Giá vàng "sốt siêu vi" – mua vào có lợi hay chăng?

Admin

06/07/2020 16:30

Lãi nửa triệu đồng/lượng, vẫn chưa tới thời cơ chốt lời

Phiên cuối tuần, sau một ngày nghỉ lại sức, giá vàng tiếp tục "sốt" trở lại với mức tăng từ 100 - 120 nghìn đồng/lượng cả hai chiều mua bán, áp sát ngưỡng 50 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, ghi nhận tại phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội) - con phố sầm uất tập trung các cửa hàng bán lẻ vàng của hầu hết doanh nghiệp vàng trong nước, giá mua bán vàng miếng đều được điều chỉnh tăng mạnh. Giá vàng SJC được niêm yết tại cửa hàng Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu chốt phiên 4/7 ở mức 49,57 triệu đồng/lượng mua vào và 49,73 triệu đồng/lượng bán ra. Sản phẩm vàng rồng Thăng Long của thương hiệu này còn được bán ra với giá 49,79 triệu đồng/lượng và tăng theo từng giờ.

Tài chính - Ngân hàng - Giá vàng 'sốt siêu vi' – mua vào có lợi hay chăng?

Giá vàng SJC, vàng Rồng Thăng Long tăng mạnh tuần qua, áp sát ngưỡng 50 triệu đồng/lượng

Tại công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng SJC bán lẻ ở cả 2 thị trường Hà Nội và TPHCM được niêm yết ở mức 49,50 triệu đồng/lượng mua vào và 49,88 triệu đồng/lượng bán ra.

Như vậy, so với phiên đầu tuần, giới đầu cơ đã có thể lãi hơn 500 nghìn đồng/lượng vàng sau một tuần ghi nhận giá vàng đạt mức đỉnh hơn 8 năm qua. Nhân dịp này, một số người dân cũng đã ra cửa hàng bán vàng với mức giá hấp dẫn, nhưng chủ yếu là giao dịch nhỏ lẻ với vàng trang sức hay vàng nhẫn tròn trơn...

Trên thực tế, số người tới giao dịch tại các cửa hàng vàng trong thời điểm vàng tạo cơn sốt giá lại chủ yếu là giao dịch mua vào, rất ít người cho rằng đây là thời điểm thích hợp để chốt lời.

Tại cửa hàng vàng PNJ, chị Mai Lan (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết: "Mấy ngày nay, giá vàng lên cao, không chỉ giới đầu tư mà dân văn phòng cũng sốt ruột. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi đã tất toán sổ tiết kiệm 400 triệu đồng để ra cửa hàng tham khảo giá và mua được 8 lượng vàng".

So với khoản lãi hấp dẫn nếu biết "lướt sóng" giá vàng những ngày này, việc rút tiền tiết kiệm (mức lãi suất chỉ khoảng 6%/năm) để rót tiền vào vàng như chị Lan là một quyết định có phần dễ hiểu.

Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, kịch bản giá vàng tiếp tục tăng trong thời gian tới vẫn được nhiều người kỳ vọng. Là một nhân viên ngân hàng đã đầu tư vàng trong nhiều năm qua, anh Huy Văn lại không hề sốt ruột khi nhìn bảng giá vàng nhảy theo từng ngày, từng giờ. "Ôm" khoảng 40 cây vàng (tương đương khoảng 2 tỷ đồng), anh còn vay mượn thêm bạn bè hoặc "mượn tạm" tiền để dành mua nhà để tiếp tục mua vào vàng hồi tuần trước. Anh Huy tự tin "vàng sẽ tiếp tục tăng, giá vàng thế giới vẫn có xu hướng đi lên, giá vàng trong nước chắc chắn không thể nằm ngoài quy luật đó".

Thống kê của hệ thống cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, giao dịch tăng khá mạnh theo biến động của giá vàng, trong đó lượng khách mua vàng chiếm tỉ lệ cao hơn, khoảng 60%, so với mức 40% lượng khách bán ra. Nhiều người mua vào do giá thế giới quy đổi hiện cao hơn giá vàng trong nước.

Tài chính - Ngân hàng - Giá vàng 'sốt siêu vi' – mua vào có lợi hay chăng? (Hình 2).

Giá vàng tăng cao nhưng người dân đến giao dịch chủ yếu để khảo giá vàng bán ra với số lượng nhỏ lẻ.

Vàng có là kênh trú ẩn an toàn?

Vàng được biết là kênh đầu tư an toàn với chức năng tích trữ giá trị, tuy nhiên trong 2 - 3 năm gần đây, sự biến động của giá vàng đã cho thấy khả năng đầu tư sinh lợi từ kim loại quý này.

Trong một năm rưỡi qua, giá vàng thế giới đã có mức tăng khá ấn tượng, lên tới 16,5% trong nửa đầu 2020 sau khi đã tăng 18,4% trong năm 2019. Giá vàng trong nước cũng đã tăng khoảng 16% kể từ đầu năm.

Giá vàng trong nước gần đây chùng lại trước ngưỡng 50 triệu đồng/lượng nhưng đang có những tín hiệu có thể bứt phá nhanh qua mức này khi mà giá vàng thế giới quy đổi đã vượt qua ngưỡng cản tâm lý này trong nhiều phiên gần đây.

Khả năng sinh lời của vàng càng thể hiện rõ hơn trong bối cảnh dịch bệnh khiến kinh tế bất ổn hiện nay, khi mà giới đầu tư đổ xô đi tìm tài sản trú ẩn an toàn. Đó là lý do khiến giá vàng tăng mạnh, đỉnh điểm có lúc tăng hơn 10% chỉ trong 2 tháng.

Giới đầu tư đa dạng hóa các loại hình đầu tư, cả vào chứng khoán để kiếm lời cũng như rót tiền vào vàng để đảm bảo sự an toàn trong bối cảnh triển vọng hồi phục của các nền kinh tế không chắc chắn, theo diễn biến của đại dịch Covid-19.

Hiện tượng giá vàng tăng mạnh trong tuần qua được các chuyên gia thể giới lý giải do tác động của đồng USD giảm và các yếu tố cơ bản vẫn hỗ trợ mặt hàng kim loại quý như: lãi suất trái phiếu xuống thấp, lợi suất lao dốc, nợ Chính phủ tăng cao trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống ngân hàng các nước dồi dào.

Đặc biệt, hiện tượng số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trên phạm vi toàn thế giới cũng là yếu tố đẩy giá vàng tăng trở lại và chinh phục đỉnh cao 8 năm rưỡi vừa ghi nhận trong tuần.

Tại Việt Nam, ngoài những yếu tố trên thì câu hỏi được nhiều người quan tâm, đó là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục bị điều chỉnh giảm, việc rút tiền tiết kiệm để mua vàng như trường hợp của chị Mai Lan kể trên có phải là quyết định thông minh?

Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Rút toàn bộ tiền tiết kiệm mua vàng lúc này, theo tôi, không phải là lựa chọn tốt đối với các nhà đầu tư trong nước. Mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng giảm nhẹ, song vẫn ở mức cao trên 6%/năm, thậm chí 7 - 8%/năm. Vì thế, việc giữ một phần để gửi tiết kiệm lúc này vẫn được xem là một giải pháp an toàn".

Ông Hiếu lý giải: "Giá vàng có xu hướng tăng lên nhưng có thể bất ngờ xuống rất nhanh chóng, điều này đã xảy ra hồi tháng Ba khiến nhiều người đã chịu thiệt hại. Nhiều người đã phải ồ ạt chạy ra khỏi vàng để thoát hiểm, chấp nhận bán giá thấp, lỗ rất nhiều.

Tư duy "không bỏ tất cả trứng vào một giỏ" được các nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn lấy làm kim chỉ nam cho các quyết định của mình. Đầu tư vào vàng không dễ "ăn xổi" như nhiều người vẫn nghĩ, đặc biệt nhiều người không quên bài học thua lỗ vì vàng giai đoạn 2006 - 2012.

Thời điểm này, giá vàng thế giới (chốt phiên 2/7) ở mức 1776.47 USD/ounce tương đương 49,83 triệu đồng/lượng - cao hơn giá vàng trong nước từ 300 - 400 nghìn đồng/lượng. Do đó, trong ngắn hạn, việc mua vàng thời điểm này là thích hợp, nhưng cần cân nhắc số tiền lãi thu được so với rủi ro có thể gánh chịu - trong tương quan số vốn chỉ vài trăm triệu đồng của đa phần người dân hiện nay.

Trong dài hạn, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên bỏ 1/3 tổng tài sản tiết kiệm để đầu tư vào vàng với mục đích tích trữ, 1/3 gửi ngân hàng hưởng lãi suất mà không sợ gánh chịu rủi ro. Số tiền còn lại có thể thử vận may ở lĩnh vực chứng khoán hoặc bất động sản hậu Covid-19.

Hiểu Minh