Gọng kìm bóp nghẹt "ông lớn" ngành bia

Admin

03/07/2020 05:32

Choáng vì Nghị định 100

Những ngày đầu tháng 1/2020, khi các doanh nghiệp vừa bắt đầu rục rịch bước vào năm tài chính mới với những kế hoạch mới, kỳ vọng mới thì Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực chỉ sau 2 ngày được thông qua.

Nghị định 100 đề ra các mức phạt thích đáng, đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông khắp cả nước đồng loạt lập chốt kiểm tra để xử phạt các trường hợp vi phạm xuất hiện dày đặc trên báo, đài cho thấy những con số đó không chỉ mang tính chất minh hoạ.

Uống rượu đi xe đạp cũng bị phạt, điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở phải nộp 6 - 8 triệu đồng về ngân sách đồng thời tịch thu bằng lái 22 - 24 tháng. Uống hai chai bia rồi cố tình điều khiển ô tô, các tài xế "ma men" dễ dàng nhận án phạt 30 - 40 triệu đồng, chưa kể không có quyền lái xe thêm 22 - 24 tháng.

Tài chính - Ngân hàng - Gọng kìm bóp nghẹt 'ông lớn' ngành bia

Nghị định 100 siết chặt mức xử phạt với tài xế sử dụng rượu bia khi lái xe.

Những con số tổng mức tiền thu được từ các cá nhân vi phạm khiến nhiều người giật mình, phải điều chỉnh hành vi. Nhờ đó, có không ít gia đình cảm thấy yên tâm vì Nghị định 100 như một hồi chuông cảnh báo, góp phần giảm thiểu những nỗi đau tột cùng từ tai nạn giao thông.

Vậy nhưng, nhìn từ góc độ kinh doanh của doanh nghiệp, có hai "ông lớn" vốn tự hào lọt top đầu doanh nghiệp có doanh thu/số thu ngân sách lớn nhất toàn quốc phải đứng ngồi không yên.

Kết thúc quý đầu năm 2020, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố báo cáo tài chính với con số gây thất vọng cho cổ đông. Trong 3 tháng (từ tháng 1- 3/2020, Sabeco ghi nhận doanh thu chỉ đạt gần 4.910 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu theo quý thấp nhất của Sabeco từ năm 2016 đến nay.

Do nguồn thu giảm mạnh nên Sabeco chủ động cắt giảm nhiều chi phí, như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính. Lợi nhuận trước thuế của Sabeco trong quý I/2020 đạt 945 tỷ đồng, giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu, lợi nhuận giảm tới phân nửa vẫn còn là thông tin tích cực đối với Sabeco, nếu nhìn sang một "ông lớn" khác có thị phần chủ yếu ở miền Bắc, đó là Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Cũng trong quý I/2020, Habeco ngậm ngùi báo lỗ kỷ lục gần 100 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 100 tỷ đồng), doanh thu thuần chỉ đạt 770 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ, bất chấp trước đó doanh nghiệp đã chịu chi để đồng loạt chạy các chương trình quảng cáo khủng về các sản phẩm bia mới.

Chưa kể, ảnh hưởng từ việc thua lỗ cộng với việc tăng hàng tồn kho khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ của Habeco âm hơn 1.000 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ 2019, chỉ tiêu này của Habeco chỉ âm 430 tỷ đồng). Theo đó, lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ của Habeco giảm từ mức 1.300 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn gần 430 tỷ đồng vào cuối tháng Ba.

Cùng "nỗi đau" với Sabeco, trong văn bản giải trình, ban lãnh đạo Habeco cho rằng do ảnh hưởng của Covid-19 và Nghị định 100 cấm lái xe sau khi dùng bia rượu khiến sản lượng tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2019.

Cú knock-out từ Covid-19

Sau những ngày Nghị định 100 “gây bão” trên toàn xã hội, nhiều quán bia hơi đìu hiu vắng khách, những chuỗi nhà hàng ăn nhậu nổi tiếng từ Bắc chí Nam tính kế đóng cửa vì không kham nổi chi phí đầu vào. Tuy vậy, cả Sabeco, Habeco hay các nhà hàng cũng đã có những chiến dịch riêng, như dịch vụ đưa đón khách về tận nhà sau bữa nhậu, ship bia tận nơi, khách nhậu tại nhà… để tránh những hệ lụy không đáng có vì bia rượu khi tham gia giao thông.

Những tưởng có thể chật vật thoát khó thì dịch Covid-19 chính thức giáng một đòn chí tử vào thị trường bia rượu, nước giải khát tại Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Tài chính - Ngân hàng - Gọng kìm bóp nghẹt 'ông lớn' ngành bia (Hình 2).

Thời hoàng kim đã xa của những "ông lớn" ngành bia

Với những dự cảm kinh doanh năm 2020 không mấy thuận lợi, Sabeco vừa đặt ra mục tiêu kinh lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, tổng công ty này dự kiến trong năm 2020, doanh thu sẽ bị sụt giảm mạnh tới 37% còn 23.800 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 40% so với thực hiện năm 2019, về mức 3.528 tỷ đồng

Sabeco nhận định, thị trường bia năm 2020 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng theo xu hướng tiêu thụ nhiều các dòng bia cao cấp do thu nhập tăng trong vài năm qua và sự cạnh tranh sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.

Đồng quan điểm với Sabeco, trong báo cáo thường niên của mình, lãnh đạo Habeco cũng nhận định, ngoài những nguyên nhân khách quan từ dịch Covid-19 và chính sách như Nghị định 100, một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đó chính là sự cạnh tranh của các công ty cùng ngành. Habeco cho biết, tăng trưởng ngành bia những năm gần đây đã chứng lại, nhiều thương hiệu lớn ở thị trường miền Nam đã đầu tư phát triển mạnh ra thị trường miền Bắc, là thị trường chính của Habeco.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước như Masan, Budweiser… tham gia vào ngành sản xuất bia cũng như sự thâm nhập của nhiều sản phẩm nhập khẩu như: Corona, Leffe, Chimay… và tâm lý tiêu dùng của một bộ phận tiêu dùng là sính ngoại cũng gây áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Nói vậy, không có nghĩa những “ông lớn” ngành bia đành bị động chịu trận trước đòn tác động kép không dự đoán được trong năm 2020.

Sabeco cho biết, doanh số giảm trong quý I/2020 là do 3 yếu tố (Covid-19, Nghị định 100 và tin giả về quyền sở hữu của Trung Quốc), đặc biệt, nguyên nhân lớn nhất là Covid-19, trực tiếp tác động đến kênh tiêu dùng tại chỗ (on- premise).

Trung tâm phân tích của công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cũng ước tính sản lượng tiêu thụ nửa cuối năm 2020 giảm 15% khi người tiêu dùng điều chỉnh hành vi tiêu dùng để tuân thủ Nghị định 100 về quy định không uống rượu bia khi lái xe, kể cả việc dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Thông thường, quý II sẽ là giai đoạn cao điểm mảng tiêu thụ rượu bia tại nhà hàng khi thời tiết nắng nóng. Sau đại dịch, thói quen ăn uống của người tiêu dùng thực tế đã quay lại nhưng lưu lượng vẫn thấp hơn nhiều do những lo ngại dịch bùng phát trở lại và nỗi lo thường trực về mức phạt của Nghị định 100.

Theo đó, cách tháo gỡ khó khăn trước mắt, Sabeco rất kỳ vọng kênh phân phối cho các tiệm tạp hóa, siêu thị (kênh off-trade) sẽ là động lực chính cho tăng trưởng và còn nhiều dư địa để cải thiện kênh thương mại hiện đại (modern-trade) hay kênh thương mại điện tử riêng.

Hiểu Minh

 

Bạn đang đọc bài viết "Gọng kìm bóp nghẹt "ông lớn" ngành bia" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG.