếu nhờ mảng CNTT nước ngoài tiếp đà tăng trưởng và doanh thu từ FPT AI Factory.

Tại mảng CNTT, doanh thu và LNTT mảng CNTT nước ngoài được dự báo tăng trưởng lần lượt đạt 29% và 31%. Đối với mảng CNTT trong nước, SSI dự báo doanh thu tăng 33% nhờ ra mắt FPT AI Factory, chiếm khoảng 20%-25% doanh thu CNTT trong nước và biên LNTT cải thiện đáng kể lên 7% (từ 4% trong năm 2024) do biên LNTT của FPT AI Factory tương đối cao (khoảng 20%).

Tại mảng viễn thông, SSI dự báo mảng này sẽ duy trì mức tăng trưởng một chữ số cho cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, mảng băng rộng cố định và Pay TV sẽ gia tăng thị phần nhờ cải thiện chất lượng dịch vụ. FPT cũng đang đầu tư một số giấy phép mới cho Pay TV.

Đối với mảng trung tâm dữ liệu, trung tâm dữ liệu sắp tới (đặt tại Quận 9, TP.HCM) đang gặp một số vấn đề trì hoãn, chủ yếu liên quan đến vấn đề hậu cần liên quan đến thiết bị. Mục tiêu dự án sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025, song sự trì hoãn này sẽ chỉ có tác động nhỏ vào dự báo lợi nhuận do mảng trung tâm dữ liệu chỉ chiếm khoảng 3% doanh thu của mảng viễn thông. Ngoài ra, quảng cáo trực tuyến sẽ được thúc đẩy nhờ nền kinh tế tiếp tục phục hồi.

Đối với mảng giáo dục, đầu tư và các lĩnh vực khác, trong năm 2025 FPT mong đợi mức tăng trưởng cao hơn khi công ty có kế hoạch tập trung hơn vào các hoạt động xây dựng thương hiệu Tổ chức giáo dục FPT. Để thận trọng, SSI ước tính mức tăng trưởng tương tự như năm 2024 vào khoảng 17%. Trong tháng 11/2024, FPT công bố kế hoạch mở văn phòng giáo dục đại diện tại Nhật Bản, nhằm mục đích mở rộng các chương trình đào tạo, thúc đẩy việc trao đổi sinh viên và giao lưu văn hóa, cho thấy một động lực tăng trưởng mới cho mảng này trong dài hạn.

Sang năm 2026, SSI dự báo doanh thu và lãi ròng của FPT sẽ lần lượt đạt 91.200 tỷ đồng (tăng 18%) và 12.400 tỷ đồng (tăng 23%). Trong đó, mảng CNTT nước ngoài được kỳ vọng sẽ tiếp tục và trở thành động lực tăng trưởng chính trong dài hạn.

FPT lần thứ 37 đưa cổ đông "lên đỉnh" từ đầu năm, giá trị cổ phiếu ông Trương Gia Bình nắm giữ tăng thêm 6.400 tỷ đồng- Ảnh 3.