Cũng như nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, giao dịch nội gián và thao túng giá cổ phiếu là hành vi vi phạm nghiêm trọng có tác động xấu đến niềm tin, tính minh bạch trên thị trường.
Tại Việt Nam, dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và cơ quan công an thường xuyên phối hợp triển khai các biện pháp đấu tranh, nhưng các trường hợp thao túng vẫn xuất hiện và có diễn biến ngày càng phức tạp.
Xuất hiện yếu tố mới
Nếu như hành vi thao túng giá cổ phiếu diễn ra khá âm thầm, thì hành vi lạm dụng thông tin nội bộ để giao dịch cổ phiếu vẫn diễn ra khá phổ biến trên thị trường. Thực tế, mỗi tháng UBCKNN đều công bố hàng loạt quyết định xử phạt đối với các lãnh đạo doanh nghiệp, người có liên quan đến các chức danh quản lý tại doanh nghiệp, đã vi phạm các quy định về báo cáo thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu.
Đơn cử như chỉ trong những ngày đầu tháng 8 vừa qua, UBCKNN đã liên tiếp ban hành các quyết định xử phạt về vi phạm công bố thông tin đối với cổ đông lớn tại một số doanh nghiệp.
Có thể kể đến quyết định xử phạt gần đây nhất của bà Vương Ngọc Tuyết số tiền hơn 31 triệu đồng về việc mua 5.280 cổ phiếu DHA của CTCP Hóa An, tăng tỷ lệ sở hữu lên 737.680 cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của Hóa An từ ngày 13/12/2019.
Các hành vi vi phạm cả hình sự lẫn hành chính trên thị trường chứng khoán diễn biến ngày càng tinh vi. |
Tiếp đó vào ngày 10/2/2020, bà Tuyết bán 50.000 cổ phiếu DHA, làm giảm số lượng tỷ lệ sở hữu xuống còn 724.250 và không còn là cổ đông lớn của DHA. Thế nhưng, đến ngày 23/4/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới nhận được báo cáo của bà Tuyết.
Tương tự với vi phạm của bà Tuyết, UBCKNN cũng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 31 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Bích Thủy vì đã báo cáo không đúng thời giao dịch cổ phiếu của một công ty đại chúng theo quy định đối với cổ đông lớn.
Cụ thể, ngày 14/1/2020 bà Nguyễn Thị Bích Thủy mua 115.780 cổ phiếu AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia làm tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,9% vốn điều lệ doanh nghiệp lên 5,06% và trở thành cổ đông lớn của công ty.
Tuy nhiên, đến tháng 3 bà Thủy đã thực hiện bán hơn 227.000 cổ phiếu AGG khiến tỷ lệ sở hữu quay về vạch xuất phát, không còn là cổ đông lớn của Bất động sản An Gia. Thế nhưng đến ngày 17/4, HoSE mới nhận được tất cả các báo cáo giao dịch của bà Thủy.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây bị UBCKNN xử phạt đã xuất hiện những yếu tố mới. Thay vì cách làm thông thường là vi phạm của các cá nhân đơn lẻ, thì nay xuất hiện mối liên quan giữa tổ chức và cá nhân.
Cụ thể, hồi tháng 7 vừa qua UBCKNN đã công khai quyết định xử phạt 1,2 tỷ đồng đối với CTCP Tập đoàn Tân Thành Ðô và 550 triệu đồng đối với ông Ngô Văn Cường, đều ở TP. HCM do đã sử dụng 22 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTF của CTCP City Auto đang niêm yết trên HoSE.
Phạt bao nhiêu để đủ sức răn đe?
Theo ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), trước tình trạng giao dịch thao túng diễn biến phức tạp, nhà đầu tư, các cổ đông nhỏ tỏ ra rất bức xúc vì những cá nhân đã lợi dụng ưu thế nắm bắt thông tin sớm về “bí mật” của doanh nghiệp, tâm lý đám đông để tiến hành các giao dịch lướt sóng cổ phiếu mang lại lợi ích cho mình.
Theo quan điểm của các nhà đầu tư thì việc xử phạt là giải pháp hiện nay nhưng liệu phạt bao nhiêu thì đủ sức răn đe khi mà khoản lợi ích cá nhân thu được lớn hơn rất nhiều số tiền phạt phải bỏ ra, bởi các hành vi vi phạm đều được phát hiện khá muộn.
Chia sẻ với những bức xúc từ phía các nhà đầu tư, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBCKNN cho biết, việc xử phạt các trường hợp vi phạm diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, để có căn cứ xử phạt, việc chứng minh được một vụ giao dịch nội gián hay hành vi thao túng giá cổ phiếu thường tốn khá nhiều nhiều thời gian, phức tạp.
Với một số hành vi vi phạm, việc phát hiện và xử lý được ngay như: vi phạm quy định về quản trị công ty, công bố thông tin...Tuy nhiên, các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán nhất là các vi phạm cố tình có yếu tố hình sự diễn ra ngày càng tinh vi.
Cũng theo ông Dũng, để khắc phục tình trạng này, tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán mới đây đang được lấy ý kiến rộng rãi của công chúng, ban soạn thảo đã đưa ra nhiều chế tài mới theo hướng tăng nặng đối với hành vi thao túng giá chứng khoán.
Theo đó, đối với hành vi thao túng, giao dịch sử dụng thông tin nội bộ theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019, dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền bằng 10 lần khoản thu trái pháp luật, nhưng không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 5 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Ðặc biệt, chế tài mới còn quy định về hình thức xử phạt bổ sung mang tính răn đe là đình chỉ giao dịch chứng khoán từ 1-2 năm, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 1-2 năm với đối tượng vi phạm.
Theo quy định mới tại Luật Chứng khoán 2019, cơ quan quản lý được trao quyền trong tiếp cận các thông tin về trao đổi qua điện thoại, sự biến động của dòng tiền...Điều này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho UBCKNN trong công tác điều tra, xử lý và sớm tạo minh bạch cho thị trường.
Minh Khuê