Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM sẽ bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 22/12. Để di chuyển đến các nhà ga, người dân TP.HCM hiện có nhiều lựa chọn phương tiện giao thông cá nhân hoặc công cộng.
Hệ thống bus điện
Với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, hệ thống xe bus vẫn là phương tiện giao thông công cộng chủ lực để kết nối các nhà ga với khu dân cư, bến xe bus, trung tâm thương mại, trường đại học, cao đẳng... tại TP.HCM.
Tất cả 17 tuyến xe bus gom kết nối metro số 1 sẽ sử dụng đội xe thuần điện với hình ảnh nhận diện riêng, chủ đạo bởi màu xanh và vàng cùng họa tiết hoa hướng dương đặc trưng của TP Thủ Đức.
Xe bus điện metro gồm 2 loại 30 và 60 chỗ, thiết kế bên trong giống nhiều xe bus khác và trang bị 16-25 ghế ngồi cứng. Các tuyến xe bust này mang số hiệu từ 153 đến 169.
Đội xe bus điện và trụ sạc đã được đơn vị vận hành bố trí chuẩn bị phục vụ kết nối tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong thời gian đầu triển khai, đơn vị vận hành đã đầu tư 2 trạm sạc, gồm tổng cộng 23 trụ sạc với các công suất 180 kW và 240 kW. Mỗi trụ sạc có thể cùng lúc nạp năng lượng cho 2 xe.
Đội xe bus thuần điện phục vụ kết nối tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nằm trong lộ trình đến năm 2030, TP.HCM sẽ sở hữu 100% hệ thống xe bus là xe điện hoặc phương tiện chạy bằng khí thiên nhiên nén CNG.
Ưu điểm của xe bus là dễ dàng triển khai, tuy nhiên vẫn tạo gánh nặng lên giao thông đường bộ. Những đoạn đường đông đúc cũng ảnh hưởng tới tốc độ và sự hiệu quả của hệ thống xe bus.
Phương tiện cá nhân, xe đạp công cộng
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, các nhà ga tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đều bố trí các bãi giữ xe 2 bánh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng metro.
Các ga Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái trên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được bố trí bãi giữ xe với tổng diện tích 5.077 m2, cung cấp tổng sức chứa hơn 2.000 xe hai bánh.
Bên dưới các nhà ga metro trên cao cũng có bố trí một phần diện tích để giữ xe 2 bánh, số lượng khoảng 400 chiếc.
Các nhà ga trên cao đều bố trí khu vực giữ xe. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng cho biết hiện có 43 trạm xe đạp công cộng giúp người dân tiếp cận tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Trong tương lai, thành phố sẽ khảo sát bổ sung 84 trạm xe đạp tại các quận lân cận điểm đầu tuyến metro.
Đi bộ là phổ biến tại hầu hết các nước có hệ thống metro và phương tiện công cộng phát triển. Việc đi bộ tới các nhà ga metro cũng là có thể tại TP.HCM, tuy nhiên với việc vỉa hè bị chiếm dụng và nhiều đoạn không có vỉa hè hay đường riêng cho người đi bộ, việc di chuyển bằng chân 1-2 km là không thật sự thoải mái.
Tới metro bằng bus đường sông
Đại diện đơn vị vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cho biết tuyến metro đầu tiên còn kết nối với tuyến bus sông (Waterbus) hiện có tại TP.HCM.
Theo thông tin trên website Saigon Waterbus, tuyến bus sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đông có chiều dài khoảng 11 km, khởi hành ở bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) và kết thúc tại Linh Đông (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Waterbus cũng là một trong những giải pháp kết nối với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Linh Huỳnh. |
So với các lựa chọn kể trên, Waterbus có ưu điểm là tránh được tình trạng kẹt xe vốn thường xuyên xuất hiện tại các tuyến đường ở TP.HCM, nhất là khu vực trung tâm.
Mặt khác, đường đi Waterbus phụ thuộc hoàn toàn vào hướng tuyến sông Sài Gòn, thời gian di chuyển cũng khá lâu, trung bình 52 phút/chiều cho toàn tuyến Bạch Đằng - Linh Đông.
Chờ đợi phương tiện mới
Một trong những giải pháp có thể kỳ vọng sớm được triển khai trong tương lai là tàu điện trên cao (sky shuttle), vốn khá phổ biến tại Trung Quốc.
Theo thông tin do BYD cung cấp, hãng này đã phát triển hệ thống tàu điện trên cao SkyShuttle nhằm mục tiêu giải quyết tình trạng tắc nghẽn đô thị và thách thức về hạ tầng giao thông.
Tàu điện trên cao kiểu này là sự kết hợp giữa công nghệ ôtô với công nghệ đường sắt, sở hữu một số ưu điểm như an toàn, linh hoạt, thông minh và ít tiếng ồn. Thay vì sử dụng nguồn điện ngoài giống như các thế hệ tàu điện cũ, những chiếc shuttle train này có pin và động cơ điện, hoạt động trên đường ray đặt ở trên cao.
Đoàn tàu điện SkyShuttle của BYD. Ảnh: BYD. |
Các đoàn tàu điện này sử dụng pin giống như pin trên ôtô điện. Đó có thể là những pack pin cũ đã giảm dung lượng sử dụng, được tận dụng đóng thành các pack pin lớn hơn sử dụng cho tàu điện. Mức tiêu thụ điện năng khoảng 0,5 kWh/km, tương đương khoảng 13% mức tiêu thụ điện trung bình của ngành.
Tùy nhu cầu thực tế, SkyShuttle có thể linh hoạt thay đổi số lượng toa tàu từ 2 đến 8 toa nhanh chóng. BYD cho biết sau 7 năm phát triển với chi phí đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, SkyShuttle đã được công ty triển khai tại nhiều khu vực trong và ngoài Trung Quốc.
Riêng ở thành phố Trùng Khánh, hệ thống SkyShuttle của BYD bao gồm 15 nhà ga, tổng chiều dài 15,4 km. Hệ thống này kết nối với ga tàu điện ngầm Bích Sơn cũng như ga tàu cao tốc Thành Đô - Trùng Khánh.
Với mức tiêu thụ năng lượng thấp cùng khả năng di chuyển trên cao, mạng lưới SkyShuttle nếu được triển khai trong tương lai sẽ trở thành một trong những lựa chọn phù hợp để kết nối các tuyến metro tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.