Hai thái cực của BĐS văn phòng hai miền Nam - Bắc

Admin

24/07/2020 16:30

Giống như các phân khúc BĐS khác trên toàn thị trường quý II/2020 đi xuống, phân khúc BĐS văn phòng cũng không đi ngoài xu thế. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn le lói điểm sáng BĐS văn phòng tại TP. HCM.

Giá thuê Nam tăng-Bắc giảm

Theo bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills TP. HCM cho biết, tại TP này phân khúc văn phòng vẫn hoạt động tốt với tỷ lệ trống chỉ 5%.

Nguồn cung tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm bất chấp kinh tế trì trệ. Trong Quý II/2020, thị trường có thêm 91.000m2 nguồn cung mới, tăng 15% theo năm, trong đó, 33% đến từ 4 dự án mới, một dự án hạng A gia nhập sau 3 năm, tổng nguồn cung đạt xấp xỉ 2,2 triệu m2.

Còn tại Hà Nội, ông Lê Tuấn Bình, Trưởng phòng cho thuê Thương mại Savills Hà Nội chia sẻ, tổng nguồn cung đạt khoảng 1,8 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 1% theo năm với hầu hết dự án nằm ở khu vực phía Tây.

Về giá thuê, trong khi tại TP. HCM, tình hình hoạt động vẫn tích cực trong nửa đầu năm với giá thuê tăng 4% theo năm và công suất trung bình cao ở mức 95%. Riêng trong Quý II/2020, giá thuê tăng 1% theo Quý và 4% theo năm, thì tại Hà Nội, giá thuê gộp trung bình giảm -1% theo quý và -1% theo năm.

Điều trái ngược nữa là, tại TP. HCM, phân khúc hạng B tăng giá sau thời gian dài lấp đầy, hạng C giá thuê giảm -0.4% theo Quý. Còn tại Hà Nội, hạng A duy trì ổn định trong khi Hạng B và C ghi nhận sụt giảm, chủ yếu tại các dự án có nhiều diện tích trống

Tuy nhiên, văn phòng ở Hà Nội có công suất thuê trung bình tăng nhẹ 1 điểm % theo quý và 1 điểm % theo năm. Hạng A có tăng trưởng công suất thuê mạnh nhất, diện tích cho thuê thêm Quý II đạt 15.000 m2, nhưng cả nửa đầu năm sụt giảm -400 m2 do International Centre và Vietcombank Tower rút ra trong Quý I. Diện tích cho thuê thêm đạt cao nhất tại hạng B và khu vực phía Tây.

Bà Từ Thị Hồng An đánh giá, thị trường văn phòng TP. HCM chưa chịu tác động ngay lập tức bởi Covid-19 nhưng đã bắt đầu bị ảnh hưởng trong Quý II. Cụ thể, ở việc khách thuê bị giảm doanh thu 6 tháng đầu năm, có doanh nghiệp buộc phải cắt giảm diện tích và di dời để tiết kiệm chi phí.

Các ngành ảnh hưởng nặng nhất là hàng không, vận tải, du lịch và tài chính giảm tỷ trọng sàn thuê từ 1-2 điểm phần trăm theo năm. Nhưng là cơ hội cho thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ BĐS, tăng tỷ trọng từ 1-2 điểm phần trăm theo năm với triển vọng nguồn cầu tích cực.

22-7-Toa-nha-van-phong-5896-1595404979.j

Mặc dù thị trường bất động sản văn phòng suy giảm nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng tương lai sẽ phát triển tốt 

Triển vọng thị trường

Theo Savills Hà Nội, Hà Nội sẽ vẫn là điểm đến đầu tư an toàn và ổn định khi được Chính phủ xác định là địa phương tiên phong trong hồi phục kinh tế sau dịch bệnh khi thu hút 2,76 tỷ USD trong nửa đầu năm.

Cũng trong khoảng thời gian này, Hà Nội ghi nhận khoảng 12.600 doanh nghiệp đăng ký mới, giảm -7% theo năm, với tổng vốn đăng ký đạt 175 nghìn tỷ VNĐ, hay 7,5 tỷ USD, tăng 5% theo năm.

Nhận định về thị trường BĐS văn phòng Hà Nội, ông Lê Tuấn Bình nhìn nhận, đến năm 2022, khoảng 258.000 m2 nguồn cung mới chủ yếu thuộc hạng A, sẽ gia nhập thị trường. Nguồn cung ngày càng mở rộng ra ngoài trung tâm và tập trung tại khu vực nội thành, còn khu vực Trung tâm không ghi nhận dự án nào.

Đáng chú ý, nguồn cung này cùng tâm lý thận trọng có thể khiến công suất thuê trung bình giảm trong hai năm tới. Giá thuê trung bình được dự báo sẽ giảm khoảng -2% trong năm 2020 nhưng hồi phục chậm vào năm 2021.

Bà Từ Thị Hồng An dự báo, thị trường BĐS văn phòng tại TP. HCM đến cuối 2022, có 24 dự án mới sẽ gia nhập thị trường với hơn 376.000m2. Nguồn cung tương lai tiếp tục khẳng định niềm tin của chủ đầu tư đối với thị trường. Hơn 70% các dự án tương lai đang trong giai đoạn hoàn thiện. Xu hướng phát triển tại khu vực ngoài trung tâm được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực cho thị trường trong thời gian tới.

Suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục tác động đến khách thuê và thách thức thị trường trong nửa cuối năm. Bên cạnh nguồn cung mới gia nhập, diện tích trống tăng lên sẽ thúc đẩy việc thương lượng các điều khoản thuê. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Bởi theo FocusEconomics, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo đạt 2,6% năm 2020, phục hồi ở mức 6,7%/năm giai đoạn 2021-2024. Với triển vọng tươi sáng trong dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt nhất khu vực châu Á.

Minh Sơn

Bạn đang đọc bài viết "Hai thái cực của BĐS văn phòng hai miền Nam - Bắc" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN.