Nước thải, chất thải từ các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm không qua xử lý, xả trực tiếp cùng với nước sinh họat gây ô nhiễm môi trường Hà Nội khiến hậu quả dịch bệnh phát sinh là khó tránh khỏi.
77/192 làng nghề ô nhiễm nước nghiêm trọng
Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn bậc nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Chúng nằm trải rộng ở 23 quận, huyện thị xã với nhiều loại hình sản xuất khác nhau, từ chế biến nông sản thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, nhuộm, thuộc da, đến tái chế chất thải, sản xuất vật liệu xây dựng… Từ nhiều năm nay, các chuyên gia môi trường đã cảnh báo về tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề, đặc biệt là tình trạng nước thải từ các làng nghề không qua xử lý được xả thẳng ra sông hồ, là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
GS-TS Đặng Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, cho biết: “Tính chất ô nhiễm của làng nghề tùy thuộc vào loại hình sản xuất hoạt động của mỗi làng nghề. Tùy theo loại hình mà tính chất nước thải khác nhau, thành phần khác và mức độ ô nhiễm khác nhau. Điều đáng nói, nước thải của các làng nghề chứa nhiều chất ô nhiễm không được thu gom để xử lý hoặc tái sử dụng hiệu quả mà lại được xả chung vào nước sinh hoạt hay xả vào các kênh mương phục vụ hoạt động thủy lợi, tưới tiêu nên làm thay đổi chất lượng nước bề mặt của các khu vực xung quanh, gây ô nhiễm.”
Nước xả thải chưa qua xử lý không khỉ làm ô nhiễm tại các nguồn tiếp nhận như các kênh, mương, cống rãnh, ao hồ… mà còn thấm vào đất, gây nên ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ảnh tư liệu: Thương Hiệu&Công Luận |
Kết quả điều tra, khảo sát năm 2018-2019 của Sở Tài Nguyên và môi trường Hà Nội tại 192 làng nghề cho thấy, có tới 77 làng nghề ô nhiễm nước nghiêm trọng, 36 làng nghề ô nhiễm. Trong đó, ô nhiễm nước thải của nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm rất đáng lo ngại, phải kể đến làng nghề chế biến tinh bột sắn ở xã Minh Khai (huyện Hoài Đức), làng chế biến tinh bột Cộng Hòa, làng chế biến nông sản thực phẩm Cát Quế, làng nghề làm bún thôn Kỳ Thủy, làng nghề làm bánh đa nem thôn Ngự Câu...
Một số liệu thống kê khác cho thấy, mỗi năm, ngành tinh bột sắn thải ra môi trường khoảng 240 - 300 triệu m3 nước thải/năm nhưng chỉ khoảng 10% tổng lượng nước thải đã qua xử lý, số còn lại đều xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Nước thải của ngành chế biến tinh bột sắn chứa nhiều tinh bột, các axít hữu cơ, xơ, cặn... có hàm lượng chất hữu cơ, tổng chất rắn đều cao và có tính axít, nếu không được xử lý trong quá trình tự phân hủy có thể gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường.
Tương tự, đối với các làng nghề chế biến bún, trung bình mỗi ngày các hộ sản xuất bún sử dụng khoảng 50m3 nước để phục vụ sản xuất, tuy nhiên, theo chia sẻ của một số hộ sản xuất bún ở làng bún Phú Đô, Hà Nội nước sử dụng trong quá trình chế biến được xả trực tiếp ra hệ thống cống cùng với nước sinh hoạt.
Theo các chuyên gia môi trường, nước xả thải chưa qua xử lý không khỉ làm ô nhiễm tại các nguồn tiếp nhận như các kênh, mương, cống rãnh, ao hồ… mà còn thấm vào đất, gây nên ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Nước thải từ một làng nghề ven Hà Nội thải ra. Ảnh: BL/dangcongsan.vn |
Đại diện Chi cục môi trường Hà Nội cho biết, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm nước thải làng nghề là do đặc trưng của các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, lẻ nằm rải rác trong khu dân cư. Chỉ có một số cơ sở sản xuất của làng nghề Minh Khai đã sử dụng máy móc tự động hóa để chế biến tinh bột, thì các làng nghề như làm bún, làm đậu, nấu rượu bánh đa chủ yếu là làm thủ công và bán cơ khí… Chủ cơ sở sản xuất chưa có ý thức bảo vệ môi trường, cũng chưa quan tâm đến việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất.
Một số ý kiến cho rằng, số lượng cán bộ môi trường tại các địa phương còn thiếu, việc kiểm tra, kiểm soát xả thải của các cơ sở sản xuất làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chính quyền tại nhiều địa phương còn thiếu sự chủ động, “lúng túng” giữa việc đảm bảo hoạt động kinh tế và bảo vệ môi trường.
Giải pháp nào cho hệ thống xử lý nước thải làng nghề
PGS TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng cần phải coi nước xả thải tại các làng nghề như nước thải công nghiệp và sử dụng những công nghệ cao để xử lý nước thải theo tiêu chuẩn của nước thải công nghiệp. Theo ông Tiến, tính chất nước thải của mỗi làng nghề khác nhau nên phải lựa chọn công nghệ xử lý nước thải tiên tiến cho phù hợp với từng làng nghề, không thể dùng chung một công nghệ.
“Tuy nhiên, điều quan trọng phải xây dựng được mạng lưới thu gom từ các cơ sở sản xuất về nơi xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp nằm xa khu dân cư, được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đầy đủ là một trong những giải pháp có thể kiểm soát được nước thải của các cơ sở sản xuất làng nghề”, ông Tiến lưu ý.
Theo GS –TS Đặng Kim Chi, hoạt động sản xuất của các làng nghề có sự biến đổi rất nhanh, một số làng nghề thu hẹp quy mô sản xuất trong khi một số làng nghề khác lại liên tục phát triển, xuất hiện những xí nghiệp, doanh nghiệp quy mô nhỏ, lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều. Nếu không nghiêm túc xử lý thì tác động gây ô nhiễm môi trường càng lớn. Kiểm soát ô nhiễm làng nghề phải sử dụng nhiều biện pháp tổng hợp.
Mỗi năm, ngành tinh bột sắn thải ra môi trường khoảng 240 - 300 triệu m3 nước thải/năm nhưng chỉ khoảng 10% tổng lượng nước thải đã qua xử lý. Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: Lao Động) |
Theo bà Chi, những biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức của bà con dân làng nghề là vô cùng quan trọng. Chính quyền địa phương, hiệp hội làng nghề, hội cựu chiến binh dựa trên thói quen, tập quán của địa phương mình để có những biện pháp tuyên truyền phù hợp để làm sao bà con làng nghề nhận thức được được những tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, cuộc sống của gia đình họ và bà con lối xóm. Việc lựa chọn công nghệ và quy mô xử lý nước thải cũng phải phù hợp với đặc thù, điều kiện kinh tế của làng nghề, cũng như trình độ kỹ thuật của người lao động.
Tín hiệu đáng mừng là nhìn ra những bất cập trong vấn đề môi trường tại các làng nghề, chính quyền các cấp cụ thể cũng đã có những động thái tích cực xử lý. Theo đó, nhằm đưa hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư và bảo vệ môi trường làng nghề, thành phố Hà Nội đã thành lập được nhiều cụm công nghiệp làng nghề được đầu tư đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. Đến nay đã có 26/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Sở Công thương Hà Nội cũng đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội đã thành lập thêm 44 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Hà Đông… với tổng vốn dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng đã đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức công suất 20.000m3/ngày đêm vào năm 2016; đẩy nhanh tiến độ đầy tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức công suất 8.000m3/ngày đêm; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Phùng Xá, huyện Mỹ Đức công suất 500m3/ ngày đêm… Ngoài ra còn có một số nhà máy xử lý nước thải ở huyện Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 570 tỷ đồng.
Đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết, thành phố cũng đã kêu gọi đầu tư 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín…
Một cán bộ Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, cho biết Nghị định 155 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định xử phạt cụ thể đối với những hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc xác định những cơ sở xả thải và khối lượng xả thải các cơ sở sản xuất làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn bất cập: “Thời gian tới, sở sẽ tham mưu HĐND thành phố phát huy Luật thủ đô bổ sung thêm những hình thức chế tài xử lý mạnh hơn đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời tăng cường kiểm soát lượng nước xả thải thông qua cung cấp nước sạch tới từng hộ sản xuất”, vị này nhấn mạnh.
Một số ý kiến cho rằng, hoạt động của các làng nghề giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên cũng cần đặc biệt quan tâm là không đánh đổi môi trường để lấy tăng trường kinh tế, như chủ trương của Đảng và Nhà nước, mà cần tìm những giải pháp phù hợp để các làng nghề phát triển theo hướng bền vững.
Theo Người đô thị