Gemadept còn nặng gánh với đầu tư tài chính

Admin

07/07/2020 05:30

Việc cảng Gemalink dự kiến đi vào vận hành từ đầu năm 2021 có thể là động thái tích cực cho Công ty cổ phần Gemadept, nhưng Gemalink chưa thể là phép màu vạn năng.

Hai kịch bản kinh doanh và kỳ vọng của Gemalink

Diễn biến khó phán đoán của đại bệnh Covid-19 trên thế giới khiến Gemadept không thể định hình chính xác mục tiêu kinh doanh cho năm 2020. Chính vậy, doanh nghiệp này đã phải thiết lập 2 kịch bản kinh doanh khác nhau.

Gemadept cho biết, lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là khai thác cảng và logistics đều nằm trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Do đó, 2 kịch bản kinh doanh của Gemadept đều sụt giảm sâu về cả về doanh thu và lợi nhuận so với năm 2019.

Cụ thể, kịch bản 1 lạc quan hơn, với mục tiêu doanh thu đạt 2.150 tỷ đồng, bằng 81% so với doanh thu thực hiện năm 2019, lợi nhuận trước thuế là 500 tỷ đồng, bằng 71% mức lợi nhuận năm 2019.

Kịch bản 2 kém lạc quan hơn, với mục tiêu doanh thu chỉ đạt 2.000 tỷ đồng, bằng 76% so với mức doanh thu năm 2019 và lợi nhuận trước thuế là 430 tỷ đồng, bằng 61% của năm 2019.

Về các dự án của Gemadept, Dự án Cảng Nam Đình Vũ đã khởi công từ tháng 11/2019, nhưng ngay sau đó xảy ra đại dịch Covid-19, nên Công ty buộc phải tạm ngưng để tránh rủi ro tài chính. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gemadept cho biết, công ty sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và chờ thời điểm thích hợp để khởi động lại.

Gemadept còn nặng gánh với đầu tư tài chính - Ảnh 1

 Cảng Gemalink được kỳ vọng tạo nên một diện mạo mới cho Gemadept trong lĩnh vực khai thác cảng.

Điểm nhấn trong hoạt động đầu tư hiện nay của Gemadept là Dự án Cảng nước sâu Gemalink. Dự án đã hoàn thành được 80% tiến độ, tình hình dịch bệnh cũng không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ các cầu cảng. Tuy nhiên, dịch cũng ảnh hưởng nhẹ tiến độ một số hạng mục có thiết bị nhập từ nhà cung cấp Phần Lan.

Với tiến độ hiện nay, Cảng Gemalink có thể vận hành thử vào tháng 12 và khai thác chính thức từ khoảng quý I/2021, dự kiến đạt tối đa công suất trong vòng 2-3 năm kể từ khi khai thác chính thức. Đến cuối năm 2021, cảng dự kiến hòa vốn, đạt sản lượng 900.000 TEU, doanh thu 37 triệu USD và đạt lợi nhuận gộp dự kiến là 20 triệu USD khi đạt công suất tối đa.

Vẫn còn nặng gánh

Bức tranh sáng màu được Gemalink vẽ ra khi cảng nước sâu này hoạt động có thể làm đẹp cho tương lai 2-3 năm tới của công ty. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành cảng biển này còn phải đối mặt nhiều gánh nặng.

Hai kịch bản kinh doanh năm 2020 của Gemadept được lập ra với giả định tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4-4,8%. Tuy nhiên, theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố cuối tháng 6, tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm chỉ là 1,82%. Đặc biệt, tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ chỉ là 0,57%. Tăng trưởng 6 tháng cuối năm có thể phục hồi, nhưng việc nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 4% theo kịch bản xấu hơn mà Gemadept đề ra là một thách thức rất lớn.

Gemadept còn nặng gánh với đầu tư tài chính - Ảnh 2

Trong bối cảnh doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng do ảnh hưởng của dịch bệnh, thì điểm nổi cộm lớn nhất trong các con số tài chính của Gemadept là các khoản đầu tư tài chính kém hiệu quả của doanh nghiệp này.

Tại báo cáo tài chính quý I, giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn là gần 39,7 tỷ đồng, nhưng thực tế giá gốc Công ty phải bỏ ra cho các khoản đầu tư này là 83,4 tỷ đồng. Một khoản tiền lên tới hơn 46,4 tỷ đồng bị “bốc hơi” trên sổ sách do phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh theo quy định.

Trong khi đó, hoạt động thu nợ cũng có chiều hướng bị “thả lỏng” hơn, các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng từ 787 tỷ đồng hồi đầu năm lên 896,4 tỷ đồng vào cuối quý I. Đáng chú ý là, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn tăng gấp 2,5 lần, từ 29,9 tỷ đồng đầu năm, lên hơn 73 tỷ đồng vào ngày 31/3. Công ty cũng đang phải có một khoản gần 8,8 tỷ đồng trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.

Bạn đang đọc bài viết "Gemadept còn nặng gánh với đầu tư tài chính" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.