Năm 2019 đã đánh dấu bước khởi đầu cho tham vọng làm nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) sau cái bắt tay với bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai) trong hành trình vực dậy Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico; UPCoM: HNG).
Trong suốt nhiều năm tham gia vào HAGL Agrico, tỷ phú Trần Bá Dương dù đã đưa ra nhiều giải pháp giúp HAGL Agrico khỏi bờ vực phá sản bằng loạt biện pháp như rót vốn, đầu tư, cho vay nhưng vẫn như "muối bỏ bể". Doanh nghiệp thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu tiền mua vật tư chăm sóc và đầu tư cho các hạ tầng kỹ thuật quan trọng…
Cuối cùng, Thaco buộc phải đưa ra quyết định tiếp quản HAGL Agrico, và ông Trần Bá Dương vì thế cũng "bất đắc dĩ" trở thành Chủ tịch công ty.
Sau nhiều năm dưới sự chống đỡ của vị tỷ phú USD trên, tình hình kinh doanh của HAGL Agrico vẫn không thể cải thiện, thậm chí tiếp tục sa sút.
Cụ thể, quý III/2024, doanh thu thuần của công ty chỉ đạt 141 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Theo HAGL Agrico, sản lượng cây ăn trái quý này giảm mạnh 56% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2.903 tấn, khiến doanh thu mảng này chỉ đạt gần 50 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích vườn chuối thu hoạch trong kỳ giảm so với cùng kỳ (từ 1.920 ha giảm còn 494 ha), do diện tích vườn chuối trồng lâu năm, chất lượng và năng suất không còn đạt hiệu quả nên công ty phải dừng chăm sóc để tập trung làm lại mặt bằng, cải tạo vườn cây để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Đồng thời, công ty đang triển khai mô hình xí nghiệp với việc đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cơ giới hóa, áp dụng quy trình kỹ thuật mới để ổn định về sản lượng, nâng cao năng suất và chất lượng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, HAGL cho biết, sản lượng cây cao su trong quý III/2024 đạt 2.401 tấn, doanh thu đạt 90 tỷ đồng. Nguyên nhân là tổng diện tích vườn cao su đã trồng hoàn thiện là 15.192 ha, tuy nhiên diện tích có thể khai thác hiệu quả chỉ đạt 4.932 ha.
Theo quy định của Chuẩn mực kế toán công ty đang hạch toán trích chi phí khấu hao cho toàn bộ diện tích vườn cây cao su đã hình thành tài sản cố định kể cả các vườn cây không cho thu hoạch, dẫn đến doanh thu không bù đắp đủ chi phí.
Ngoài ra, chi phí tài chính phát sinh trong quý là 116 tỷ đồng, trong đó lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ có gốc ngoại tệ là 54 tỷ đồng, chi phí lãi vay phát sinh từ gốc vay trước đây của các dự án cao su, cọ dầu là 62 tỷ đồng.
Kinh doanh dưới giá vốn cộng thêm các khoản chi phí phát sinh nên sau thuế HAGL Agrico lại tiếp tục chìm trong chuỗi lỗ "không hồi kết" với khoản lỗ tới 182 tỷ đồng trong quý III/2024. Đây cũng là quý lỗ thứ 14 liên tiếp của công ty.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu thuần 288 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, công ty lỗ tới 546 tỷ đồng, tăng đáng kể so với khoản lỗ 446 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Việc liên tục thua lỗ khiến khoản lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 9/2024 của công ty lên 8.648 tỷ đồng.
Năm 2024, HAGL Agrico đặt kế hoạch doanh thu 694 tỷ đồng và lỗ 120 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp mới thực hiện được hơn 41% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã lỗ vượt kế hoạch rất xa.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/9/2024, nợ phải trả của công ty tính đến cuối tháng 9/2024 đạt 14.088 tỷ đồng, tăng 18%. Trong đó, dư nợ vay lên tới 9.681 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Chủ nợ lớn nhất của HAGL Agrico là Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri) với 7.757 tỷ đồng, tiếp đó là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với 1.019 tỷ đồng.